Có rất nhiều bạn ứng viên sau buổi phỏng vấn thấy mình thể hiện khá tốt nhưng khi kết quả trả về lại không được tuyển, vậy lý do gì khiến nhà tuyển dụng lắc đầu về bạn? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Dù không phải nhà tuyển dụng chuyên nghiệp nhưng vì run rủi sao đó mà hay phải đi "kiếm người" (khi thì tự xây team, khi thì "mát tay" quá nên được gửi gắm, nài nỉ trở thành HR ngắn hạn). Nhưng bấy nhiêu đó thì chưa đủ, những gì chia sẻ ở đây còn là kinh nghiệm mình thu nạp được với tư cách là ứng viên, đã trải qua kha khá những cuộc phỏng vấn lớn nhỏ và tìm được nhiều cơ hội việc làm tốt.

Bài viết chia sẻ về những nguyên nhân phổ biến khiến nhà tuyển dụng mất thiện cảm với ứng viên. Ngoài năng lực, kinh nghiệm, sẽ còn nhiều yếu tố khác tác động đến quyết định của nhà tuyển dụng như: không hợp tuổi với sếp, đã có ứng viên khác phù hợp hơn, bạn quá hướng nội hoặc quá cá tính...

Cùng chúng tôi đi vào vấn đề chính ngay nhé. Dạo gần đây, khi lang thang đi tìm những mảnh ghép cho 1 team Marketing hoàn chỉnh nhiều CV đẹp long lanh nhưng khi mình forward sang thì anh CEO lập tức lắc đầu. Vậy, tại sao nên nỗi?

I. Không đọc kĩ thông tin tuyển dụng

Đây có lẽ là điểm trừ lớn cực lớn dành cho không ít ứng viên.

Chúng tôi hiểu HR phải có trách nhiệm giải đáp thông tin tuyển dụng, và ngược lại, ứng viên cũng cần đọc kĩ trước khi đưa ra câu hỏi. Ở đây chẳng ai xin không và cho không ai cả. Thuận làm (việc) thì vừa ký (hợp đồng). Đơn giản vậy thôi.

Vì vậy, chúng tôi mong ứng viên đừng hỏi lại những thông tin đã được ghi rõ trong bài tuyển dụng. Đừng và đừng làm như thế.

HR có thể sẽ cố gắng phản hồi nhưng chắc chắn bạn đã bị mất thiện cảm ban đầu. Nếu công ty đó xoàng, bạn chỉ hỏi cho vui thì cũng không đáng ngại. Nhưng nếu bạn thật sự cần công việc này, thì có lẽ, quãng đường đã xa hơn mất rồi.

kinh nghiệm phỏng vấn chuyên nghiệp

Kinh nghiệm phỏng vấn chuyên nghiệp

II. Tuyệt đối không gửi CV qua inbox

Chúng tôi luôn thấy khó hiểu và một chút bực bội khi đã viết rõ e-mail để nhận CV nhưng vẫn được gửi nhanh qua Messenger Facebook. Nó đúng thật tiện lợi, nhưng rất thiếu chuyên nghiệp.

Nhiều bạn cũng trẻ tuổi, tính tình phóng khoáng, nói chuyện với ứng viên nhiều khi khiến họ ngỡ ngàng vì nói bỡn như thật. Nhưng chuyện gì thì đi chuyện đó. Dù nhà tuyển dụng có vui vẻ, cởi mở đến đâu, mình tin chắc, không có nhà tuyển dụng nào thích nhận CV qua inbox. Ngoài lý do cảm thấy không được trân trọng, thì kỹ năng viết e-mail cũng là cơ sở để người tuyển dụng đánh giá xem ứng viên có phù hợp hay không. Vì biết đâu khi tuyển bạn, sau này bạn cũng không viết nổi 1 cái mail chỉn chu cho sếp hoặc đối tác thì sao?

III. Có quá nhiều sự cố Email

Một người thầy có kinh nghiệm đào tạo về văn hóa doanh nghiệp cho 1000+ doanh nghiệp, tập đoàn ở Việt Nam đã bật mí cho chúng tôi rằng: 1 trong những lý do phổ biến nhất khiến nhà tuyển dụng ở Việt Nam lắc đầu là kỹ năng viết mail yếu kém và không tự tin khi trao đổi qua điện thoại. Thật đáng tiếc khi chúng ta còn chưa được thể hiện kiến thức chuyên môn đã bị đánh trượt vì viết mail cụt lủn hoặc nói lí nhí không nên lời.

Vậy sự cố email là gì? Tất cả những điều bạn làm chưa chỉn chu, thiếu hoặc sai thông tin thì đều là sự cố. Những sự cố phổ biến mình hay gặp là: viết sai chính tả, viết tắt, teencode, sai tên công ty, e-mail không có tiêu đề, không ghi vị trí tuyển dụng, nội dung quá ngắn (1-2 dòng kèm cái CV chỏng chơ), làm thiếu các bước yêu cầu (ví dụ: Designer khi gửi CV cần gửi kèm Portfolio nhưng chỉ gửi 1 cái),...

