Văn hóa doanh nghiệp hình thành và phát triển song song với sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp. Nó quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp và còn được coi là một tài sản quan trọng cần gìn giữ.

Một doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô, muốn phát triển lớn mạnh thì không thể không xây dựng cho mình một văn hóa doanh nghiệp bền vững. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp đối với một công ty mà nói quan trọng không thua kém những chiến lược kinh doanh. Vậy thì hiểu một cách đầy đủ văn hóa doanh nghiệp là gì? Để trả lời cho câu hỏi này, hãy cùng theo dõi bài viết trình bày chi tiết về vai trò của văn hóa doanh nghiệp, các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp và cách cũng như phương pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp của công ty,... dưới đây nhé!

I. Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Nhà nước thường sử dụng 2 yếu tố là pháp luật và văn hóa xã hội để quản lý và xây dựng một đất nước, doanh nghiệp cũng giống như một mô hình thu nhỏ của một đất nước cần được quản lý, cần được phát triển lớn mạnh. Do đó, để quản trị tốt doanh nghiệp ngoài các yếu tố về nội quy, quy tắc thưởng phạt còn rất cần có yếu tố văn hóa.

Đó là lý do khái niệm văn hóa doanh nghiệp cần xuất hiện trong các công ty, tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp giống như phần hồn của một công ty, là tài sản vô hình vô cùng có giá trị và quyết định đến cả việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức. 

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa doanh nghiệp bao gồm văn hóa giao tiếp, các giá trị cốt lõi trong doanh nghiệp, các quy tắc và phong cách quản lý trong doanh nghiệp, phương thức kinh doanh của doanh nghiệp và cuối cùng là hành vi và thái độ của mọi thành viên, nhân viên trong công ty.

II. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp

Vai trò chủ chốt của văn hóa doanh nghiệp chính là tạo nên sức mạnh bên trong tập thể doanh nghiệp và bên trong mỗi cá nhân thành viên trong doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt là đang xây dựng nền móng vững chắc để doanh nghiệp có thể trường tồn thậm chí vượt xa cuộc đời của những người sáng lập. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp là gì được thể hiện qua:

1. Tạo động lực làm việc

Bạn trong trạng thái làm việc tốt nhất có động lực nhất khi nào: 

  • Khi xác định được mục tiêu lớn, mục tiêu quan trọng nhất, mục tiêu cuối cùng 
  • Làm việc trong một môi trường hòa đồng, thoải mái, được bạn bè tôn trọng
  • Được cổ vũ bởi đồng nghiệp và cấp trên
  • Tự hào và hào hứng với doanh nghiệp mà mình đang làm việc 
  • Có các mức thưởng cho sự cố gắng nỗ lực của bạn thân, có thể bằng hiện vật hay tinh thần.

Tất cả các điều kiện cần trên, văn hóa doanh nghiệp chính là công cụ có trách nhiệm tạo ra. Một công ty có văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ khiến nhân viên luôn tự hào, hào hứng làm việc vì mục đích chung cao cả nhất của toàn doanh nghiệp.

2. Điều phối và kiểm soát sự ổn định cho công ty

Một trong những vai trò của văn hóa doanh nghiệp là điều phối và kiểm soát các hành vi cá nhân bằng các câu chuyện, truyền thuyết, các chuẩn mực, thủ tục, quy trình, quy tắc trong nội bộ doanh nghiệp. Trong trường hợp ban lãnh đạo phải đưa ra một quyết định phức tạp, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững từ trước giúp thu hẹp lại phạm vi các lựa chọn phải xem xét.

3. Giảm xung đột

Trong doanh nghiệp không thể không xảy ra những xung đột. Để giảm các khả năng xảy ra xung đột hay để một xung đột nổ ra đi đến một tiếng nói chung, Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn.

Vai trò của văn hóa doanh nghiệp là quyết định sự thống nhất cách hiểu vấn đề, cách đánh giá và lựa chọn cũng như định hướng hành động nhằm hướng tới hoàn thành các mục tiêu giá trị cao nhất trong doanh nghiệp. Nó giống như một chất keo kết dính các thành viên về mặt hành động và tư tưởng để doanh nghiệp có được sự hòa nhập và thống nhất.

