Trong đời sống người Việt, đặc biệt là các dân tộc ở miền núi phía Bắc, tết Hàn Thực (mùng 3 tháng 3 âm lịch) là ngày lễ lớn. Vậy nguồn gốc, ý nghĩa tết Hàn Thực, tiết Thanh Minh thế nào?
Vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, hay còn gọi là Tết Hàn Thực, mỗi gia đình đều bận rộn chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay làm lễ Phật, cúng gia tiên. Tuy nhiên rất nhiều người lại không biết được nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết này. Tết Hàn Thực là gì? Theo dõi bài viết dưới đây của 123Job để tìm cho mình câu trả lời nhé!
I. Nguồn gốc tết Hàn Thực?
Hàn Thực (thức ăn lạnh) vốn được coi có nguồn gốc từ Trung Quốc thông qua tích của ông Giới Tử Thôi thời Đông Chu liệt quốc. Theo điển tích này, đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế.
Tết Hàn Thực là gì ?
Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén tự cắt một miếng thịt đùi của mình để nấu dâng lên vua ăn. Vua Tấn Văn Công sau khi ăn xong, hỏi ra mới biết sự hi sinh này, trong lòng vô cùng cảm kích. Giới Tử Thôi theo phò tá vua trong suốt mười chín năm trời, trải qua nhiều lần nằm gai nếm mật, khổ luyện thành tài. Sau này, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, trọng thưởng phong chức, tước cho những người có công khi tòng vong, nhưng lại vô tình quên mất Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không hề oán trách, cho rằng phò tá vua là trách nhiệm, nghĩa vụ của bề tôi chứ không phải để đổi lấy vinh hoa phú quý. Về sau, ông lẳng lặng về quê nhà, đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn, sống những ngày tháng bình yên, an lạc.
Vua Tấn Văn Công sau này nhớ ra, bèn sai người quay lại tìm Tử Thôi. Là người không màng danh vọng, Giới Tử Thôi nhất quyết không chịu quay về lĩnh thưởng. Tấn Văn Công bèn ra lệnh đốt rừng để thúc ép Tử Thôi xuất hiện. Không ngờ rằng, Tử Thôi lại có tư tưởng kiên định đến vậy, cùng mẹ chịu cảnh chết cháy trong rừng. Nhà vua thương xót, hối hận vì hành động của mình, lập miếu thờ Tử Thôi trên núi và đổi tên núi này là Giới Sơn. Sau đó, vua hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 âm lịch), chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để bày tỏ lòng tưởng nhớ.
Ngày 3 tháng 3 hằng năm, người dân Trung Quốc tổ chức lễ tưởng nhớ vị hiền sĩ Giới Tử Thôi. Đồ cúng cũng phải chuẩn bị từ hôm trước vì lệnh cấm lửa. Tên gọi Tết Hàn Thực ra đời cũng vì lẽ ấy.
Xem thêm: Tổng hợp những bài văn cúng trong dịp tết cổ truyền ý nghĩa nhất
II. Tết Hàn thực có phải là Tết thanh minh không?
Không ít người thắc mắc: Liệu Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh Minh không? Cho đến nay vẫn có rất nhiều bàn cãi xung quanh vấn đề này. Theo tương truyền của người Trung Quốc cổ xưa thì Tết thanh minh được tổ chức bắt đầu từ ngày 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Nếu vậy, ngày Tết Thanh Minh sẽ trùng với Tết Hàn Thực.
Tuy nhiên, trải qua nhiều thế hệ khác nhau, đặc biệt là có sự biến đổi văn hóa nhất định tại mỗi quốc gia, nên ngày Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực thường được tách biệt nhau về mặt ý nghĩa. Vào ngày Tết Hàn Thực, các gia đình Việt Nam thường làm đồ ăn (chủ yếu là 2 món bánh trôi nước và bánh chay) để thờ cúng ông bà tổ tiên. Việc này được diễn ra trong phạm vi gia đình và không có xu hướng đi xa.
Tìm hiểu ý nghĩa Tết hàn Thực là gì ?
Ở Việt Nam, Tết Thanh Minh được hiểu như ngày lễ của việc Tảo mộ – nghĩa là thăm nom, chăm sóc và tỏ lòng thành kính với người đã khuất tại chính nơi chôn cất họ. Như vậy, trong những ngày Tết Thanh Minh mọi người thường lên kế hoạch đi xa, đến nơi chôn cất người đã khuất để dâng nén hương, hoa quả và những vật dụng muốn gửi đến họ. Tết Thanh Minh được xem là ngày lễ quan trọng của năm, giúp người Việt Nam thể hiện sự thương nhớ, biết ơn cũng như lòng thành kính của mình tới ông bà tổ tiên.
