Marketing là hoạt động sống còn cho các doanh nghiệp kinh doanh trong thời đại số như ngày nay. Các chiến dịch Marketing muốn thành công cần phải có kế hoạch Marketing cụ thể. Dưới đây là những yếu tố quan trọng của bản kế hoạch Marketing hoàn hảo.

Marketing là cụm từ bao quát nhiều hoạt động khác nhau nhằm quảng bá, truyền thông sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng mục tiêu cũng như xây dựng, định vị hình ảnh thương hiệu trong lòng công chúng. Chiến lược Marketing thường được định hướng chiến lược bởi các CEO hay giám đốc Marketing của các doanh nghiệp - người với tầm nhìn xa trông rộng. Đồng thời họ cũng là những cá nhân hoạch định kế hoạch Marketing. 

Ngày nay, công nghệ thông tin và Internet phát triển nhanh chóng tạo ra các hoạt động marketing online với xu hướng Digital Marketing phát triển. Nhưng dù là hoạt động gì, Marketing đều cần có kế hoạch Marketing hoàn chỉnh với 6 yếu tố như sau: 

I. Mục đích của bản kế hoạch Marketing

Căn cứ vào tình hình kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, tổ chức cũng như định hướng trong tương lai mà mục đích của kế hoạch marketing có sự khác biệt ít hay nhiều. 

Thông thường, các tiêu chí quan trọng để doanh nghiệp căn nhắc đến mục đích của kế hoạch Marketing như: Nhiệm vụ chính là lập kế hoạch Marketing là gì? Doanh nghiệp cần tiếp cận bao nhiêu khách hàng? Số lượng đơn hàng muốn đạt được sau kế hoạch Marketing online là gì? Khi mục đích của lập kế hoạch càng rõ ràng, cụ thể thì định hướng hành động sẽ trở nên dễ dàng hơn. 

Ví dụ về mục đích của một bản kế hoạch Marketing mẫu: Chiến dịch Marketing online cho công ty A trong quý 3 năm 2020 nhằm ra mắt nhãn hiệu nước trái cây mới tên X đến công chúng mục tiêu. Khi kết thúc chiến dịch, công ty muốn có kết quả cụ thể với 20% khách hàng mục tiêu biết đến thương hiệu X là nước trái cây với định vị giải pháp mùa hè cung cấp đầy đủ nước và Vitamin cần thiết cho chị em văn phòng; tỷ lệ chuyển đổi khi kết thúc chiến dịch cần đạt 10%. 

Kế hoạch Marketing cần phải có mục đích rõ ràng.Kế hoạch Marketing cần phải có mục đích rõ ràng.

II. Chân dung khách hàng mục tiêu

Một bản kế hoạch Marketing hoàn chỉnh không thể nào thiếu được chân dung của khách hàng mục tiêu. Khách hàng là người trực tiếp mang lại doanh thu, lợi nhuận. Sự hài lòng của họ cũng chính là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục phát triển và hướng đến biển lớn. 

Có thể đối với doanh nghiệp Startup, lợi nhuận và khao khát nhanh chóng hoàn vốn được cho là mục tiêu quan trọng hơn cả, nhưng bạn nên cân nhắc đến định hướng phát triển lâu dài và chú trọng hơn đến hoạt động nghiên cứu thị trường. Và trong đó, khách hàng chính là yếu tố đóng vai trò chủ chốt. 

Đối với chân dung của khách hàng mục tiêu, chúng ta càng phân tích chi tiết, rõ ràng thì kế hoạch Marketing càng được triển khai trọng tâm và đúng hướng hơn. Cụ thể, bạn cần xác định các thông tin liên quan đến khách hàng như thông tin về nhân khẩu học và thông tin về sở thích, xu hướng tiêu dùng và sử dụng các phương tiện truyền thông, Internet. 

III. Làm nổi bật lợi ích của sản phẩm và dịch vụ

Giữa một “rừng” sản phẩm như hiện nay, chúng ta không thể bán được hàng nếu như không có gì đặc biệt để thu hút khách hàng. Do đó, hoạt động Marketing cần chú trọng đến việc làm nổi bật lợi ích của sản phẩm, dịch vụ. Các chiến dịch marketing cần được triển khai chú trọng đến truyền thông về những điểm khác biệt, những điểm độc nhất mà sản phẩm của đối thủ cạnh tranh không có được. 

Đối với lợi ích của sản phẩm, chúng bao gồm lợi ích lý tính và lợi ích cảm tính. Trong bản kế hoạch marketing tổng thể, bạn cần đề cập và truyền thông về cả hai khía cạnh nêu trên. Thông thường, các lợi ích lý tính sẽ liên quan đến lợi ích của sản phẩm trong việc giải quyết vấn đề cho khách hàng. Còn lợi ích cảm tính là sự trải nghiệm, cảm xúc khi khách hàng nghĩ đến sản phẩm đó. 

