Kế toán bán hàng là một công việc rất phù hợp với các bạn kế toán mới ra trường để tích lũy kinh nghiệm. Ở bài viết này, 123Job sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức đầy đủ nhất về kế toán bán hàng. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

​​​​​​​I. Kế toán bán hàng là gì?

Kế toán bán hàng là một trong những vị trí công việc có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Với công việc này, nhân viên kế toán bán hàng có nhiệm vụ ghi chép tất cả các công việc liên quan đến nghiệp vụ bán hàng. 

Chúng ta cùng tìm hiểu về nghiệp vụ bán hàng nhé! Bán hàng là khâu cuối cùng của hoạt động kinh doanh trong các doanh nghiệp, đây là quá trình chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa người mua và doanh nghiệp thu tiền về hoặc được quyền thu tiền. 

Xét về góc độ kinh tế, bán hàng là quá trình hàng hóa của doanh nghiệp được chuyển từ hình thái vật chất sang hình thái tiền tệ. Quá trình bán hàng ở các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thương mại nói riêng có những đặc điểm chính sau đây: 

  • Có sự trao đổi thỏa thuận giữa người mua và người bán, người bán đồng ý bán, người mua đồng ý mua, họ trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền.
  • Có sự thay đổi quyền sở hữu về hàng hóa: Người bán mất quyền sở hữu, người mua có quyền sở hữu về hàng hóa đã mua bán. 

II. Công việc của kế toán bán hàng

1. Cập nhật giá, hàng hóa và quản lý các hóa đơn, chứng từ liên quan đến hoạt động bán hàng

quản lý hóa đơn chứng từ

Cập nhật hóa đơn, chứng từ liên quan đến hoạt động bán hàng

  • Kế toán bán hàng phải thường xuyên cập nhật giá, sản phẩm hàng hóa mới vào phần mềm quản trị kế toán. Thông báo sửa đổi đến các bộ phận có liên quan. 
  • Nhân viên kế toán bán hàng nhập số liệu bán hàng, mua hàng vào phần mềm kế toán bao gồm bảng kê khai chi tiết các hóa đơn bán hàng trong ngày, sau đó tính tổng giá trị hàng đã bán cộng với thuế VAT.
  • Cập nhật đầy đủ tất cả các hóa đơn bán hàng có liên quan bao gồm hóa đơn bán hàng và hóa đơn bán dịch vụ.
  • Cập nhật và theo dõi việc giao - nhận hóa đơn (lưu ý phải có ký nhận trong sổ giao nhận)
  • Kế toán bán hàng còn phải quản lý sổ sách, hóa đơn chứng từ liên quan đến hoạt động bán hàng của doanh nghiệp bao gồm: Các hóa đơn xuất - nhập kho, hóa đơn khách hàng mua sản phẩm, hóa đơn doanh nghiệp mua hàng hóa….

2. Thực hiện nghiệp vụ kế toán bán hàng phát sinh

  • Công việc của kế toán bán hàng là phối hợp với kế toán kho, thủ kho hàng ngày kiểm tra và nắm rõ số lượng, giá trị của lượng hàng hóa xuất ra cũng như lượng sản phẩm được nhập vào, sau đó đối chiếu số liệu trên phần mềm hệ thống để đảm bảo được tính trùng khớp. 
  • Thực hiện lập và xuất các hóa đơn bán hàng có liên quan theo quy định, ghi nhận doanh thu và doanh số bán hàng. 
  • Lập hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng theo quy định, sau đó tính thuế GTGT của hàng hóa bán ra. 
  • Kế toán bán hàng theo dõi và thực hiện tính tỷ lệ chiết khấu cho khách hàng bao gồm chiết khấu thương mại hoặc chiết khấu thanh toán. 
  • Công việc của kế toán bán hàng cũng cần làm việc với kế toán doanh thu, kế toán công nợ phải thu để thống kê tình hình công nợ, thu hồi công nợ và quản lý tiền hàng, lên kế hoạch thu hồi công nợ và thực hiện đốc thúc công nợ của khách hàng. 
  • Quản lý khách nợ, theo dõi chi tiết theo từng khách hàng, lô hàng, số tiền khách nợ, thời hạn và tình hình trả nợ của khách hàng. 

3. Vào bảng kê chi tiết, lập các hóa đơn bán hàng, báo cáo bán hàng có liên quan

  • Công việc kế toán bán hàng vào cuối ngày là tiến hành vào bảng kê chi tiết các hóa đơn bán hàng, tính tổng giá trị hàng đã bán, thuế GTGT trong ngày. 
  • Kế toán bán hàng cùng với kế toán kho, thủ kho đối chiếu số liệu hàng xuất - tồn kho, tổng hợp số liệu bán hàng và mua hàng trong ngày để lấy đó làm căn cứ lập báo cáo liên quan vào cuối ngày.
  • Lập báo cáo danh mục hàng bán ra theo kỳ, lập báo cáo công nợ phải thu theo yêu cầu của quản lý/trưởng bộ phận.
  • Công việc của kế toán bán hàng định kỳ hàng tháng/hàng quý/hàng năm còn phải lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn tài chính trong kỳ theo biểu mẫu có sẵn. 

