Hoạt động marketing đòi hỏi có sự phối hợp linh hoạt, khéo léo giữa các công cụ. Đó là lý do IMC Plan ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mỗi chiến dịch marketing. Vậy IMC Plan là gì? Đâu là những nội dung cần quan tâm khi xây dựng IMC Plan?

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt ngày nay, hoạt động marketing đòi hỏi có sự phối hợp linh hoạt, khéo léo giữa các công cụ. Đó là lý do IMC Plan ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mỗi doanh nghiệp hiện nay. Vậy IMC Plan là gì? Tại sao cần xây dựng IMC Plan trong các chiến dịch marketing? Đâu là những nội dung cần quan tâm khi xây dựng IMC Plan? Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây của 123job.vn để tìm hiểu câu trả lời chi tiết nhất.

1. IMC Plan là gì?

1.1. Định nghĩa IMC là gì?

IMC hay Integrated Marketing Communication, tiếng việt là Truyền thông Marketing Tích hợp. Theo Armstrong & Kotler, IMC được định nghĩa là hoạt động marketing có sự phối hợp gắn bó và chặt chẽ với nhau nhằm mục tiêu truyền tải thông điệp rõ ràng, nhất quán, xuyên suốt và có tính thuyết phục tới khách hàng mục tiêu về một doanh nghiệp hoặc sản phẩm của doanh nghiệp đó.

imc plan là gì

IMC Plan - Intergrated Marketing Communications Plan hay Kế hoạch Truyền thông Marketing tích hợp 

1.2. IMC Plan là gì? 

IMC Plan (Kế hoạch IMC) là bản chiến lược, chiến thuật toàn diện kết hợp đầy đủ các yếu tố truyền thông marketing khác nhau như quảng cáo, quan hệ công chúng, direct marketing, xúc tiến bán, bán hàng cá nhân để đạt mục tiêu truyền thông tích hợp đã đặt ra. IMC Plan tập trung vào việc truyền tải thông điệp nhất quán trên đa kênh để tạo ra những hiệu ứng bổ trợ, sự cộng hưởng, qua đó tối ưu tác động toàn diện của chiến dịch lên khách hàng và thị trường mục tiêu. 

2. Tầm quan trọng của IMC Plan là gì?

Một bản IMC Plan hiệu quả có vai trò quan trọng trong thành công của chiến dịch marketing. Vậy đâu là lý do doanh nghiệp nên đầu tư xây dựng IMC Plan hoàn chỉnh: 

  • Đảm bảo tính nhất quán của chiến dịch: IMC Plan đảm bảo tính nhất quán trong truyền tải thông điệp, xây dựng thương hiệu trên nhiều kênh tiếp cận khác nhau. Góp phần bồi đắp vào bản sắc thương hiệu, nâng cao nhận diện thương hiệu. 
  • Làm rõ thông điệp được truyền tải: IMC Plan cho thấy sự kết hợp nhiều nhiều công cụ, ưu điểm của từng dạng thức truyền thông sẽ được vận dụng tối đa, do đó thông điệp truyền thông rõ ràng được khách hàng tiếp cận và tiếp nhận với nội dung trọn vẹn. 
  • Cải thiện ROI (Tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư): IMC Plan giúp doanh nghiệp đầu tư nguồn lực phù hợp với nhiệm vụ phù hợp. Qua đó loại bỏ đi yếu tố trung gian dư thừa, tối ưu hóa hiệu năng từng nguồn lực. 
  • Thu hút khách hàng: Thông qua IMC Plan, doanh nghiệp có thể thu hút khách hàng thông qua nhiều điểm tiếp xúc khác nhau từ online tới offline, qua đó thúc đẩy mối quan hệ bền chặt và lòng trung thành giữa khách hàng với thương hiệu. 
  • Lợi thế cạnh tranh: Bản IMC Plan hoàn chỉnh mang lại cho doanh nghiệp lợi thế trên thế trận truyền thông và thị trường thông qua định vị thương hiệu rõ ràng, và nhấn mạnh vào sự khác biệt so với đối thủ. 