Có rất nhiều bài chia sẻ về cách viết e-mail, chúng tôi nghĩ nếu ai làm chưa tốt có thể tìm hiểu thêm. Và một tip nhỏ, vì đây là điểm chạm đầu tiên, nếu bạn thật sự thích công việc này, hãy rà soát mail ứng tuyển không dưới 3 lần trước khi gửi. Hãy tin chúng tôi đi, nó sẽ gỡ cho bạn những lỗi sai rất ngớ ngẩn.

IV. Không note lại thông tin công ty đã ứng tuyển

Gọi sai tên công ty là một cú đả kích làm tổn thương nhà tuyển dụng không ít, giống như việc bạn bị gọi nhầm tên vậy. Nhiều ứng viên từng từ chối một công ty lương khá ổn vì bạn tên Huyền nhưng từ đầu đến cuối, chị HR - Nhân viên tuyển dụng không ngừng nói: "Thế Hiền ở đâu nhỉ? Tại sao Hiền nghỉ việc chỗ cũ vậy em?"..

Nhiều khi cả ứng viên hay nhà tuyển dụng đều không cố tình gọi nhầm tên của đối phương. Lý do thì khá dễ hiểu, ứng viên thì rải CV nhiều nơi, nhà tuyển dụng cũng tiếp quá nhiều người, nhầm nhọt dễ hiểu nhưng lại quá khó chấp nhận.

Bởi vậy, tip của chúng tôi là note lại những thông tin về các công ty đã ứng tuyển. Khái quát như tên công ty - lĩnh vực - vị trí đang tuyển dụng - mức lương - địa điểm và 1 số yêu cầu đặc biệt. Bạn không cần ghi chép quá chi tiết nhưng nên đảm bảo đã nắm chắc các thông tin chính.

Chúng tôi để ý rằng, nhiều nhà tuyển dụng khi gọi cho ứng viên, họ thường không nhắc lại những thông tin cơ bản. Nhà tuyển dụng chủ yếu đưa ra câu hỏi để tìm hiểu tại sao bạn muốn apply vào vị trí này và liệu bạn có thực sự phù hợp hay không.

Nếu bạn không nắm chắc chúng, bạn sẽ thường phải hỏi lại như: "Dạ chị từ công ty ABC ạ? Công ty chị làm về lĩnh vực nào ạ?? Chúng tôi đang nói về vị trí Content đúng không ạ? Yêu cầu công việc là gì ạ? À, để e check lại JD rồi phản hồi chị nhé. Bên mình ở bên Hoàng Cầu đúng không chị? - Không, công ty chị ở Văn Miếu - À à thế ạ..."

Và thường với những câu trả lời như vậy, nếu không phải công ty đang cần tuyển gấp hoặc CV của bạn không hề xuất sắc, chắc chắn sẽ không có cuộc gọi thứ 2 hoặc email nào được gửi về nữa.

Mẹo phỏng vấn chinh phục được nhà tuyển dụng

Mẹo phỏng vấn chinh phục được nhà tuyển dụng

V. CV - avatar của bạn

Hãy chăm chút cho CV của bạn như cách bạn làm với Avatar trên mạng xã hội. Đây là lời khuyên của chúng tôi dành cho ứng viên. Chắc không ai muốn up 1 tấm hình mặt mộc, đầy nốt mụn, quầng mắt, thiếu sáng, vỡ nét... lên Facebook đúng không? Vậy tại sao bạn làm điều đó với CV của chính mình?

Nếu chúng ta không biết làm CV đẹp, chuyên nghiệp hoặc nổi bật thì ít nhất cũng làm một cách hoàn thiện và gọn gàng. Không phải chỉ vị trí Designer mới cần CV và Portfolio lung linh đâu, ai cũng nên làm điều đó cả. Chỉ có điều, Designer sẽ dễ dàng thao tác với Photoshop, AI,.. còn bạn thì mày mò với những trang web miễn phí.

Chúng tôi đã thở dài như đoạn đường Trường Chinh lúc 6 chiều mỗi ngày khi thấy những chiếc CV không thèm để avatar, xuống dòng, cách chữ tùm lum, copy-paste sai thông tin, lỗi font....

Liệu những bạn làm 1 chiếc CV như vậy có bao giờ chịu xem lại thành phẩm của họ không? Hay chỉ đơn giản là làm cho có để gửi đi? Và câu trả lời thì rất rõ ràng, HR thường gửi lại cho họ sự từ chối.

VI. Đừng dùng e-mail với nickname thời trẻ trâu.

Những email ứng tuyển dạng: bunny_9x_dangyeu@.., Linhkute_dongda@.., ngoisaoleloi_khongbuon@.., thoạt đầu khiến nhà tuyển dụng buồn cười nhưng về sau thì không, mình phản hồi từ chối luôn.

Tin mình đi, dù bạn rất gắn bó với e-mail được lập từ 5-10 năm trước (khi chúng ta vẫn còn trẩu và thích dùng nickname ẩn danh, dài ngoằng) thì cũng đừng dùng nó để đi xin việc. Tạo một e-mail mới rất nhanh, chỉ mất vài phút.