4. Các công việc khác

giao tiếp với khách hàng

Giao tiếp với khách hàng để tư vấn hàng hóa cho khách

  • Ngoài nhiệm vụ của kế toán bán hàng kể trên thì công việc này còn cần giao tiếp với khách hàng, tư vấn, giới thiệu hàng bán cho khách, chăm sóc khách hàng theo tiêu chuẩn quy định.
  • Làm báo giá sản phẩm hàng hóa, soạn thảo hợp đồng bán hàng hóa, dịch vụ khi được phân công.
  • Ghi nhận, cập nhật và quản lý thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng để làm các loại thẻ ưu đãi cho khách hàng.
  • Kế toán bán hàng thực hiện các công việc phát sinh khác theo sự phân công của cấp trên. 

III. Kinh nghiệm khi làm kế toán bán hàng

Kế toán bán hàng tuy phù hợp với những bạn mới ra trường nhưng lại đòi hỏi một sự tỉ mỉ, độ chính xác cao để tránh xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc đi làm để trau dồi kinh nghiệm là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm khi làm kế toán bán hàng nhé!

  • Thường xuyên kiểm tra, cập nhật các hóa đơn, chứng từ để khớp với phần mềm hệ thống của doanh nghiệp.
  • Kế toán bán hàng cần phải biết cách lưu trữ, sắp xếp hóa đơn, chứng từ một cách cẩn thận và khoa học. Tránh trường hợp mất hóa đơn GTGT (Kế toán phải đặc biệt chú ý hóa đơn này vì còn liên quan đến thuế)
  • Khi làm báo cáo cho khách hàng, kế toán bán hàng phải thật chú ý. Họ cần phải xem xét kỹ xem khách hàng có thuộc đối tượng ưu tiên nào của công ty, doanh nghiệp hay không. Sau đó mới nhanh chóng làm báo cáo theo yêu cầu của khách hàng. 
  • Trong quá trình quản lý thông tin của khách hàng cũng như quản lý các loại sổ sách, chứng từ, hóa đơn liên quan phải hoàn toàn chính xác và đầy đủ. 
  • Các khoản tạm ứng nội bộ phải theo dõi chi tiết, cụ thể, tránh thiếu sót làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. 
  • Kế toán bán hàng khi quản lý công nợ cần liên hệ với khách hàng, tránh tình trạng khách hàng nợ lâu quá, làm ảnh hưởng đến vòng xoay vốn. 
  • Cần chăm sóc khách hàng chu đáo, nhiệt tình, phản ánh và thu nhận những ý kiến khách hàng để hỗ trợ cho các cấp quản lý đưa ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn. 
  • Kế toán bán hàng phải biết cách kiểm tra số liệu nhanh nhất, liên kết với phân hệ kế toán khác để khớp số liệu. 

IV. Vai trò của kế toán bán hàng

vai trò của kế toán bán hàng

Vai trò của kế toán bán hàng

Kế toán bán hàng đóng một vai trò quan trọng trong mỗi doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế quốc dân:

  • Phản ánh kịp thời chi tiết khối lượng hàng hóa, dịch vụ mua vào - bán ra, tồn kho cả về số lượng, chất lượng và giá trị. Tính toán đúng đắn giá vốn của hàng hóa và dịch vụ đã cung cấp, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và các chi phí khác nhằm xác định kết quả bán hàng. 
  • Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch, doanh thu bán hàng của đơn vị, tình hình thanh toán tiền hàng và nộp thuế với Nhà nước. 
  • Kế toán bán hàng còn có vai trò phản ánh kịp thời doanh thu bán hàng để xác định kết quả bán hàng, đôn đốc, kiểm tra, đảm bảo thu đúng, đủ và kịp thời tiền bán hàng, tránh bị chiếm dụng vốn bất hợp lý. 
  • Cung cấp thông tin chính xác trung thực, lập quyết toán đầy đủ kịp thời để đánh giá đúng hiệu quả kinh doanh cũng như tình hình thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. 

V. Kỹ năng cần có của kế toán bán hàng

1. Năng lực chuyên môn cao

Bất kỳ bạn làm kế toán cho bộ phận nào thì bạn cũng cần phải có kiến thức chuyên môn cao, cần kinh nghiệm để có khả năng lập báo cáo và trình bày báo cáo kế toán, khả năng thống kê, phân tích tài chính, khả năng lập và phân tích báo cáo kế toán cũng như quản trị tài chính doanh nghiệp….

2. Thành thạo tin học văn phòng

thành thạo tin học văn phòng

Thành thạo tin học văn phòng là điều bắt buộc của kế toán bán hàng

Tin học văn phòng là kỹ năng cần thiết tối thiểu của một kế toán bán hàng. Bạn phải thành thạo các phần mềm vi tính văn phòng, đặc biệt là Excel dùng để tính toán các số liệu. 