imc plan là gì

IMC Plan là xương sống của một chiến dịch marketing hiệu quả

3. Những nội dung quan trọng cần có trong một bản IMC Plan hoàn chỉnh là gì?

Để hoàn thiện kế hoạch IMC hoàn chỉnh, trước khi cân nhắc tới sử dụng 5 công cụ truyền thông thế nào, bạn cần nghiên cứu những yếu tố nền tảng sau đây: 

  • Mục tiêu IMC truyền thông tích hợp rõ ràng: Xác định mục tiêu cụ thể dựa trên nguyên tắc SMART, mục tiêu kinh doanh và mục tiêu marketing.
  • Nghiên cứu thị trường: Tiến hành nghiên cứu môi trường vĩ mô, môi trường vi mô. Trong đó cần đi sâu nghiên cứu thị trường ngành, đối thủ cạnh tranh và khách hàng. 
  • Đối tượng nhận tin mục tiêu: Xác định đối tượng mục tiêu là ai? Các thông tin nhân khẩu học, hành vi, sở thích giao tiếp là ai? Những thông tin này sẽ là cơ sở để người làm truyền thông lựa chọn thông điệp và phương thức tiếp cận phù hợp nhất. 
  • Định vị và thông điệp muốn truyền tải: Xây dựng thông điệp rõ ràng, phù hợp với đối tượng nhận tin và định vị của thương hiệu. Thông điệp cần tạo nhận thức về sự khác biệt, hấp dẫn của thương hiệu mình so với đối thủ. 
  • Kênh truyền thông: Chọn kênh phù hợp dựa trên sở thích, hành vi của khách hàng mục tiêu và mục tiêu của chiến dịch IMC.
  • Ngân sách và phân bổ nguồn lực: Xác định nguồn ngân sách IMC cần thiết để thực hiện kế hoạch và phân bổ nguồn lực hiệu quả dựa trên hiệu năng, mục tiêu đặt ra cho các kênh truyền thông khác nhau.
  • Chiến lược sáng tạo: Cách thức thể hiện big idea, chiến lược sáng tạo phù hợp với nội dung thông điệp muốn truyền tải. Chiến lược sáng tạo trong IMC cần phù hợp với bản sắc thương hiệu, tạo sự tò mò, thu hút, và tiếng vang đối với đối tượng nhận tin. 
  • Triển khai và giám sát: Thực hiện kế hoạch, giám sát hiệu quả theo từng giai đoạn nhằm đưa ra phương án điều chỉnh kịp thời.
  • Đánh giá và điều chỉnh: Đánh giá đều đặn hiệu quả của kế hoạch, đo lường những hiệu suất chính dựa trên mục tiêu IMC plan đã đề ra. Rút ra kết luận từ đánh giá làm cơ sở cải thiện cho các chiến dịch IMC trong tương lai. 

4. Đặc điểm của 5 nhóm công cụ quan trọng trong IMC Plan 

4.1. Nhóm 5 công cụ truyền thông tích hợp phổ biến 

Quảng cáo (Advertising)

Quảng cáo là một phương thức truyền thông phi cá nhân có trả phí. Quảng cáo giúp doanh nghiệp giới thiệu, thuyết phục khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của mình tới lượng lớn khách hàng thuộc một khu vực thị trường cụ thể với mức chi phí tối ưu. Các thương hiệu có thể triển khai quảng cáo dưới hình thức sau: Pano, truyền hình, radio, báo chí hay nền tảng trực tuyến với Google Ads, Facebook Ads,...

Quảng cáo sở hữu tính chất đặc trưng sau đây: Tính lan truyền tới lượng lớn khách hàng; Sự khuếch đại từ nội dung truyền tải. Do đó, công cụ này thường được sử dụng để xây dựng đặc tính sản phẩm, thương hiệu của công ty trong lòng công chúng, khách hàng; mặt khác được sử dụng nhằm gia tăng doanh số bán hàng. 