4. Tạo nên lợi thế cạnh tranh

Cạnh tranh ngày nay không còn đơn giản chỉ về mặt chất lượng mà còn là về mặt hình ảnh và các giá trị vô hình khác. Một doanh nghiệp có văn hóa tốt tất nhiên sẽ tạo ra các sản phẩm tốt nhất phục vụ khách hàng và hơn hết có sự thống nhất trong định vị và hình ảnh doanh nghiệp có thể gây thiện cảm và dấu ấn trong lòng khách hàng mục tiêu. Đó là vai trò của văn hóa doanh nghiệp của công ty tạo ra lợi thế cạnh tranh cho công ty đó.

5. Thu hút nhân tài

Một công ty có văn hóa doanh nghiệp tốt đồng nghĩa với việc có một môi trường làm việc thoải mái, tốt đẹp. Môi trường làm việc tốt sẽ thu hút được nhiều các nhân sự tài năng cho doanh nghiệp.

III. Các yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp 

Các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp là gì? 

1. Tầm nhìn - Vision

Đây là yếu tố đầu tiên trong các yếu tố thuộc về văn hóa doanh nghiệp. không có một nhà quản trị nào xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp của họ mà không đặt nó vào mục tiêu và tầm nhìn chiến lược. Tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp là kim chỉ nam cho mọi vấn đề từ văn hóa đê các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các thành viên trong doanh nghiệp làm việc đều vì phục vụ mục đích và tầm nhìn doanh nghiệp. Yếu tố tầm nhìn nghe qua rất đơn giản nhưng đó chính là nền tảng của cả nền văn hóa.

2. Giá trị - Value

Cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp chính là giá trị của doanh nghiệp đó. Các giá trị đóng vai trò như các quy tắc hướng dẫn về hành vi và tư duy để mọi nhân viên trong doanh nghiệp có định hướng cụ thể cùng chung tay thực hiện hóa các mục đích cao cả của doanh nghiệp. Giá trị của doanh nghiệp có thể chỉ cần xoay quanh các chủ đề đơn giản như nhân viên, khách hàng, tính cộng đồng, sự chuyên nghiệp, tử tế…

Không quan trọng các giá trị của doanh nghiệp  có độc đáo hay không mà quan trọng nhất nó có thể duy trì và đóng vai trò định hướng cho các cá nhân trong doanh nghiệp hay không?

3. Thực tiễn - Practices

Thực tiễn là một trong các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp của công ty. Tất cả các giá trị và tầm nhìn bên trên sẽ không có ý nghĩa nếu ta không thực hiện chúng. Ví dụ một tổ chức tuyên truyền giá trị của mình rằng: “Con người là tài sản tuyệt vời nhất” thì tổ chức, doanh nghiệp đó đó cần sẵn sàng đầu tư vào con người theo nhiều cách.

Thực hiện hóa các giá trị trong văn hóa công ty bằng những hành động thực tiễn mới có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp thật sự bền vững và có ý nghĩa.

4. Con người - People

Dù trong thời đại công nghệ thông tin máy móc phát triển thì con người vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong một doanh nghiệp, tổ chức. Vì vậy con người chắc chắn không thể vắng mặt trong danh sách các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp của công ty. 

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa doanh nghiệp là gì? Vai trò của văn hóa doanh nghiệp là gì?

Con người định hình mục tiêu, tầm nhìn, đặt ra các giá trị và tìm các phương án hiện thực hóa các giá trị đó. Giống như nhiên liệu để vận hành máy móc vậy, không có nhiên liệu thì dù máy móc có tốt đến đâu cũng không còn ý nghĩa.

Đó chính là lý do vì sao các doanh nghiệp luôn khắt khe trong việc tuyển dụng chiêu mộ nhân tài. Khi bạn đi phỏng vấn tại một công ty lớn chắc chắn bạn sẽ nghe đến yếu tố: phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ, trong văn hóa doanh nghiệp, yếu tố con người chi phối rất nhiều.

5. Sức mạnh của câu chuyện - Narrative

Lịch sử hình thành doanh nghiệp hay câu chuyện doanh nghiệp là yếu tố mà một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh cần có. Trong các câu chuyện về văn hóa doanh nghiệp đó bao gồm các lý do giải thích cho việc lựa chọn tầm nhìn sứ mệnh mục tiêu, là lịch sử hình thành nên các giá trị và hơn hết là di sản của các thế hệ con người đi trước để lại cho doanh nghiệp đó. 

Văn hóa doanh nghiệp sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi chúng được định hình và tường thuật lại một cách hấp dẫn. Các câu chuyện về Steve Job bỏ học Harvard làm nên ước mơ tỷ đô với Apple, hay niềm đam mê thư pháp từ nhỏ của Steve Jobs đã định hình nên thẩm mỹ văn hóa tại Apple,... là những tài liệu văn hóa doanh nghiệp thú vị với không chỉ nhân viên mà cả khách hàng ngoài kia.

6. Môi trường làm việc mở - Place

Hẳn không ít lần bạn ao ước được làm việc trong môi trường làm việc tại Google với môi trường làm việc có căng tin, khu vui chơi, khu đọc sách, phòng ngủ hay thậm trí cả nhà tắm hơi. Đó là một niềm tự hào trong văn hóa doanh nghiệp google.

Môi trường làm việc thật sự rất quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp. Tại sao các công ty công nghệ lại tập trung tại thung lũng Silicon, tại sao Anh và Mỹ lại là sân chơi của các công ty tài chính? Có nhiều lý do cho câu hỏi trên nhưng câu trả lời rõ ràng nhất là vì nơi đó dễ dàng định hình được văn hóa doanh nghiệp.

Ngoài 6 yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp của công ty như trên đã trình bày, cũng có các yếu tố ảnh hưởng xấu tới việc hình thành và xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đó là:

  • Yếu tố giao tiếp kém
  • Nhân viên tệ
  • Chỉ chú trọng vào lợi nhuận
  • Chống lại sự đổi mới 
  • Quản lý quá chặt hiệu suất làm việc

Mỗi công ty thuộc các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, hướng tới các đối tượng mục tiêu khác nhau thì văn hóa doanh nghiệp của công ty sẽ được chi phối bởi các yếu tố khác nhau khác nữa. Tuy nhiên để có được một nền móng văn hóa vững chắc, đừng bỏ qua 6 tiêu chí mà 123job đã chỉ ra về các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp nhé.

IV. 6 bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp 

Đã nhận thức được văn hóa doanh nghiệp là gì? vai trò của doanh hóa doanh nghiệp cũng như các yếu tố quan trọng cấu thành văn hóa doanh nghiệp là gì? Việc tiếp theo của nhà lãnh đạo là bắt tay vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Có 6 bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp bao gồm:

văn hóa doanh nghiệp

6 bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp

1. Đánh giá văn hóa doanh nghiệp hiện tại

Mọi sự thay đổi hay xây dựng mới đều bắt đầu từ bước đánh giá thực trạng. Thường việc đánh giá văn hóa doanh nghiệp rất khó khăn bởi dễ bị nhầm lẫn giữa các tiêu chí đánh giá và đây là một phạm trù không nhìn thấy được.

Chúng ta có thể đánh giá theo nhiều cách khác nhau như làm khảo sát trong nhân viên hay quan sát chi tiết hoạt động của doanh nghiệp để rút ra các kết luận về văn hóa doanh nghiệp. 

Và khi phát hiện công ty hay tổ chức của mình có các dấu hiệu “độc hại” này thì hãy ngay lập tức có biện pháp xử lý và khắc phục:

  • Tuyển dụng nhân viên liên tục:Việc tuyển dụng nhân viên liên tục chính là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp bạn đang quản lý nhân viên kém và cũng là bằng chứng về việc nhân viên không hài lòng với môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp, không muốn gắn bó lâu dài.
  • Các thói quen xấu của các quản lý và nhân viên: Các thói quen xấu như đi làm trễ, kỷ luật kém, hay nghỉ làm, không hoàn thành deadline, ngồi lê đôi mách, nói xấu gây chia rẽ nội bộ công ty,... cần chấn chỉnh và chấm dứt ngay.
  • Giao tiếp nội bộ kém: Văn phòng không có sự tương tác giữa các nhân viên: không cười đùa, không trao đổi, không tương tác. Đây không phải dấu hiệu của kỷ luật tốt mà là dấu hiệu của sự giao tiếp không thoải mái và khó khăn. Nếu để tình trạng này kéo dài lâu, sẽ dễ dẫn đến những mâu thuẫn phát sinh lớn và sự rời đi của nhân viên,...
  • Thiếu tương tác giữa quản lý và nhân viên: Giao tiếp một chiều giữa quản lý và nhân viên là dấu hiệu không tốt
  • Nhân viên không cởi mở trong việc bày tỏ quan điểm và sự không hài lòng của bản thân: Đây là dấu hiệu của một môi trường dập khuôn, lãnh đạo cổ hủ và tất nhiên thiết tính sáng tạo.
  • Đặt nặng vấn đề khiển trách hơn khen thưởng: nhiều công ty rất nghiêm túc và căng thẳng khi phát hiện lỗi sai hay không đạt được mục tiêu đề ra nhưng lại xem nhẹ việc khen thưởng động viên khi nhân viên hay tập thể làm tốt
  • Cuộc họp quá nghèo nàn ý tưởng và các ý kiến từ nhân viên
  • Nỗi sợ hãi của nhân viên với sếp

2. Xác định văn hóa doanh nghiệp mong muốn

Bức tranh tổng quát bạn muốn vẽ lên cho văn hóa doanh nghiệp là gì? Hãy suy nghĩ kỹ về những điều bạn mong muốn. Một doanh nghiệp không thể tồn tại mà không có nét văn hóa đặc trưng riêng. Tạp chí Harvard Business đã liệt kê ra 8 loại hình văn hóa doanh nghiệp dựa trên tiêu chí: tương tác và khả năng ứng biến trước thay đổi bao gồm: 

  • Quan tâm (caring-culture): Xoay quanh các mối quan hệ và sự tin tưởng lẫn nhau
  • Mục tiêu (purpose-culture): Xoay quanh chủ nghĩa duy tâm và lòng vị tha
  • Học tập (learning-culture): Đặc trưng của sự khám phá, sáng tạo và cầu tiến
  • Tận hưởng (enjoyment-culture): Sự vui vẻ phấn khích khi làm công việc mà mình thích
  • Kết quả (results-culture): Tập trung vào thành tích và những chiến thắng
  • Chuyên chế (authority-culture): Sức mạnh từ sự quyết đoán và quyền chi phối
  • Trật tự (order-culture): Tôn trọng cấu trúc và các luật lệ
  • An toàn (Safe-culture): Luôn chuẩn bị chu đáo và trong tâm thế sẵn sàng

3. Xác định các yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp

Ngày nay có rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn những từ ngữ hoa mỹ và hào nhoáng để nói về văn hóa doanh nghiệp của công ty mình với mục đích làm màu. Ví dụ như một tập đoàn năng lượng hùng mạnh của Mỹ - Enron từng dùng 4 từ sau để nói về giá trị cốt lõi của công ty: Liêm chính - Integrity, Kết nối - Communication, Tôn trọng - Respect, Xuất sắc - Excellence. Thế nhưng với những tuyên bố về giá trị cốt lõi như trên, tập đoàn này đã phá sản vào năm 2002 do bị phát hiện che giấu, khai man sổ sách và lừa đảo, tạo nên một trong những vụ án kinh tế chấn động nhất lịch sử nước Mỹ. 

Vì vậy mà giá trị cốt lõi chỉ nên là những thứ thật sự được coi trọng và đưa vào hiện thực ở doanh nghiệp của bạn. Xác định các yếu tố cốt lõi mà bạn đang hướng tới sau đó bàn bạc và thảo luận chuyên sâu cùng các lãnh đạo, đại diện các tầng lớp nhân viên trong doanh nghiệp để cùng xây dựng những nền móng đầu tiên cho văn hóa doanh nghiệp của công ty. 

Một số câu hỏi nhằm xác định các yếu tố cốt lõi cho văn hóa doanh nghiệp của công ty:

  • Tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp là gì?
  • Bạn muốn doanh nghiệp mình được biết đến với hình ảnh nội bộ thế nào?
  • Mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp có phù hợp với các giá trị cá nhân của các nhân viên hay không?
  • Mục tiêu hướng đến của văn hóa doanh nghiệp là gì? (Tinh thần làm việc, thành công của nhân viên,...)