Chẳng hạn, với nước Coca Cola, lợi ích lý tính là một thứ nước nhằm giải khát và cung cấp nước cho cơ thể cũng như thứ nước uống kèm trong các bữa ăn. Còn xét về lợi ích cảm tính, đó là sự cảm nhận của khách hàng mỗi khi nghĩ đến sản phẩm đó. Coca Cola hiện nay luôn tự hào là thứ nước uống đại diện cho hạnh phúc gia đình, cho sự ấm áp và tình thương giữa người với người. Chính vì vậy, các kế hoạch Marketing hiện nay thường xoay quanh truyền thông mạnh vào các dịp giáng sinh, dịp tết để truyền thông đến khách hàng về tình cảm gia đình, sự đoàn tụ… 

IV. Định vị sản phẩm rõ ràng trên thị trường

Định vị sản phẩm là gì? Đó là việc doanh nghiệp xác định vị thế của sản phẩm, dịch vụ trên thị trường bằng một vài cách khác nhau. Đó có thể là định vị thông qua hình ảnh sản phẩm, định vị bằng sứ mệnh, giá trị cốt lõi, lợi ích mang đến khách hàng… Các sản phẩm định vị hiệu quả sẽ gây ấn tượng mạnh trong lòng công chúng nhận tin và nhanh chóng tạo ra khác biệt cho mình. 

Định vị sản phẩm trong kế hoạch MarketingĐịnh vị sản phẩm trong kế hoạch Marketing

Dưới đây là 3 cách định vị sản phẩm phổ biến và hiệu quả hiện nay. Bạn hoàn toàn có thể tham khảo cho bản kế hoạch Marketing của mình:

  • Định vị dựa trên sự mong muốn: Dựa trên cơ sở những mong muốn, khao khát của người tiêu dùng liên quan đến nhiều vấn đề như công việc và cuộc sống, điều họ khao khát… Chẳng hạn, nhãn hàng DOVE đã rất thành công với định vị sản phẩm dựa trên sự mong muốn. Các thông điệp mà DOVE đã và đang truyền tải là “Vẻ đẹp thật sự là vẻ đẹp đi ra ngoài những quan niệm khuôn mẫu” với điều này, DOVE được xem là “ngọn đèn hải đăng” giúp phụ nữ trở thành người họ mong muốn và sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, làm những điều khác biệt. 
  • Định vị theo tính năng: Đây chính là dựa vào lợi ích của sản phẩm mang đến cho người tiêu dùng. Kế hoạch Marketing tập trung truyền thông về sản phẩm và lợi ích của sản phẩm. Phương thức định vị này phù thuộc với những sản phẩm tốt đã được chứng nhận bởi các chuyên gia. 
  • Định vị theo giá trị: Được hiểu là điều mà người tiêu dùng mong đợi ở sản phẩm, dịch vụ do công ty bạn cung cấp. Phương thức định vị này phù hợp với loại hàng hóa tầm cao, xa xỉ. Người tiêu dùng ngoài sử dụng, họ còn nhận được thêm một số cảm giác đi cùng như giá trị thương hiệu… Chẳng hạn, các thương hiệu thời trang cao cấp như Prada, ngoài việc mong muốn có những bộ quần áo để mặc, người tiêu dùng khao khát nhiều hơn đến giá trị thương hiệu và cảm giác “trân trọng bản thân”, “yêu thương bản thân” lựa cho mình những bộ đồ xa xỉ, cái mà mọi người thường gọi vui là cảm giác “sang lên”. 

V. Có một chiến lược marketing cụ thể và rõ ràng

Chiến lược Marketing rõ ràng, cụ thể là điều quan trọng để bản kế hoạch Marketing có tính khả thi cao. Thực tế chỉ ra rằng, đôi khi chúng ta đề xuất những bản kế hoạch mà không thể nào thực hiện. 

Ví dụ, doanh nghiệp của bạn là một startup mới thành lập, ngân sách còn hạn chế, các hoạt động truyền thông và marketing hiện nay phần lớn được triển khai trên các nền tảng miễn phí như mạng xã hội: Zalo, facebook… Trong khi chiến lược đề xuất về công cụ, bạn muốn sử dụng các phương tiện như quảng cáo Tivi, tổ chức sự kiện hay tài trợ với ngân sách hàng tỷ đồng là điều không khả thi. 

Kế hoạch marketing cần có chiến lược cụ thể, khả thiKế hoạch marketing cần có chiến lược cụ thể, khả thi

VI. Ngân sách dành cho hoạt động Marketing

Phân bổ ngân sách vẫn luôn là bài toán khó khăn cho nhà quản trị marketing. Chúng ta muốn thực hiện nhiều hoạt động khác nhau nhưng ngân sách luôn luôn có hạn. Do đó, bạn cần cân bằng giữa mục tiêu và ngân sách để có kế hoạch Marketing phù hợp. Thông thường, ngân sách Marketing sẽ dao động từ 5 - 10% doanh thu của công ty. Tuy nhiên, bạn cần căn cứ vào tình hình doanh nghiệp, tình hình kinh doanh để có những căn cứ chính xác hơn. 

VII. Kết luận

Lập kế hoạch marketing là khâu không thể thiếu để triển khai bất kỳ chiến dịch marketing nào. Hoạt động này đóng vai trò quan trọng giúp hoạch định định hướng phát triển cho doanh nghiệp tốt hơn. Ở bài viết này, các bạn đã hiểu hơn về quy trình lập kế hoạch marketing với 6 bước cơ bản.