Tuy nhiên, với mức độ phủ sóng rộng lớn, khả năng tập trung, và đưa thông tin chính xác tới tệp khách hàng của doanh nghiệp sẽ bị hạn chế. Ngoài ra, số lượng lớn quảng cáo hiện nay trên thị trường dẫn tới tình trạng người tiêu dùng né tránh, nghi ngại đối với nội dung quảng cáo và hiệu quả truyền thông bị ảnh hưởng. 

imc plan là gì

Quảng cáo - Công cụ truyền thông đại chúng quen thuộc trong IMC Plan

Marketing trực tiếp (Direct Marketing)

Các kênh direct marketing được sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm: kênh truyền thống như thư trực tiếp, fax, điện thoại hoặc kênh điện từ gồm email, website, social,... Thực chất, marketing trực tiếp là hình thức truyền thông sử dụng các phương tiện truyền thông mà không yêu cầu sự xuất hiện trực tiếp của con người trong quá trình truyền hay thu thập thông tin phản hồi trực tiếp với khách hàng. 

Marketing trực tiếp có những đặc điểm nổi bật sau: Thông điệp được truyền tải trực tiếp tới người nhận; Thông điệp được cá nhân hóa; Tính cập nhật. Vì vậy, với marketing trực tiếp, doanh nghiệp có thể kết hợp đa nền tảng, đưa những thông điệp riêng, phù hợp với khách hàng mà không cần thông qua đơn vị trung gian. 

Quan hệ công chúng (PR)

Quan hệ công chúng hiểu đơn giản là hoạt động giao tiếp, xã hội cần thiết của doanh nghiệp với các nhóm công chúng xoay quanh doanh nghiệp nhằm tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về thương hiệu. Một số hình thức quan hệ công chúng thường được áp dụng triển khai bao gồm: quảng bá, tuyên truyền, tài trợ, tổ chức sự kiện, tham gia hội chợ - triển lãm…

Độ tin cậy cao là ưu điểm hàng đầu từ quan hệ công chúng, nó giúp doanh nghiệp vượt qua sự nghi ngờ từ công chúng và vươn tới thuyết phục thành công những khách hàng tiềm năng. Trong môi trường mà người nhận tin đang ngày càng bội thực với quảng cáo thì vai trò của quan hệ công chúng lại trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. 

Xúc tiến bán 

Xúc tiến bán là dạng thức truyền thông mang sự khích lệ trực tiếp, hay bổ sung giá trị vào sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng thúc đẩy hành vi mua của người tiêu dùng và tạo ra doanh thu ngay lập tức. Dựa trên những nhóm đối tượng nhận tin khác nhau, xúc tiến bán được chia thành: 

  • Xúc tiến bán định hướng người tiêu dùng: phiếu coupon, quà tặng, hoàn tiền, chương trình thân quen, trúng thưởng, hàng mẫu…
  • Xúc tiến bán định hướng thương mại (áp dụng cho các trung gian phân phối và lực lượng bán hàng): triển lãm thương mại, quảng cáo hợp tác, tài trợ thương mại, khuyến khích người bán, trưng bày tại điểm bán….

Công cụ truyền thông này sở hữu những đặc trưng như: Thông điệp mang tính nhất thời; Khuyến khích khách hàng tiến tới quyết định mua nhanh chóng. Do vậy, xúc tiến bán là công cụ cho kết quả bán hàng ấn tượng, tuy nhiên hiệu năng thường trong ngắn hạn. Đây cũng không phải công cụ hữu hiệu trong việc tạo ra sự ưa thích, hình ảnh lâu dài cho sản phẩm, thương hiệu. 

Bán hàng cá nhân (Bán hàng cá nhân)

Bán hàng cá nhân là phương thức truyền thông có sự giao tiếp trực diện giữa người bán và người mua hàng, nhằm nuôi dưỡng và khuyến khích sự chuyển tiếp nhanh chóng của khách hàng trong quá trình mua hàng. 

Bán hàng cá nhân sở hữu những đặc điểm nổi bật sau đây: Cho phép doanh nghiệp xây dựng quan hệ, niềm tin, sự yêu thích nơi khách hàng; Sự đáp ứng trực tiếp cho phép người bán đưa ra những thông điệp riêng tới từng khách hàng;  Tương tác mặt đối mặt cho phép người bán can thiệp trực tiếp tới quá trình mua hàng của khách hàng, cho phép người bán dễ dàng giải đáp thắc mắc và thuyết phục họ. 

Với những đặc trưng trên, bán hàng cá nhân là công cụ mang lại hiệu quả cao ở những giai đoạn nhất định của tiến trình mua hàng. Trong đó, chúng ảnh hưởng lớn lên thái độ, niềm tin, sự ưa chuộng và quyết định mua. Tuy nhiên, chi phí cho bán hàng cá nhân là tương đối lớn. 

imc plan là gì

Bán hàng cá nhân - Công cụ IMC quan trọng trong thuyết phục khách hàng

4.2. Cách sử dụng, phối hợp 5 công cụ truyền thông trong IMC Plan

Trong những bối cảnh nhất định, với mục tiêu, chiến lược riêng, cách khai thác các công cụ truyền thông cần có sự thay đổi. Để xây dựng một kế hoạch IMC một cách hiệu quả, bạn cần khéo léo hòa trộn 5 yếu tố trên dựa trên những cân nhắc sau đây: 

  • Đặc trưng cặp mặt hàng - thị trường: Hiệu quả của 5 công cụ truyền thông sẽ thay đổi tùy thuộc loại thị trường và mặt hàng. Với thị trường B2C, quảng cáo mang lại hiệu quả cao, tiếp tới là xúc tiến bán, bán hàng cá nhân, và PR. Tuy nhiên, sang thị trường B2B, bán hàng cá nhân lại phát huy hiệu quả cao nhất, theo sau là xúc tiến bán đẩy và quảng cáo, PR xếp cuối cùng. 
  • Các giai đoạn chấp nhận và sẵn sàng của người mua: Đối với từng giai đoạn của tiến trình mua, mỗi công cụ sẽ phát huy sức mạnh riêng. Với giai đoạn biết, quảng cáo, quan hệ công chúng và xúc tiến bán phát huy khả năng tốt nhất. Khi sang giai đoạn hiểu, những công cụ giúp tạo dựng niềm tin cao như bán hàng cá nhân, quan hệ công chúng lại phù hợp nhất. Bước tới giai đoạn tin, mua, marketing trực tiếp, xúc tiến bán, và bán hàng cá nhân sẽ có ảnh hưởng mạnh tới quyết định của khách hàng. 
  • Các giai đoạn chu kỳ sống sản phẩm: Mỗi giai đoạn trong chu kỳ sống của sản phẩm đều có tính chất, yêu cầu riêng, ảnh hưởng tới hiệu năng của các công cụ truyền thông. Với giai đoạn triển khai, để thông tin sản phẩm được lan truyền rộng rãi, quảng cáo và PR cho hiệu quả cao nhất. Sang giai đoạn tăng trưởng, quảng cáo thuyết phục phối hợp cùng xúc tiến cá nhân sẽ đẩy doanh số tăng cao. Giai đoạn bão hòa, xúc tiến bán cho tác dụng cao nhất. Giai đoạn suy thoái, quảng cáo nhắc nhở phát huy tác dụng lôi kéo khách hàng trong khi hiệu năng của hầu hết các công cụ khác đều giảm. 
  • Cơ chế kéo - đẩy: Chiến lược đẩy đòi hỏi doanh nghiệp tập trung sử dụng lực lượng bán hàng và xúc tiến bán để đẩy hàng hóa qua các kênh trung gian và tới gần người tiêu dùng, tiếp đó hoạt động quảng cáo được sử dụng nhằm tạo nhận diện, nâng cao đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, chiến lược kéo đòi hỏi nhiều hơn hoạt động quảng cáo, xúc tiến bán rộng rãi nhằm kích cầu thị trường lên tối đa. 

5. 6 bước xây dựng kế hoạch truyền thông tích hợp (IMC Plan) hiệu quả là gì?

Bước 1: Xác định mục tiêu trong IMC Plan 

Trong đó mục tiêu truyền thông marketing tích hợp cần phát triển dựa trên cơ sở mục tiêu kinh doanh và mục tiêu marketing. Để mục tiêu được rõ ràng, chi tiết, bạn cần áp dụng nguyên tắc SMART để xây dựng mục tiêu phù hợp. 

Bước 2: Xác định đối tượng nhận tin mục tiêu

Xác định target audience là bước tiếp theo trong lập kế hoạch IMC. Bạn cần xác định rõ đối tượng nhận tin trong chiến dịch truyền thông của mình là ai, họ tới từ đâu, họ có đặc điểm chung nào, vấn đề mà họ đang mang là gì. Càng đi sâu phân tích khách hàng, thu thập nhiều dữ liệu sát thực tiễn, cơ sở thiết lập IMC toàn diện được nâng cao đáng kể. 

