Hiệu quả làm việc của phòng kinh doanh có thể quyết định khoảng 70% sự ổn định và phát triển của một doanh nghiệp. Điều này cho thấy, nhân viên kinh doanh là những nhân tố không thể thiếu trong bộ máy vận hành chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Mỗi phòng ban trong doanh nghiệp sẽ có những nhiệm vụ, chức năng khác nhau. Và phòng kinh doanh cũng không hề ngoại lệ. Là cầu nối trực tiếp giữa khách hàng với doanh nghiệp, phòng kinh doanh đóng vai trò quan trọng và quyết định tới sự phát triển của doanh nghiệp. Vậy bạn đã biết nhiệm vụ của phòng kinh doanh, chức năng của phòng kinh doanh là gì chưa? Nếu chưa thì cùng theo dõi bài viết dưới đây để được 123job bật mí nhé!
I. Phòng kinh doanh là gì?
Trước khi tìm hiểu về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của phòng kinh doanh, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem liệu phòng kinh doanh là gì, nó có sứ mệnh gì nhé! Phòng kinh doanh hay trong tiếng Anh còn được gọi là Business Department là bộ phận đóng vai trò chủ chốt trong doanh nghiệp. Theo đó công việc của phòng là phụ trách khâu nghiên cứu, phát triển và phân phối sản phẩm.
Phòng kinh doanh là gì?
II. Vai trò của phòng kinh doanh
Phòng kinh doanh đóng vai trò quan trọng và là cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng. Một số vai trò của phòng kinh doanh chính có thể kể tới như:
- Chuyển đổi doanh số bán hàng: Mục tiêu chính của phòng kinh doanh là thực hiện doanh số bán hàng. Tuy nhiên, họ cũng phải làm điều đó một cách hiệu quả và ít tốn kém nhất có thể.
- Duy trì khách hàng: Phòng kinh doanh của công ty, doanh nghiệp chịu trách nhiệm quan trọng trong việc giữ chân khách hàng.
- Tăng trưởng kinh doanh: Sản phẩm/dịch vụ của công ty có thu hút được khách hàng tiềm năng quyết định mua hàng hay không phụ thuộc rất nhiều vào phòng kinh doanh. Chính vì vậy có thể thấy một trong những vai trò của phòng kinh doanh là giúp tăng trưởng kinh doanh, mang lại doanh thu cho doanh nghiệp.
III. Chức năng của phòng kinh doanh
1. Chức năng tham mưu
Phòng kinh doanh có chức năng tham mưu, đưa ra các ý kiến, đề xuất cho Ban Giám đốc về các vấn đề có liên quan tới việc phân phối sản phẩm/dịch vụ của công ty ra thị trường sao cho hiệu quả và nhanh chóng nhất.
2. Chức năng hướng dẫn, chỉ đạo
Phòng kinh doanh có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu và phát triển các loại sản phẩm/dịch vụ mới. Bên cạnh đó chức năng của họ còn bao gồm việc nghiên cứu để đưa ra những cải tiến mới giúp sản phẩm/dịch vụ đáp ứng được nhiều nhu cầu của khách hàng hơn. Các hoạt động này góp phần quan trọng trong việc mở rộng và phát triển thị trường mục tiêu cho doanh nghiệp.
3. Chức năng xây dựng và phát triển nguồn khách hàng
Một trong những chức năng của phòng kinh doanh không thể không kể tới là phát triển nguồn khách hàng cho doanh nghiệp. Theo đó thì các nhân viên phòng kinh doanh sẽ đưa ra những phương án, chiến lược để mở rộng khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó nhiệm vụ của họ còn là duy trì và phát triển mối quan hệ với khách hàng hiện có.
4. Chức năng theo dõi, kiểm soát và báo cáo
Định kỳ phòng kinh doanh có chức năng lập báo cáo theo đúng quy định của doanh nghiệp. Theo đó nội dung trong báo cáo cần thể hiện được tất cả các hoạt động kinh doanh của công ty cũng như thể hiện được nhiệm vụ, quyền hạn được giao của phòng kinh doanh.
5. Chức năng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm/dịch vụ
Để doanh thu của doanh nghiệp tăng, đòi hỏi phòng kinh doanh cần có những chiến lược thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm/dịch vụ hiệu quả. Đây là một trong những chức năng quan trọng của bộ phận kinh doanh.