Tết Hàn Thực thường chỉ kéo dài trong 3-4 ngày, cùng lắm là 1 tuần lễ (7 ngày); nhưng với Tết Thanh Minh mọi người có thể kéo dài từ 15 cho đến 30 ngày (tức là trong vòng 1 tháng). Trong những ngày tảo mộ, các gia đình Việt Nam thường tổ chức đi xa, kết hợp thăm nom mồ mả của ông bà tổ tiên với du lịch dã ngoại, nhằm tăng cường sự đoàn kết và gắn bó của các thành viên trong gia đình.
Cuộc sống hiện đại càng trở nên hối hả, bận rộn, thì thế hệ trẻ lại càng tỏ ra xa rời với các phong tục, tập quán lâu đời của dân tộc. Chúng ta quay cuồng với công việc hằng ngày, bị cuốn vào nỗi lo cơm áo gạo tiền từ lúc nào không hay. Có lẽ vì thế mà chúng ta dần quên mất Việt Nam còn có 1 ngày lễ vô cùng ý nghĩa Tết Hàn Thực.
Xem thêm: 13 phong tục tập quán của người Việt Nam trong dịp tết cổ truyền
III. Tết Hàn Thực tại Việt Nam có gì đặc biệt?
1. Tết Hàn Thực là ngày gì ở Việt Nam
Dù bắt nguồn từ một truyền thuyết của Trung Quốc nhưng khi du nhập vào Việt Nam, ý nghĩa Tết Hàn Thực tâm linh khác, phong tục cúng Tết Hàn Thực cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với văn hóa của người Việt. Thực chất, Tết Hàn Thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi nước, bánh chay, Tết tháng 3 tại Việt Nam, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt. Khác với Tết Hàn Thực ở Trung Quốc, ở Việt Nam người dân không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường.
Tết Hàn Thực ở Việt Nam cũng không cúng để tưởng nhớ đến vị hiền sĩ Giới Tử Thôi, Tết của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa Tết Hàn Thực hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất.
Cách tổ chức Tết Hàn Thực là gì ở Việt Nam
2. Vì sao người Việt cúng bánh trôi, bánh chay?
Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt. Vào ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm, người dân đều ăn đồ nấu chín để nguội với tấm lòng thành kính nhất nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.
2.1. Hướng về cội nguồn
Ý nghĩa Tết Hàn Thực hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Chẳng hạn người Việt có lệ dâng bánh trôi lễ Hai Bà Trưng vào ngày mùng 6/3 ở Hà Tây. Tiếp đó, ngày giỗ tổ Hùng vương mùng 10/3 người Việt từ khắp mọi miền tổ quốc về đền Hùng, Phú Thọ thắp hương và dâng cúng Tết Hàn Thực bánh trôi bánh chay, tưởng nhớ cội nguồn... Như thế, rõ ràng tết Hàn thực của ta mang màu sắc dân tộc riêng, trường tồn trong quá trình dựng nước và giữ nước.
2.2. Truyền thống dân tộc
Tết Hàn Thực Bánh trôi bánh chay là đặc trưng của ngày lễ này. Từ xa xưa Tết Hàn Thực bánh trôi bánh chay đã đi vào thơ ca dân tộc như những món ăn đặc trưng phổ biến của người Việt. Hai thứ bánh trôi nước và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nước nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên.
2.3. Ôn lại chuyện xưa
Vào những ngày này, cùng người thân thưởng thức một đĩa bánh trôi nước, bánh chay ta như cảm nhận được nhân tình thế thái. Nhiều người còn truyền tai nhau rằng, ăn Tết Hàn Thực bánh trôi bánh chay vào ngày này để ôn lại những chuyện xưa cũ, chuyện một thời đã xa của dân tộc ta. Cũng có tích kể lại rằng Tết Hàn Thực bánh trôi bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích "bọc trăm trứng" của Âu Cơ. Trăm viên bánh nhỏ tượng trưng cho trăm quả trứng của Đức Lạc Long Quân. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.
IV. Mâm lễ cúng ngày Tết Hàn thực cần những gì?
Để cúng Tết Hàn thực 3/3, mỗi gia đình cần chuẩn bị đầy đủ bánh trôi, bánh chay; hương, hoa, trầu cau; ly nước sạch và mâm ngũ quả. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, số lượng bánh trôi, bánh chay “chuẩn” nhất trong mâm cúng là 5 hoặc 3 bát bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay. Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải kén được nếp cái hoa vàng. Cứ chín phần nếp cho một phần tẻ hoặc non hai phần tẻ.
Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quê, những miếng đường vuông thành, sắc cạnh, đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát. Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm.
