Mua hóa đơn đỏ với một số tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh là hoạt động diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên mọi người vẫn chưa có hiểu biết cần thiết về thủ tục mua hóa đơn đỏ và những rủi ro có thể gặp phải. Hãy cùng 123job khám phá nhé!
I. Những khái niệm liên quan tới hóa đơn đỏ
Hóa đơn đỏ là gì?
Hiện nay, không khó để bắt gặp cụm từ hóa đơn đỏ cũng như những thông tin liên quan tới hóa đơn đỏ, đặc biệt là với những nhà kinh doanh hay các doanh nghiệp thương mại. Tuy nhiên, mặc dù thường xuyên tiếp xúc với hóa đơn đỏ nhưng hầu hết mọi người chỉ quan tâm tới việc mua hóa đơn đỏ ở đâu và mua hóa đơn đỏ giá bao nhiêu mà không tìm hiểu về bản chất hóa đơn đỏ là gì cũng như những rủi ro có thể gặp phải. Điều này sẽ dẫn tới những hệ quả khó lường đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng trước hết, mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu về một số khái niệm có liên quan.
1. Hóa đơn là gì?
Trong các giao dịch được tiến hành để thực hiện các hoạt động trao đổi và mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ, người bán sẽ có trách nhiệm lập biên bản kê khai về số lượng và các thông tin hàng hóa hoặc đặc điểm của các loại hình dịch vụ của mình để đảm bảo tuân thủ đúng theo thỏa thuận với người mua cũng như quy định của pháp luật.
2. Thuế giá trị gia tăng là gì?
Thuế giá trị gia tăng (Value Added Tax - VAT) là thuế gián thu được nộp trực tiếp cho ngân sách Nhà nước dựa trên khoản giá trị tăng thêm của các loại hàng hóa và dịch vụ trong suốt quá trình sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Thuế GTGT được phân chia thành 2 loại, trong đó thuế GTGT được tính trên hóa đơn đầu vào sẽ được gọi là thuế GTGT đầu vào và ngược lại. Hết một kỳ kế toán, doanh nghiệp sẽ phải nộp khoản chênh lệch về thuế cho Nhà nước nếu tổng thuế GTGT đầu ra phải nộp lớn hơn tổng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
3. Hóa đơn đỏ là gì?
Hóa đơn đỏ là gì? Hóa đơn đỏ hay còn được biết đến với tên gọi là hóa đơn giá trị gia tăng. Thực chất đây là loại hóa đơn chính thức duy nhất được Bộ Tài chính nước ta ban hành trên thị trường và được áp dụng đối với các doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp khấu trừ trong các trường hợp:
Bán hàng và cung cấp dịch vụ trong nước.
Cung cấp các dịch vụ vận tải quốc tế.
Xuất nhập khẩu hoặc xuất vào khu phi thuế quan.
Xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ với các quốc gia khác.
II. Mua hóa đơn đỏ để làm gì?
Mua hóa đơn đỏ để làm gì?
Như đã trình bày hóa đơn đỏ là gì ở trên, trường hợp nếu như hết một kỳ kế toán mà tổng thuế GTGT đầu ra phải nộp lớn hơn tổng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ thì các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh phải có trách nhiệm nộp thuế cho cơ quan Nhà nước. Do đó, để có thể “trốn thuế” hoặc giảm bớt số tiền thuế phải nộp thì có một số trường hợp các doanh nghiệp hoặc thậm chí là cả các hộ gia đình kinh doanh đã lựa chọn phương án “độn” thuế GTGT đầu vào tăng lên cho cân đối với thuế GTGT đầu ra. Một trong số các phương án được sử dụng ở đây đó chính là mua hóa đơn đỏ.
Việc các doanh nghiệp và hộ gia đình kinh doanh mua hóa đơn đỏ không chỉ giúp hạn chế số tiền thuế phải nộp cho cơ quan Nhà nước mà còn “hợp thức hóa” chi phí kinh doanh tính thuế thông qua hóa đơn chứng từ hợp lệ. Đặc biệt, tình trạng này còn diễn ra rất phổ biến tại các doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong lĩnh vực vận tải, thi công, xây lắp và thương mại, khi mà số tiền lãi thu được còn hạn chế trong khi số tiền thuế GTGT phải nộp tương đối cao. Những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất tại các doanh nghiệp có hiện tượng mua hóa đơn đỏ bao gồm:
Tình trạng xuất khống hóa đơn diễn ra thường xuyên, dẫn tới có sự chênh lệch giữa số lượng hàng tồn kho thực tế và trên giấy tờ hoặc có giá trị nghiệm thu cao hơn nhiều so với đầu vào.