IV. Nhiệm vụ của phòng kinh doanh
1. Nhiệm vụ tổng quát
Nhìn một cách tổng thể, nhiệm vụ của phòng kinh doanh bao gồm:
- Nghiên cứu thị trường;
- Nghiên cứu, phát triển và có những thay đổi, cải tiến sản phẩm/dịch vụ;
- Xây dựng, đề xuất chiến lược kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn cụ thể;
- Theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch, chiến lược kinh doanh;
- Xây dựng kế hoạch, thời gian sản xuất kinh doanh cho các phân xưởng sản xuất và toàn bộ doanh nghiệp;
- Quản lý nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường một cách nhanh chóng;
- Đề xuất các chiến lược marketing, các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm/dịch vụ;
- Mở rộng khách hàng kinh doanh, chăm sóc khách hàng cũ…
2. Nhiệm vụ cụ thể
a. Nhiệm vụ cụ thể trong hoạt động quan hệ khách hàng
- Nghiên cứu, xây dựng chính sách bán hàng bao gồm các chính sách như: Chính sách giá, khuyến mãi, chiết khấu, quảng bá, tiếp thị sản phẩm/dịch vụ…
- Xây dựng chính sách riêng phù hợp với từng đối tượng khách hàng;
- Xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch bán hàng theo từng giai đoạn cụ thể;
- Tìm kiếm, phát triển mạng lưới khách hàng tiềm năng cho công ty.
- Duy trì, chăm sóc khách hàng hiện tại của công ty…
b. Nhiệm vụ đối với việc phát triển sản phẩm
- Nghiên cứu thị trường, đối thủ cạnh tranh để có những thay đổi về sản phẩm/dịch vụ cho phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng;
- Nghiên cứu và phát triển sản phẩm/dịch vụ của công ty;
- Định kỳ chịu trách nhiệm trong việc đánh giá hiệu quả kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ;
- Xây dựng các quy trình, quy chế có liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp…
Nhiệm vụ của phòng kinh doanh
V. Phòng kinh doanh gồm những vị trí nào?
1. Nhân viên Telesales
Nhân viên telesales là người có nhiệm vụ chủ động liên hệ trực tiếp với khách hàng và sau đó dùng những kịch bản có sẵn để giới thiệu, tư vấn, bán sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Đây đang được xem là phương thức bán hàng hiệu quả nhất hiện nay vì nó giúp doanh nghiệp cung cấp cho người mua những thông tin chi tiết nhất về sản phẩm/dịch vụ mà không tốn quá nhiều chi phí đi lại, thời gian…
2. Nhân viên kinh doanh
Nhân viên kinh doanh là bộ phận quan trọng trong hoạt động kinh doanh của mỗi công ty, doanh nghiệp. Theo đó thì công việc chính của nhân viên kinh doanh là đảm nhận các công việc trong công ty như quản lý, xây dựng chiến lược kinh doanh , môi giới tiếp thị… với mục đích chính là thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm/dịch vụ, mang lại doanh thu cho doanh nghiệp.
3. Nhân viên quản lý khách hàng
Nhân viên quản lý khách hàng hay trong tiếng Anh còn được gọi là Account Executive. Hiểu một cách đơn giản thì nhân viên quản lý khách hàng là cá nhân phụ trách việc liên hệ, thuyết phục và thực hiện các bản demo sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp. Tuy có nhiều điểm tương đồng so với vị trí nhân viên kinh doanh nhưng công việc này yêu cầu nhân viên phải trực tiếp đồng hành cùng khách hàng trong suốt quá trình sử dụng, trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ.
4. Nhân viên chăm sóc khách hàng
Nhân viên chăm sóc khách hàng là người trực tiếp liên hệ với khách hàng nhằm giải đáp, hỗ trợ những thắc mắc của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ của công ty. Bên cạnh đó nhân viên chăm sóc khách hàng còn là người tiếp nhận những đánh giá của khách hàng để từ đó cùng bộ phận kinh doanh có những thay đổi để làm tăng tỷ lệ hài lòng của khách hàng.
Phòng kinh doanh gồm những vị trí nào?
4. Trưởng phòng kinh doanh
Trưởng phòng kinh doanh là người chịu trách nhiệm trong việc điều phối đội ngũ kinh doanh, xây dựng các kế hoạch kinh hoạch và điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp với chỉ định của các cấp trên nhằm đạt mục tiêu doanh số đề ra.
VI. Kết luận
Trên đây là một số thông tin về phòng kinh doanh như vai trò, nhiệm vụ, chức năng của phòng kinh doanh mà 123job muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hy vọng qua những chia sẻ về bộ phận kinh doanh ở bài viết mang tới cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích!