Quán Bar là nơi du khách tìm đến để được thư giãn, xả stress sau những ngày làm việc mệt mỏi bên những ly đồ uống đầy sắc màu và những điệu nhạc sôi động. Và mô hình này hứa hẹn sẽ phát triển bùng nổ trong rất nhiều năm nữa bởi nhu cầu ngày càng cao!
Đi cùng với sự phát triển của các mô hình kinh doanh như Pub, Club hay Lounge thì Bar hiện nay cũng rất được ưa chuộng. Bar đang được xem là điểm đến lý tưởng và là nơi yêu thích của rất nhiều bạn trẻ. Vậy thực chất quán Bar là gì? Giữa Bar, Club và Lounge có sự khác nhau không? Có các loại hình quán Bar nào? Nếu bạn cũng đang tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi trên thì cùng theo dõi bài viết dưới đây để được 123job bật mí nhé!
I. Quán Bar là gì?
Bar là nơi trực tiếp bán và phục vụ các loại đồ uống có cồn như bia, rượu, rượu vang, cocktail…; đồ uống không có cồn như nước khoáng, nước ép, các loại nước giải khát… và ngoài ra còn có cả đồ ăn nhanh như khoai tây chiên, snack, đậu phộng, pizza… Bên cạnh đó quán Bar còn mang tới cho khách hàng những trải nghiệm được chơi những trò chơi tiêu khiển như trò chơi điện tử, bida, phi tiêu hay những chương trình nhạc sống có mời ca sĩ, vũ công biểu diễn… Đối tượng tới quán Bar là những thực khách từ đủ 21 (có nơi quy định 18) tuổi trở lên. Nét đặc trưng và khó quên nhất của quán Bar là sự sôi động với những bản nhạc được bật với âm lượng to.
Quán Bar là gì?
II. Lịch sử hình thành Bar
Từ “Bar” được dùng từ năm 1592 khi được nhà soạn kịch Robert Greene đề cập đến trong Noteable Discovery of Coosnage. Tuy nhiên, cách phục vụ đồ uống như ngày nay được cho là bắt nguồn từ Isambard Kingdon Brunel với mục đích chính là phục vụ nhanh các khách hàng đang vội bắt tàu hỏa cho đến các phòng nghỉ, phòng chờ tại ga đường sắt Swindon vào năm 1842. Theo đó, quầy bar đầu tiên phục vụ rượu được lắp đặt vào năm 1851 tại khách sạn Great Western trên trạm xe lửa Paddington, London (ngày nay là khách sạn Hilton London Paddington).
III. Các loại hình quán Bar
Hiện nay có 3 loại hình quán Bar phổ biến tại Việt Nam là Bar bình dân, Bar thể thao và Bar đặc biệt. Dưới đây là một số thông tin về 3 loại hình quán Bar này mà 123job muốn chia sẻ tới bạn đọc:
1. Bar bình dân
Đây là loại hình quán Bar phổ biến nhất hiện nay dành cho các nhóm khách địa phương hoặc khu vực xung quanh, khách quen. Tại đây, thực khách có thể thoải mái giao lưu, trò chuyện cũng như cùng nhau thưởng thức rượu, chơi bida, phóng phi tiêu…
2. Bar thể thao
Bar thể thao là loại hình dành cho giới thượng lưu, có điều kiện về kinh tế và có niềm đam mê, sở thích với thể thao. Quán Bar theo loại hình này được bố trí bàn ghế đơn giản, trang bị nhiều màn hình tivi lớn để có thể truyền hình trực tiếp các trận thi đấu thể thao nổi tiếng. Và phục vụ những thức uống chủ yếu là bia, ngoài ra còn có các món ăn nhẹ như pizza, hamburger…
3. Bar đặc biệt
Bar đặc biệt loại hình chủ yếu chỉ xuất hiện ở các khu dân cư cao cấp, chúng thường có diện tích nhỏ và nằm ở những vị trí khá yên tĩnh. Thực khách đến đây sẽ cảm nhận được không gian ấm cúng, nhẹ nhàng, hoài niệm với các loại thức uống phục vụ thường là cocktail hay rượu chuyên biệt được pha chế theo những công thức riêng.
IV. Phân biệt sự khác nhau giữa Bar, Club và Lounge
1. Về phong cách phục vụ
- Quán Bar là nơi khách đến uống rượu, bia, cocktail, chơi bida, điện tử hay xem bóng đá… Đối với mô hình kinh doanh này thường chuộng âm nhạc xập xình nhưng thiên về sự cảm nhận, thưởng thức thay vì nhảy nhót ồn ào. Ngày nay, Bar đang được đánh giá là nơi giải trí lý tưởng nhất.
- Club là loại hình đầu tư phần lớn không gian cho các hoạt động nhảy múa của khách với những màn trình diễn âm thanh sôi động từ các DJ. Giá các dịch vụ tại đây thường rất đắt nhưng đổi lại chất lượng vô cùng tuyệt vời.
- Lounge là loại hình có không gian thiên về sự sang trọng, tinh tế nhưng nhẹ nhàng và mang tới cho khách cảm giác dễ chịu. Lounge thường dùng các bộ bàn ghế sofa rộng để tạo cho khách cảm giác thoải mái khi trò chuyện với bạn bè hoặc thưởng thức những bản nhạc với giai điệu bay bổng, lãng mạn.