4. Thu hẹp phạm vi giữa mong muốn và thực tại

Sau khi đã nắm rõ thực trạng, xác định được bức tranh tổng thể và đưa ra được các tiêu chí cần thiết, để có thể lập kế hoạch triển khai cần trải qua một bước quan trọng đó là thu hẹp khoảng cachs giữa giá trị mong muốn và các giá trị thực tại.

Khoảng cách này có thể đánh giá theo 4 tiêu chí: phong cách làm việc, ra quyết định, giao tiếp, đối xử. Và người trực tiếp đưa ra các quyết định thu hẹp phạm vi chính là ban lãnh đạo công ty.

5. Lập kế hoạch triển khai văn hóa doanh nghiệp

Bước đầu tiên trong lập kế hoạch triển khai văn hóa doanh nghiệp đó là thành lập một đơn vị phụ trách văn hóa doanh nghiệp và lên kế hoạch triển khai. Đội này có nhiệm vụ soạn thảo ra một kế hoạch hành động cụ thể bao gồm mục tiêu, hoạt động, thời gian, điểm mốc và trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể trong doanh nghiệp.

Yếu tố gì là ưu tiên? Đâu là chỗ chúng ta cần nỗ lực tập trung thay đổi xây dựng? Cần các nguồn lực gì để triển khai? Ai chịu trách nhiệm về những công việc cụ thể nào? Thời hạn hoàn thành?...

văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp

Sau bước lập kế hoạch là bước công bố và truyền bá rộng rãi ra toàn doanh nghiệp.

Phổ biến chung: Ban hành các quy định, quy chế chung và tổ chức các buổi trò chuyện giữa ban lãnh đạo và tập thể công nhân viên trong doanh nghiệp về giá trị văn hóa của công ty. Giúp đội ngũ nhân viên hiểu rõ và ý thức được lợi ích của văn hóa doanh nghiệp tới sự phát triển của bản thân và công ty.

Thuyết phục nhân viên về những lợi ích của sự thay đổi: Lôi kéo mọi người ra khỏi vùng an toàn thoải mái của họ là một công việc rất khó. Vì vậy người lãnh đạo cần có các hoạt động khuyến khích, động viên và chỉ cho nhân viên thấy lợi ích của họ sẽ được tăng lên ra sao trong quá trình thay đổi.

Cuối cùng là công đoạn ổn định và phát triển. Quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình dài, luôn cần bồi đắp và đánh giá bền bỉ. Các cách để ổn định lâu dài văn hóa doanh nghiệp:

  • Tích hợp các giá trị của văn hóa doanh nghiệp vào các hoạt động hàng ngày của nhân viên
  • Triển khai các hoạt động văn hóa công ty cụ thể như Kiến trúc - nội thất văn phòng, đồng phục, nghi thức, hoạt động team building định kỳ, hệ thống khen thưởng, du lịch công ty,... 
  • Thiết lập hệ thống khen thưởng phù hợp với văn hoá doanh nghiệp
  • Tuyển dụng đúng người: bạn không chọn người giỏi nhất mà hãy ưu tiên chọn người phù hợp nhất với văn hóa doanh nghiệp của công ty.

6. Đo lường và tối ưu văn hóa doanh nghiệp

Các giá trị và tiêu chí trong văn hóa doanh nghiệp cũng cần được phát triển và điều chỉnh sao cho phù hợp với thời thế hay sự thay đổi về tư tưởng trong doanh nghiệp. 

Để có xây dựng được văn hóa doanh nghiệp mạnh, văn hóa doanh nghiệp cũng cần được đánh giá cẩn thận bởi các nhà quản lý. Các bước để tiến hành đo lường văn hóa doanh nghiệp trong công ty gồm:

  • Khảo sát: theo định kỳ thường là hàng năm
  • Đo lường bằng các chỉ số: như Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc (ETR); Chỉ số đo lường sự gắn kết của nhân viên (eNPS); Chỉ số hài lòng của nhân viên (ESI)

V. KẾT LUẬN

Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, như linh hồn của mỗi công ty. Muốn công ty phát triển lâu dài và lướn mạnh, doanh nghiệp cần có nền văn hóa vững bền và hoạt động tuân theo các giá trị của văn hóa đó. Hy vọng thông bài viết này hữu ích đối với bạn - các nhà quản trị tương lai.