Bước 3: Nắm bắt Insight khách hàng

Insight hiểu đơn giản là những vấn đề mà khách hàng vẫn luôn đau đáu, trăn trở khi nghĩ về. Nhận diện được insight giúp marketers gãi đúng chỗ ngứa của khách hàng. 

Bước 4: Hình thành nên Big Idea của chiến dịch

Big Idea là ý tưởng chủ đạo, tổng thể cho toàn bộ chiến dịch và kế hoạch. Big Idea xuất sắc cần có sự liên kết mãnh liệt với Insight của khách hàng và định vị thương hiệu. 

Bước 5: Hoàn thiện kế hoạch triển khai

Để big idea đi vào thực tiễn dễ dàng, chúng cần được chi tiết hóa hơn nữa. Nội dung này nên được chia thành nhiều giai đoạn với những bước tiến khác nhau. Đi kèm đó là câu trả lời cho vấn đề thời gian, chi phí, công cụ được sử dụng là gì?

Bước 6: Đánh giá hiệu quả chiến dịch

Đánh giá sau mỗi giai đoạn, chiến dịch giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về hiệu quả truyền thông. Đánh giá cần dựa trên mục tiêu đã đặt ra là gì, qua đó xác định chỉ số cần đo lường và cách thức để kiểm tra. 

Xem thêm: IMC là gì? 5 Điều bạn cần biết về chiến lược truyền thông IMC

6. Ví dụ về những chiến dịch IMC Plan thành công 

Khi tạo lập được một IMC Plan chất lượng, doanh nghiệp có thể “đánh đâu thắng đó” và để lại tiếng vang lâu dài. Dưới đây là những ví dụ về những chiến dịch vận dụng truyền thông tích hợp một cách xuất sắc và ấn tượng nhất:

Case 1: Chiến dịch Just Do It của Nike

Chiến dịch IMC Just Do It đã kết hợp hoàn hảo quảng cáo truyền hình, phương tiện truyền thông xã hội, và quan hệ bền chặt Nike và người có sức ảnh hưởng trên thế giới. Phương thức kết hợp này có khả năng lan tỏa rộng lớn, và làm đòn bẩy cho định vị hướng tới tinh thần hết mình, vì thể thao của Nike. Thông điệp IMC nhất quán cùng cách kể chuyện mạnh mẽ đã tạo ra tiếng vang lớn, hấp dẫn đối tượng mục tiêu, góp phần tăng lòng trung thành thương hiệu và doanh số bán hàng của Nike. 

Case 2: Chiến dịch Share a Coke của Coca - Cola

Share a Coke là chiến dịch IMC vang danh trên toàn thế giới và cả Việt Nam. Đây được xem là một trong những chiến dịch nổi bật nhất của thương hiệu Coca - Cola khi đã tích hợp nhuần nhuyễn các yếu tố, phương tiện truyền thông như: quảng cáo truyền thống (TVC), phương tiện truyền thông xã hội hóa (sử dụng hashtag trên trang mạng xã hội), bao bì được cá nhân hóa (tên riêng được in trên bao bì sản phẩm) và có thể chia sẻ cho người tiêu dùng. Những yếu tố trên kết hợp cùng nhau đã tạo nên sự tương tác mạnh mẽ, mức độ gia tăng nhận thức, gắn kết thương hiệu và doanh thu bùng nổ cho Coca - Cola. 

imc plan là gì

Chiến dịch IMC vang danh thế giới của Coca Cola - Share A Coke

Kết luận

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt ngày nay, IMC là công cụ quan trọng để doanh nghiệp đạt hiệu quả truyền thông marketing và đạt mục tiêu kinh doanh của mình. Nắm rõ các yếu tố, đặc trưng và cách phối hợp các công cụ truyền thông là yêu cầu tiên quyết để xây dựng một bản kế hoạch IMC toàn diện. 

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ IMC Plan là gì, những thành tố, công cụ quan trọng trong truyền thông tích hợp. Đừng quên nghiên cứu thật kỹ các nội dung trên để bản IMC Plan của mình được tối ưu nhất.