V. Cách làm bánh trôi bánh chay
1. Phần 1: Chuẩn bị nguyên liệu
- Bột nếp làm bánh trôi: 500g
- Đậu xanh bỏ vỏ: 100g
- Dừa nạo: 100g - Vani: 1 ống - Bột sắn dây: 2 thìa canh - Đường phên - Đường trắng: 150g
2. Phần 2: Cách làm bánh trôi, bánh chay
Bước 1: Chuẩn bị bột bánh trôi
Cho bột vào bát to, cho 1 cốc nước vào lò vi sóng quay khoảng 30s-45s cho nước ấm. Từ từ đổ nước vào bát bột, lấy đũa khuấy rồi dùng tay nhào đều. Làm sao cho khối bột dẻo quánh, cầm chắc tay, không bị quá nhão và không bị quá khô. Mô tả cảm quan thì sẽ hơi giống đất nặn của các bé. Bột quá khô thì cầm vào sẽ có cảm giác còn hạt bột bên trong khối bột. Quá nhão thì sẽ có cảm giác hơi ướt, sau này luộc bánh sẽ dễ bị nát và khó đứng bánh.
Các bạn chú ý xem bột cũ hay bột mới để biết độ chịu nước sẽ khác nhau. Nhưng để nhận ra bột đạt cũng không khó lắm đâu. Các bạn cho nước vào từ từ, ít một thì sẽ dễ điều chỉnh hơn. Bột nhào xong thì lấy nilon gói thức ăn bọc kín cho khỏi bị khô. Tiếp theo đi chuẩn bị hai loại nhân và vừng rắc mặt bánh.
Cách làm bánh trôi bánh chay
Bước 2: Chuẩn bị nhân bánh chay
Nhân bánh chay: Đậu xanh có thể ngâm với nước ấm trước khoảng 2-3 tiếng hoặc 1 đêm. Cho đậu xanh vào nồi, đổ nước xâm xấp, để lửa vừa. Sau khi nước sôi được một lúc thì hạ lửa, cho đường và chút xíu muối, nêm sao cho vừa ngọt, đun tiếp đến khi cạn nước. Vừa đun vừa lấy cái thìa hoặc muôi lớn, nghiền và đánh đậu xanh cho nhuyễn và tơi. Nếu nước cạn quá nhanh mà đậu xanh chưa chín mềm & chưa nhuyễn thì cho thêm nước.
Đậu xanh sau khi chín và nghiền nhuyễn thì nắm lại thành từng nắm nhỏ cỡ quả trứng chim cút. Nên nắm đậu lúc đậu còn ấm nóng, đậu kết dính sẽ tốt hơn. Có thể trộn thêm dừa nạo vào trong nhân, tùy thích.
- Nhân bánh trôi: Đường làm nhân bánh trôi cắt thành miếng nhỏ.
- Vừng rắc mặt bánh: Rang chín khoảng 2-3 thìa vừng trắng, để riêng ra bát.
Bước 3: Tạo hình bánh
Chia phần bột bánh thành các phần nhỏ bằng nhau, viên lại cho tròn để làm vỏ bánh. Đường phên cắt thành những viên nhỏ hình hạt lựu. Dùng tay ấn dẹt bột vỏ bánh rồi cho hạt đường phên vừa cắt vào giữa. Khéo léo dùng tay bọc kín phần bột bánh quanh đường. Tiếp tục làm cho đến khi hết phần bột đã chuẩn bị.
Các bước làm bánh trôi bánh chay Tết Hàn Thực là gì?
Bước 4: Cách luộc bánh trôi, bánh chay
Thả bánh đã nặn vào nồi nước sôi, luộc đến khi bánh nổi và trong thì vớt ra thả vào bát nước lạnh. Sau đó dùng muôi thủng vớt ra đĩa sao cho đẹp rồi trang trí vừng đã rang lên phía trên mặt bánh.
3. Cách nấu nước bánh chay
Hòa tan bột sắn dây với 100g đường và nước, đặt lên bếp đun sôi sao cho hỗn hợp sắn dây sánh, lỏng thì tắt bếp, thêm nước hoa bưởi vào để tạo mùi thơm. Cho bánh trôi ra đĩa, gạt hết nước đọng trên đĩa rồi dùng đầu ngón tay chấm vừng rang chấm lên trên mặt bánh trôi là xong. Bánh chay cho vào bát, rưới nước sắn dây lên trên, thêm đậu xanh đã hấp chín, dừa nạo để món bánh thêm thơm, ngậy.
Xem thêm: Chi tiết các lịch nghỉ lễ 2021 cho người lao động mới nhất
VI. Kết luận
Tết Hàn Thực là dịp thích hợp để các thành viên trong gia đình sum họp và quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những món ăn ngon lành giữa tiết trời se lạnh. Tết Hàn Thực giúp chúng ta tưởng nhớ những người đã khuất, cùng nhau ôn lại kỷ niệm của những ngày đã qua, và đặc biệt hơn nữa là chào đón ngày lễ cổ truyền của quê hương. Qua đó giáo dục con cháu – những thế hệ tương lai của đất nước gắn bó hơn nữa với truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam.
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp được cho bạn những thông tin hữu ích và ý nghĩa Tết Hàn Thực linh thiêng của nó trong văn hóa Việt Nam. Chúc bạn có một ngày lễ Hàn Thực ấm áp, sum họp đầm ấm bên người thân, gia đình!
Nguồn: Tổng hợp