3. Đạo đức nghề nghiệp tốt

Hiện nay, các công ty khi tuyển dụng luôn đặt tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu. Đặc biệt là với nghề kế toán bán hàng, tiêu chuẩn đó càng được đề cao khi có liên quan đến tài chính. Các doanh nghiệp đều nhận thức được rằng thông tin kế toán là rất cần thiết cho nhà quản trị để ra các chiến lược và quyết định kinh doanh. Một khi kế toán bán hàng làm sai lệch các thông tin sẽ dẫn đến các quyết định của nhà quản trị không phù hợp, thậm chí là sai lầm dẫn đến việc doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn.  

4. Trung thực và cẩn thận

Nhân viên kế toán bán hàng là người tạo niềm tin cho khách hàng và để tạo được niềm tin thì bạn phải đem lại những thông tin trung thực và đáng tin cậy. Những thông tin đó sẽ giúp ích cho các nhà quản lý, các nhà đầu tư, khách hàng cũng như giúp chính doanh nghiệp của bạn.  

VI. Mức lương kế toán bán hàng

1. Mức lương kế toán bán hàng phụ thuộc vào những yếu tố nào

a. Kinh nghiệm và năng lực người kế toán bán hàng

Khả năng làm việc, kinh nghiệm, tinh thần và thái độ làm việc là điều quan trọng quyết định mức lương của bạn. Tất cả những yếu tố này đều xuất phát từ chính con người bạn nên bạn phải tự khẳng định mình có sức ảnh hưởng như nào đến công ty. 

b. Khối lượng và tính chất công việc được giao

Kế toán bán hàng là vị trí phù hợp cho những bạn kế toán mới ra trường, khối lượng công việc không quá lớn so với kế toán trưởng nên mức lương khởi điểm sẽ rơi vào khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng. 

c. Quy mô, tình hình tài chính của công ty

Khi bạn làm việc trong một công ty lớn, có hệ thống bộ máy nhân sự kế toán chuyên nghiệp thì chắc chắn lương sẽ khác với những công ty vừa và nhỏ. Hay trường hợp công ty làm ăn phát đạt, lợi nhuận cao thì khả năng chi trả lương cho nhân viên cũng tốt hơn. Ngoài ra, mức lương của kế toán bán hàng cũng còn phụ thuộc vào chính sách đãi ngộ của từng công ty đối nhân viên của mình. 

d. Khu vực làm việc

Khu vực làm việc là một yếu tố quan trọng quyết định đến mức lương của kế toán bán hàng. Ở đâu có mức sống cao hơn thì thu nhập của kế toán ở đó cũng cao hơn. Những nơi làm việc có thu nhập cao nhất hiện nay là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. 

Ngoài những yếu tố kể trên thì lương của kế toán bán hàng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nữa. Tuy nhiên, bạn cũng phải xem xét thật kỹ, khi mới ra trường, lương cao hay thấp không phải là yếu tố quan trọng nhất, quan trọng là bạn tìm được cho mình môi trường làm việc thoải mái, tại đó bạn học hỏi được nhiều kinh nghiệm để phát triển bản thân. 

2. Mức lương cụ thể của kế toán bán hàng

mức lương của kế toán bán hàng

Mức lương của kế toán bán hàng

  • Đối với mức lương của kế toán bán hàng mới ra trường sẽ rơi vào khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng do sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm và cần phải học hỏi nhiều điều. 
  • Người có kinh nghiệm từ 1 đến 2 năm khi làm việc ở doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có mức lương từ 5 đến 6 triệu, còn khi làm việc tại các doanh nghiệp lớn và tập đoàn thì mức lương sẽ là 6 đến 7 triệu. 
  • Kế toán bán hàng có kinh nghiệm làm việc từ 4 đến 5 năm thì mức lương sẽ từ 8 đến 10 triệu, tùy vào khối lượng công việc và nơi làm việc. 

VII. Cơ hội việc làm của kế toán bán hàng

Với thời đại công nghệ 4.0 phát triển như hiện nay, các công ty hay các cá nhân đang đẩy mạnh việc kinh doanh, bán hàng nên kế toán bán hàng là một trong những công việc không thể thiếu. 

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ thì cơ hội nghề nghiệp của kế toán bán hàng càng được rộng mở. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tìm kiếm được cho mình một công việc phù hợp với bản thân với mức lương khởi điểm ổn định. 

VIII. Kết luận

Kế toán bán hàng là công việc có vị trí quan trọng đặc biệt tại mỗi doanh nghiệp. Với những hiểu biết và kinh nghiệm mà bản thân tích lũy được sẽ giúp bạn thành công trong công việc của mình. Hy vọng bài viết trên của chúng tôi cũng góp một phần thành công trên con đường thành công của bạn.