Có rất nhiều cấu trúc để tạo email cá nhân như : Tên THẬT + vị trí công việc, Tên THẬT + năm sinh, Tên THẬT + tên tiếng anh viết tắt của trường bạn đang học.. Nhiều và rất nhiều.

Không sử dụng tên thật cho email là cách giúp bạn lẫn đi nhanh chóng trong hàng chục thậm chí hàng trăm cái CV được gửi về cho nhà tuyển dụng. Trong trường hợp bạn có CV ổn thì nhà tuyển dụng cũng chưa chắc đọc mail bằng 1 nickname thịnh hành từ 5-7 năm về trước (và mình để ý, rất nhiều bạn sử dụng mail kiểu vầy thường cũng quên viết luôn cả tiêu đề mail).

VII. Phản hồi dù từ chối hoặc bị từ chối

Nghe có vẻ không mấy liên quan nhưng mình nghĩ ứng viên hãy cố gắng phản hồi dù từ chối hoặc bị từ chối. Nhiều khi bạn bị đánh trượt vì không phù hợp với vị trí đang ứng tuyển nhưng nhà tuyển dụng vẫn nhìn thấy những điểm mạnh khác của bạn. Việc luôn phản hồi để kết thúc phần tuyển dụng là cách để ứng viên ghi điểm lần chót với HR và biết đâu bạn sẽ nhận được một cánh cửa khác phù hợp, thậm chí còn rộng mở hơn.

Bản thân nhà tuyển dụng sau khi phỏng vấn, trao đổi với hàng trăm ứng viên, mình đều note lại những CV thật sự nổi bật (bao gồm cả thái độ nhiệt tình, cầu tiến), để khi có cơ hội sẽ giới thiệu cho công ty, bạn bè đối tác.

Nhiều bạn đọc bài của mình ở đây, đã nhắn tin và trao đổi rất nhiều. Một vài bạn gửi CV cho mình, đơn giản chỉ vì: "Khi nào chị tuyển người thì chị cho em cơ hội nhé". Mình không hứa hẹn chính xác bao giờ sẽ giới thiệu, cũng không đảm bảo chắc chắn sẽ tuyển các bạn, không chừng đến khi mình hỏi tới, các bạn đã giỏi giang hơn và tìm được công việc rồi. Nhưng mình vẫn nhận và giữ. Và thật sự, mình đã giúp nhiều bạn tìm được công việc phù hợp với môi trường làm việc tốt, chỉ vì các bạn đã luôn phản hồi dù bị từ chối.

Đường dễ thì mình đi, việc nhỏ thì mình làm trước. Trong thời điểm công việc thì khan hiếm, thế hệ trẻ thì ngày càng xuất sắc khiến mình tin, nếu bạn tiếp tục lời phời, bạn sẽ không thể có được một công việc tốt.

Dạo gần đây mình đi tuyển dụng, mình khá bất ngờ khi ứng viên đang ngày càng giỏi hơn, nhất là thế hệ các bạn 9x đời cuối và 2000. Tiếng Anh và một ngôn ngữ khác thành thạo gần như là điều tất yếu của họ. Chưa kể, các bạn rất năng động và có ngoại hình sáng. Vậy, trước thế hệ không ngừng giỏi giang và hoàn thiện hơn như vậy, nếu chúng ta còn vướng phải những lỗi sai cơ bản và ngớ ngẩn, việc thất nghiệp cũng đâu phải khó hiểu?

Chúng tôi biết không phải HR nào sau khi đánh trượt cũng nói cho mọi người biết vì sao bạn không được chọn. Vì vậy, bài viết này ra đời để mọi người tránh không đi vào các vết xe đổ tương tự nữa.

Chúng tôi mong các nhà tuyển dụng có trong group sẽ chia sẻ nhiều hơn ở dưới phần cmt, giúp mọi người có thêm tự tin khi ứng tuyển.Chúng tôi không bênh nhà tuyển dụng. Nhưng chúng tôi mong mọi người hiểu, bài viết này được dành cho những ứng viên thật sự muốn cải thiện bản thân hoặc muốn tìm một công việc. Những hạn chế như: HR không thèm trả lời mail, HR deal lương thấp hơn nhiều so với tin tuyển dụng... thì nó cũng phổ biến như ứng viên bùng phỏng vấn, ứng viên nhận đi làm rồi đi làm chỗ khác, ứng viên hẹn gửi CV nhưng mất hút... Và bạn yên tâm nhé. Nếu bạn thật sự là ứng viên xịn, sớm muộn bạn cũng gặp được HR có tâm!

VIII. Kết bài

Bài viết còn nhiều điều trăn trở nhưng đã khá dài. Hẹn gặp mọi người ở post khác, vào một ngày đầu tuần khác, chúng tôi sẽ chia sẻ thêm về câu chuyện tuyển dụng không bao giờ cũ này.

Nguồn: FB