Các hoạt động mua vào của doanh nghiệp không được giải trình một cách minh bạch hoặc thậm chí là không hóa đơn trong khi đầu ra vẫn phải đảm bảo xuất hóa đơn đầy đủ cho khách hàng.
Các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình kinh doanh lựa chọn phương án mua các nguyên vật liệu, hàng hóa với số lượng nhỏ lẻ mỗi lần để chi trả bằng tiền mặt và mua riêng hóa đơn từ “chợ đen”, cá nhân môi giới…
III. Mua hóa đơn đỏ ở đâu?
Một số hóa đơn đỏ hiện nay đã bị sử dụng sai mục đích nhằm “trốn thuế” và “hợp thức hóa” thuế GTGT đầu vào tăng lên trong mỗi kỳ kế toán của doanh nghiệp. Nếu sử dụng cho mục đích này thì chắc chắn các doanh nghiệp không thể mua hóa đơn đỏ tại chi cục Thuế nơi đăng ký giấy phép kinh doanh. Vậy họ đã mua mua hóa đơn đỏ tại chi cục thuế ở đâu và bằng cách nào?
Mua hóa đơn đỏ ở đâu? Trên thị trường hiện nay xuất hiện một nơi được gọi là “chợ đen”, chuyên rao bán cuống vé tàu, vé máy bay và hóa đơn đỏ cùng nhiều loại giấy tờ khác một cách công khai nhằm kiếm lợi nhuận. Đây hầu hết đều là các giấy tờ giả để bán cho các khách hàng có nhu cầu trục lợi bất hợp pháp. Bất cứ ai cần mua hóa đơn đỏ tại Hà Nội cũng đều sẽ được các “cò vé” tại các nhà ga, quán nước… giới thiệu tới địa điểm giao dịch là tại ngã 3 đường Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo hoặc thậm chí là giao dịch ngay lập tức. Điều đáng nói ở đây là khách hàng không cần giấy tờ cũng có thể dễ dàng mua hóa đơn đỏ ở Hà Nội với số lượng tùy thích. Không chỉ diễn ra phổ biến tại Hà Nội mà việc mua hóa đơn đỏ tại TpHCM theo đường “chợ đen” cũng có chung tình trạng như vậy.
Bên cạnh sự quản lý lỏng lẻo và cơ chế xử phạt còn nhẹ của cơ quan Nhà nước thì việc môi giới tràn lan, công khai trên thị trường của các “cò” chợ đen là nguyên nhân chính dẫn tới việc mua bán hóa đơn đỏ bất hợp pháp. Khi tìm kiếm cụm từ “mua hóa đơn đỏ Hà Nội” hay “mua hóa đơn đỏ ở đâu TPHCM” và “mua hóa đơn đỏ tại chi cục thuế” trên google, chắc chắn bạn sẽ thấy có vô vàn quảng cáo dẫn tới địa điểm giao dịch là các khu chợ đen nơi mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng giao dịch giấy tờ giả với số lượng theo ý muốn. Ngoài ra, những thủ tục mua hóa đơn đỏ ở chi cục Thuế có phần phức tạp cũng được coi là một nguyên nhân khách quan của tình trạng này.
IV. Muốn mua hóa đơn do cơ quan Thuế phát hành cần những thủ tục gì?
Muốn mua hóa đơn đỏ ở đâu?
1. Những đối tượng được phép mua hóa đơn do cơ quan Thuế phát hành
Khác với chợ đen, không phải bất cứ ai cũng được cấp phép mua hóa đơn đỏ tại chi cục Thuế mà họ phải nằm trong danh sách những đối tượng sau:
Hộ gia đình, cá nhân đã đăng ký kinh doanh.
Các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không phải là doanh nghiệp, bao gồm hợp tác xã, nhà thầu nước ngoài và ban quản lý dự án…
Các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập theo Luật doanh nghiệp và các quy định khác.
Các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh tính thuế theo phương pháp trực tiếp với tỷ lệ % theo doanh thu.
Các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và tự đặt in hóa đơn. Những doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu dưới 15 tỷ đồng không có quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp các loại tài sản cố định dài hạn như nhà xưởng, phương tiện vận tải và kho hàng… hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên.
Doanh nghiệp tự in và sử dụng hóa đơn nhưng có hành vi vi phạm pháp luật do trốn thuế hoặc gian lận thuế.