Bar, Club và Lounge
- Bar thường phục vụ các loại đồ uống có cồn như bia, rượu, cocktail do Bartender thực hiện ngoài ra thì còn phục vụ một số đồ ăn nhanh.
- Club phục vụ các loại đồ uống, đồ ăn nhẹ và trái cây.
- Lounge là sự pha trộn hoàn hảo giữa quán cafe và quán Bar, chuyên phục vụ các thức uống có cồn và không có cồn.
V. Quán Bar phát triển kéo theo đó là nghề pha chế sẽ lên Top
1. Công việc của nhân viên pha chế tại quán Bar là gì?
Công việc chính của nhân viên pha chế tại quán Bar sẽ xoay quanh các việc làm chính như:
- Chuẩn bị các nguyên liệu, thành phần theo công thức pha chế;
- Chuẩn bị dụng cụ pha chế và vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ trong suốt quá trình sử dụng cũng như sau khi sử dụng;
- Bắt đầu thực hiện pha chế theo yêu cầu của khách hàng;
- Dọn dẹp, sắp xếp lại khu vực làm việc sao cho đẹp mắt và sạch sẽ;
- Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Bar trưởng.
2. Kỹ năng cần có của một nhân viên pha chế tại quán Bar
a. Kỹ năng pha chế
Muốn trở thành một Bartender chuyên nghiệp, việc đầu tiên bạn cần thành thạo là kỹ năng pha chế. Bạn cần phải:
- Thuộc nằm lòng tên các loại rượu, đặc tính của từng loại rượu, các kiểu ly phù hợp với từng loại thức uống khác nhau.
- Am hiểu về tính năng, sử dụng thành thạo các máy móc được sử dụng trong quá trình pha chế như: Máy xay sinh tố, máy làm đá viên, đá bào…
- Ghi nhớ chính xác liều lượng và công thức pha chế của càng nhiều loại cocktail, mocktail… càng tốt.
- Cần thao tác thuần thục 5 kỹ năng pha chế cơ bản là: Shaking, Stirring, Blending, Building và Layering.
- Có khả năng định lượng các thành phần nguyên liệu nhanh và chính xác.
- Có tư duy thẩm mỹ tốt để trình bày một ly thức uống sao cho đẹp mắt và thu hút khách hàng.
b. Kỹ năng biểu diễn
Kỹ năng biểu diễn chính cũng được xem là thước đo quan trọng đánh giá tính chuyên nghiệp của một nhân viên pha chế. Muốn có được màn trình diễn ấn tượng trước khán giả đòi hỏi nhân viên pha chế cần phải thành thạo các kỹ năng biểu diễn từ cơ bản đến nâng cao như: Kỹ thuật quăng chai (quăng 2 chai, quăng 1 chai và 1 shaker, trình diễn 3 chai), biểu diễn chai lửa…
c. Kỹ năng giao tiếp
Bên cạnh các kỹ năng về chuyên môn, nhân viên pha chế cũng cần phải có kỹ năng giao tiếp với khách hàng. Bạn cần phải biết cách giới thiệu, tư vấn các loại thức uống phù hợp cho khách, biết được câu chuyện ra đời của những loại đồ uống để “tiếp chuyện” với khách, tạo bầu không khí vui vẻ cho những cuộc trò chuyện…
d. Kỹ năng “sáng tạo”
Để thu hút được nhiều khách hàng đòi hỏi nhân viên pha chế cũng cần có kỹ năng sáng tạo. Bên cạnh việc pha chế những thức uống theo các công thức truyền thống, những lối mòn cũ thì Bartender còn cần phải có kỹ năng “sáng tạo” để tạo nên những loại thức uống mới hấp dẫn, làm phong phú menu thức uống của quán Bar.
Kỹ năng cần có của một nhân viên pha chế tại quán Bar
3. Cơ hội nghề nghiệp đối với nhân viên pha chế tại quán Bar
Ngày nay khi mà đời sống của con người ngày càng được nâng cao, nền kinh tế phát triển thì hàng loạt những quán Bar, từ bình dân cho tới cao cấp, sang trọng được ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong những năm gần đây, thị trường quán Bar đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng cũng như chất lượng được cải thiện. Từ đó mà mở ra hàng loạt cơ hội nghề nghiệp cho nhân viên quán Bar nói chung và nhân viên pha chế nói riêng.
Bên cạnh đó thì nhân viên pha chế đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với quán Bar, được xem như là “linh hồn” và không thể thiếu. Bất kỳ quán Bar nào, dù lớn, dù nhỏ cũng đều cần có sự xuất hiện của nhân viên pha chế. Chính vì vậy khi quyết định đi theo con đường pha chế, cơ hội nghề nghiệp sẽ rất rộng mở đối với bạn.
VI. Kết luận
Trên đây là một số thông tin về quán Bar là gì, phân biệt sự khác nhau giữa 3 loại hình kinh doanh đang vô cùng phổ biến hiện nay là Bar, Club và Lounge cũng như cơ hội nghề nghiệp đối với một nhân viên pha chế tại quán Bar mà 123job muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hy vọng qua những chia sẻ ở bài viết mang tới cho bạn nhiều thông tin bổ ích về quán Bar. 123job chúc bạn thành công!