Nhân viên Hostess thường làm việc ở các nhà hàng từ 3 sao trở lên và ấn tượng của họ để lại với khách hàng là những nụ cười tươi luôn trên môi, luôn nhiệt tình với công việc và sẵn sàng giúp đỡ khách hàng khi họ cần với thái độ niềm nở.

Trong nhà hàng, chúng ta thường đã quá quen thuộc với những vị trí như nhân viên phục vụ, đầu bếp, quản lý nhà hàng… Đây được xem là những bộ phận không thể thiếu và đóng góp một vai trò không nhỏ trong sự thành công của nhà hàng. Và bên cạnh đó thì một vị trí khác cũng đóng một vai trò quan trọng không kém, được đánh giá là “bộ mặt” của nhà hàng là nhân viên Hostess. Vậy thực chất Hostess là nghề gì? Tại sao lại nói Hostess là “bộ mặt” của nhà hàng? Mô tả công việc Hostess là gì? Cùng theo dõi tiếp bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm một số thông tin về Hostess là nghề gì nhé!

I. Hostess là gì?

Hostess là nữ nhân viên trong nhà hàng hay còn được hiểu là nhân viên lễ tân nhà hàng, có nhiệm vụ chính là đón tiếp khách hàng ngay từ lúc họ đặt chân vào cửa và sắp xếp chỗ ngồi cho khách một cách hợp lý và nhanh chóng nhất. Hình ảnh cũng như tác phong làm việc của nhân viên Hostess sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đánh giá và cái nhìn của khách hàng đối với nhà hàng đó. Chính vì thế mà hiện nay các nhà hàng, đặc biệt là những nhà hàng lớn, sang trọng luôn có những yêu cầu và mong đợi dành cho đội ngũ Hostess. Nếu như trong khách sạn, nhân viên lễ tân (Receptionist) đảm nhận vai trò đón tiếp, hướng dẫn khách thì trong các nhà hàng, vị trí Hostess cũng có nhiệm vụ tương tự.

Hostess là gì?

Hostess là gì?

II. Mô tả công việc Hostess

Như trên 123job đã giới thiệu tới bạn đọc một số thông tin về Hostess là gì, Hostess là nghề gì. Vậy bản mô tả công việc Hostess như thế nào? Công việc hàng ngày của một nhân viên lễ tân nhà hàng bao gồm những gì? Dưới đây là mô tả công việc Hostess mà 123job muốn chia sẻ tới bạn đọc:

1. Đón tiếp khách hàng

  • Mở cửa, chào khách khi khách bước chân vào nhà hàng với nụ cười tươi, thái độ, cử chỉ và giọng nói niềm nở, lịch sự.
  • Hỏi thông tin đặt bàn của khách hàng, kiểm tra thông tin và chỉ dẫn khách vào đúng bàn đã được đặt trước đó. Và đối với công việc đón tiếp khách, nhân viên Hostess cần lưu ý là phải đảm bảo khách ngồi đúng vị trí và phục vụ khách một cách nhanh chóng nhất.
  • Ghi nhớ tên và mặt khách hàng thân thiết để chào khách bằng tên nhằm tạo sự thân thiện và tôn trọng.
  • Mở cửa, chào khách và cảm ơn khi khách hàng ra về.

2. Hướng dẫn khách đến chỗ ngồi

  • Tiếp nhận thông tin đặt bàn của khách và sau đó hướng dẫn khách đến chỗ ngồi đã được đặt từ trước. Nếu khách chưa đặt bàn sẵn trước đó thì cần hỏi thông tin từ khách như số người tham gia, thích ngồi ở vị trí có không gian như thế nào...
  • Nếu có khách đặt bàn từ trước thì cần báo cho quản lý ở đầu ca để sắp xếp chỗ ngồi hợp lý.
  • Phối hợp cùng với các bộ phận khác để tránh trường hợp khách phải chờ đợi quá lâu.
  • Tác phong nhanh nhẹn nhằm phục vụ khách hàng kịp thời và nhanh nhất có thể.

3. Tư vấn và giải đáp thắc mắc những cho khách hàng

  • Chủ động tư vấn, giới thiệu và gợi ý các món ăn/ thức uống đặc trưng của nhà hàng dựa trên những sở thích/ văn hóa/ độ tuổi của khách.
  • Hướng dẫn khách đến với những khu vực khác trong sự cho phép của nhà hàng khi khách có nhu cầu.
  • Ghi nhận các ý kiến phản hồi tốt và không tốt của khách hàng để tổng hợp lại và báo cáo cho cấp trên để từ đó tìm ra những giải pháp giải quyết phù hợp.

