Văn bằng 2 cung cấp cho bạn cơ hội để học tập các kiến thức và kỹ năng ở một lĩnh vực mới, đồng thời trao cho bạn một bằng cấp chứng minh bạn đã đủ khả năng để thực hành và làm việc ở lĩnh vực đó.
Với thị trường nhân sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn văn bằng 2 như là một hướng đi mới dành cho mình. Nếu bạn đang băn khoăn không biết rõ văn bằng 2 là gì và muốn tìm kiếm thêm thông tin hệ đào tạo này, hãy tham khảo nội dung bài viết dưới đây.
I. Văn bằng 2 là gì?
Văn bằng 2 hiểu đơn giản là văn bằng cấp cho những người đã có ít nhất một tấm bằng đại học. Họ được công nhận đủ điều kiện và cấp tấm bằng tốt nghiệp đại học thứ hai sau khi hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo đại học của ngành học mới.
Văn bằng 2 hiểu đơn giản là văn bằng cấp cho những người đã có ít nhất một tấm bằng đại học
II. Mục đích của việc đào tạo văn bằng 2
Trước nhu cầu về nguồn nhân lực ngày càng gia tăng thì nhiều bạn trẻ, sau khi tốt nghiệp đại học muốn chuyển đổi công việc của mình sang những lĩnh vực mới. Đó có thể là lĩnh vực mà các bạn vẫn luôn yêu thích hoặc là lĩnh vực mà các nhà tuyển dụng đang săn lùng. Hiện nay, một số ngành đang có nhu cầu cao về nguồn nhân lực chất lượng như là: kinh tế, công nghệ thông tin, ngôn ngữ anh, sư phạm… Do đó các văn bằng như là văn bằng 2 tiếng anh, văn bằng 2 kinh tế cũng nhận được nhiều hồ sơ đăng ký học nhất hiện nay.
Đào tạo văn bằng 2 sẽ mang đến cho các bạn một nền tảng kiến thức vững chắc, bồi dưỡng các kỹ năng và nâng cao giá trị chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu việc làm xã hội.
Học văn bằng 2 là một sự lựa chọn đáng được cân nhắc nếu bạn muốn mở rộng kiến thức chuyên môn và nâng cao cơ hội việc làm
III. Các hình thức đào tạo văn bằng 2
Tại Việt Nam, hai hình thức đào tạo văn bằng hai phổ biến nhất tại các trường đại học chính là:
- Hệ chính quy: Là hình thức mà người đi học (sinh viên) phải học tập trung và liên tục trong giai đoạn đào tạo.
- Hệ không chính quy: Là hình thức mà sinh viên vừa đi học vừa đi làm trong thời gian đào tạo. Họ có thể tự học có hướng dẫn, học từ xa và nhiều phương pháp học linh động khác. Hình thức đào tạo này phù hợp với những người không có nhiều thời gian để đi học liên tục hoặc với những người đã đi làm.
IV. Điều kiện cần và đủ để thực hiện học văn bằng 2
Để được tham gia vào chương trình đào tạo văn bằng 2, mọi công dân Việt Nam phải có đủ điều kiện sức khoẻ để học tập, không trong thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trong thời gian can án và quan trọng là bạn đã có bằng tốt nghiệp đại học. Khi đăng ký dự tuyển, bạn phải nộp đầy đủ các giấy tờ và hồ sơ theo đúng hạn quy định của nhà trường. Cuối cùng, phải đạt đủ tiêu chuẩn đăng ký học theo quy định của trường
V. Chương trình học và đào tạo văn bằng 2
Chương trình đào tạo văn bằng 2 với một chuyên ngành là chương trình đào tạo hệ chính quy của ngành học đó đang được thực hiện tại cơ sở đào tạo. Người học sẽ phải học đầy đủ các học phần kiến thức có trong chương trình đào tạo của ngành thứ hai mà khi học ngành thứ nhất chưa được học hoặc đã học nhưng chưa đủ khối lượng kiến thức yêu cầu.
Bên cạnh đó, học viên chỉ được bảo lưu thành tích học tập đối với những học phần trong chương trình đào tạo ngành thứ nhất có số đơn vị học trình tương đương hay lớn hơn so với chương trình đào tạo của ngành mới và đạt từ 5 điểm trở lên.
VI. Đối tượng áp dụng học văn bằng 2
1. Đối tượng thuộc diện miễn thi văn bằng 2
Dựa theo quy chế hiện nay, việc miễn thi văn bằng 2 được áp dụng trong những trường hợp:
- Đối tượng đã có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy, đăng ký vào học ngành đào tạo mới hệ chính quy hoặc hệ không chính quy trong cùng một nhóm ngành và chính tại trường mà mình đã theo học và tốt nghiệp đại học.