4. Các công việc khác của Hostess

  • Đề xuất các ý tưởng kinh doanh hay nhằm cải thiện cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, thương hiệu của nhà hàng.
  • Báo cáo với quản lý những sự cố xảy ra trong quá trình làm việc của mình.
  • Thống kê lại số lượng khách hàng vào nhà hàng trong ca làm việc.
  • Hỗ trợ những nhân viên mới trong quá trình làm việc như phong cách ăn mặc, phục vụ, kỹ năng giải quyết vấn đề trong những tình huống khác nhau...
  • Chịu trách nhiệm vệ sinh khu vực cửa ra vào đón khách luôn được sạch sẽ.
  • Khi hết ca làm việc thì bàn giao lại công việc cho những nhân viên ở ca tiếp theo. Nếu làm ca cuối thì trước khi ra về phải đảm bảo mọi thứ đều được an toàn.
  • Hỗ trợ nhân viên phục vụ trong quá trình làm việc nếu nhà hàng đông khách.
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của quản lý nhà hàng và cấp trên.

Mô tả công việc Hostess

Mô tả công việc Hostess

III. Yêu cầu cần có đối với vị trí Hostess trong nhà hàng

1. Ngoại hình

Nếu như nhân viên lễ tân là "bộ mặt" của khách sạn thì Hostess cũng giữ vai trò tương tự ở nhà hàng, tạo dựng hình ảnh đẹp đầu tiên và gây ấn tượng với khách hàng. Vì thế hiện nay khi tuyển dụng Hostess, hầu hết các nhà hàng đều nêu rõ tiêu chí “ưu tiên những ứng viên có ngoại hình ưa nhìn”, thậm chí quy định cụ thể về chiều cao và một số yêu cầu chi tiết khác nếu có.

Ngoại hình của nhân viên Hostess không cần đẹp như hoa hậu nhưng phải có một gương mặt sáng, ưa nhìn, nụ cười duyên và tạo được thiện cảm với người đối diện. Bên cạnh đó phải có một vóc dáng cân đối, không có các khiếm khuyết, dị tật và không để lộ những hình xăm (nếu có). Về phong cách ăn mặc thì ăn mặc lịch sự, gọn gàng và trang điểm nhẹ nhàng, tránh quá nổi bật.

2. Yêu cầu về giọng nói

Nếu như ngoại hình là điều đầu tiên thu hút ánh nhìn của khách hàng thì giọng nói lại là điều thuyết phục khách hàng đến với nhà hàng. Do đó, một giọng nói chuẩn, dễ nghe, không nặng tính địa phương, không nói ngọng, nói lắp với âm lượng và tốc độ vừa phải sẽ đảm bảo khách hàng có thể nghe hiểu được những gì nhân viên nói.

3. Yêu cầu về ngoại ngữ

Ngày nay trước xu hướng hội nhập quốc tế, những nhà hàng, khách sạn quy mô, nhất là các nhà hàng 5 sao thường đa dạng đối tượng khách phục vụ, cả nội địa và quốc tế. Do đó, để giao tiếp trôi chảy và đạt hiệu quả thuyết phục cao thì đòi hỏi nhân viên phải thành thạo về 1 ngoại ngữ nào đó, đặc biệt là tiếng Anh. Việc nắm giữ trong tay một ngoại ngữ khác ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ là tấm vé quan trọng mang tới cho Hostess nhiều cơ hội việc làm cũng như mức lương, con đường thăng tiến cao hơn.

IV. Cơ hội việc làm và mức lương của Hostess hiện nay

Theo ông Chử Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV), trong suốt 5 năm qua, ngành ẩm thực Việt luôn có những bước tăng trưởng vượt bậc. Và biểu thị rõ ràng nhất là số lượng nhà hàng, quán cà phê, Pub và Bar liên tục tăng lên rõ rệt qua các năm đặc biệt tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Cơ hội việc làm và mức lương của Hostess hiện nay

Cơ hội việc làm và mức lương của Hostess hiện nay

Và theo thống kê của Dcorp R-Keeper Việt Nam thì hiện cả nước có đến 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó có khoảng 430.000 cửa hàng nhỏ, khoảng 7.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, 22.000 cửa hàng cà phê, các quầy bar và có tới trên 80.000 nhà hàng được đầu tư, phát triển một cách bài bản. Qua từng năm thì con số này ngày càng tăng lên một cách nhanh chóng và đáng kể. Từ những thống kê, con số đó có thể thấy cơ hội việc làm mở ra cho nhân viên nhà hàng nói chung và nhân viên Hostess nói riêng là vô cùng rộng mở. Vậy mức lương của nhân viên Hostess có cao không?

Theo khảo sát, mức lương của Hostess trong các nhà hàng hiện nay dao động trung bình trong khoảng từ 5 – 8 triệu đồng/tháng. Bên cạnh mức lương cơ bản thì nhân viên Hostess còn nhận được thêm tiền thưởng, service charge, tip, được tham gia chương trình nghỉ mát định kỳ…

V. Kết luận

Trên đây là một số thông tin về Hostess là nghề gì, mô tả công việc Hostess, những yêu cầu cần có đối với vị trí Hostess trong các nhà hàng mà 123job muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hy vọng qua những chia sẻ ở bài viết mang tới cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích về Hostess là gì. 123job chúc bạn thành công trên con đường mình đã chọn!