- Đối tượng đã tốt nghiệp đại học chính quy các ngành học thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên đăng ký tham gia học ngành đào tạo mới hệ không chính quy thuộc nhóm ngành kinh tế, ngoại ngữ, kỹ thuật và công nghệ.
- Đối tượng đã tốt nghiệp hệ chính quy đại học các ngành đào tạo nằm trong nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên đăng ký theo học ngành đào tạo mới hệ không chính quy thuộc nhóm ngành kinh tế, ngoại ngữ. Ví dụ như cử nhân chính quy ngành công nghệ thông tin theo học văn bằng 2 đại học kinh tế hệ không chính quy.
Tuy nhiên, nếu xảy ra trường hợp số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vượt quá số chỉ tiêu đào tạo được giao thì Hiệu trưởng của cơ sở, trường học đào tạo đó sẽ trực tiếp tổ chức việc kiểm tra để tuyển đủ chỉ tiêu. Những môn học, nội dung và hình thức kiểm tra sẽ do người Hiệu trưởng quy định và thông báo đến thí sinh.
2. Đối tượng không thuộc diện miễn thi văn bằng 2
- Đối với những người không thuộc diện miễn thi văn bằng 2 thì phải thi hai môn mà nằm trong phần kiến thức giáo dục đại cương của ngành đào tạo mới. Hiệu trưởng nơi đào tạo sẽ quyết định môn thi, nội dung và hình thức thi, sau đó thông báo trước cho thí sinh.
- Đối với các ngành học thuộc về an ninh quốc phòng, sư phạm và các ngành đặc thù thuộc lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao, Hiệu trưởng cơ sở đào tạo sẽ đưa ra những thông báo cụ thể về yêu cầu đăng ký dự tuyển, quy định môn thi, nội dung, hình thức thi và công tác tổ chức tuyển sinh.
Tùy thuộc vào từng trường hợp sẽ có những người được miễn thi văn bằng 2 và không được miễn thi văn bằng 2
VII. Những quy định của bằng tốt nghiệp văn bằng 2
Đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai theo hệ, phương thức, hình thức học nào thì sẽ áp dụng các Quy chế hiện hành về hình thức đào tạo, công tác thi, kiểm tra và công nhận đủ điều kiện tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp đối với hệ, phương thức và hình thức học đó theo những quy định sau:
- Đối với người học theo hình thức vừa làm vừa học (hệ tại chức cũ hay còn gọi là hệ vừa học vừa làm) sẽ thực hiện các quy định về kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập, xét và công nhận tốt nghiệp theo Quy chế của hệ không chính quy; nếu đủ điều kiện tốt nghiệp được cấp bằng đại học thứ hai theo hình thức vừa làm vừa học (hệ tại chức cũ).
- Với người học theo hình thức tự học có hướng dẫn, học từ xa sẽ thực hiện các quy định về kiểm tra, thi, đánh giá và công nhận tốt nghiệp theo Quy chế đối với hình thức này; nếu học viên đáp ứng đầy đủ các điều kiện công nhận tốt nghiệp thì sẽ được nhận bằng tốt nghiệp đại học theo hình thức học từ xa, tự học có hướng dẫn.
- Với người học theo hình thức tập trung tham gia liên tục tại trường sẽ thực hiện các quy định về: thi tuyển sinh, học lý thuyết, thực hành, bài tập, làm đề án, khóa luận, làm luận văn hoặc hoặc thi cuối khoá. Đồng thời họ phải thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo Quy chế hiện hành của hệ chính quy; nếu đủ tiêu chuẩn xét và công nhận tốt nghiệp như hệ chính quy thì được cấp bằng tốt nghiệp đại học chính quy.
Lưu ý, trong văn bằng tốt nghiệp ghi hình thức đào tạo, dưới dòng chữ Bằng tốt nghiệp đại học thì phải có dòng chữ “Bằng thứ hai” là yêu cầu bắt buộc
VIII. Kết luận
Trong một thị trường lao động luôn thay đổi và cạnh tranh, học văn bằng 2 là một sự lựa chọn đáng được cân nhắc nếu bạn muốn mở rộng kiến thức chuyên môn và nâng cao cơ hội việc làm. Hy vọng với bài viết trên đây, 123job đã giải đáp được cho bạn câu hỏi văn bằng 2 là gì, đồng thời cung cấp cái nhìn khái quát nhất về chương trình học văn bằng 2.