2. Thủ tục mua hóa đơn đỏ ở chi cục Thuế
Trước hết, để mua hóa đơn đỏ ở chi cục Thuế thì bạn cần chuẩn bị bộ hồ sơ (2 bản) gồm:
Đơn đề nghị mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành.
Giấy phép đăng ký kinh doanh.
Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn giá trị sử dụng của người đứng tên trong đơn đề nghị mua hóa đơn.
Giấy ủy quyền đối với cá nhân đi mua hóa đơn không phải là quản lý của doanh nghiệp.
Văn bản cam kết về địa chỉ sản xuất, kinh doanh hiện tại hoàn toàn phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền.
Cục trưởng Cục Thuế sẽ tiến hành ra quyết định và niêm yết giá bán hóa đơn theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp khoản chi phí bao gồm giá đặt in và chi phí phát hành. Cơ quan thuế các cấp không được phép thu thêm bất cứ khoản thu nào ngoài giá bán đã niêm yết của Cục trưởng cục Thuế.
Hóa đơn sẽ được cơ quan Thuế phát hành theo tháng với số lượng phát hành lần đầu một quyển không quá 50 số cho mỗi loại hóa đơn. Trong các lần tiếp theo, người mua có thể mua lẻ hóa đơn và được cơ quan Thuế giải quyết bán hóa đơn ngay trong ngày.
V. Hộ gia đình mua hóa đơn đỏ bằng cách nào?
Theo quy định tại điểm a Khoản 2 điều 12 Thông tư số 39/2014/TT-BTC về trách nhiệm mua hóa đơn và khoản 4 điều 1 thông tư số 37/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính về trách nhiệm của cơ quan Thuế, hộ gia đình muốn mua và sử dụng hóa đơn đỏ do cơ quan Thuế phát hành có thể lựa chọn việc xin cấp hóa đơn theo cuốn hóa đơn của chi cục thuế để quản lý sử dụng và chủ động xuất cho khách hàng khi cần nếu dùng thường xuyên hoặc bạn cũng có thể mua lẻ hóa đơn đỏ theo từng lần phát sinh khi có nhu cầu theo thủ tục mua hóa đơn đỏ tại chi cục Thuế như chúng tôi đã trình bày ở trên.
Lưu ý, khi đến mua hóa đơn đỏ ở chi cục Thuế thì hộ gia đình có trách nhiệm ghi hoặc đóng dấu xác nhận tên, địa chỉ và mã số thuế trên liên 2 của mỗi số hóa đơn trước khi rời khỏi cơ quan Thuế. Theo quy định thì cơ quan Thuế chỉ được phép phát hành không vượt quá một quyển 50 số cho mỗi loại hóa đơn trong lần đầu đăng ký. Tuy nhiên trong trường hợp chưa hết tháng mà hộ gia đình đã sử dụng hết số hóa đơn mua lần đầu thì cơ quan Thuế sẽ căn cứ vào thời gian và số lượng hóa đơn sử dụng để quyết định số lượng hóa đơn bán tiếp theo.
VI. Mua hóa đơn đỏ có những rủi ro gì?
Mua hóa đơn đỏ có những rủi ro gì?
Nhưng đã đề cập ở phần trước, việc một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh mua hóa đơn đỏ không chính thức tại các chợ đen nhằm trốn thuế và gian lận về thuế sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Khoan hãy nói về việc mua hóa đơn đỏ tiếp khách, các doanh nghiệp “độn” chi phí tính thuế nhằm làm tăng thuế giá trị gia tăng đầu vào thông qua việc mua hóa đơn đỏ bất hợp pháp đều có những lỗ hổng và dấu hiệu để những người làm công tác kế toán thuế hay cơ quan Thuế dễ dàng phát hiện, một số những ví dụ có thể kể đến như:
Doanh nghiệp không có bất cứ hoạt động vận tải nào nhưng lại luôn có hóa đơn xăng dầu, thậm chí số lượng hóa đơn này còn rất lớn.
Doanh nghiệp không thể giải trình được lý do sử dụng các dịch vụ vận tải khi hoạt động sản xuất và kinh doanh không có nhu cầu nhưng lại luôn có hóa đơn vận tải.
Doanh nghiệp thi công công trình không cần một số loại vật tư, trang thiết bị trong dự toán và quyết toán nhưng lại có hóa đơn cho các loại vật tư này.
Một số giao dịch có hóa đơn nhưng thông tin ghi trong hóa đơn rất chung chung, ngoài ra doanh nghiệp không thể xuất trình các loại giấy tờ khác chứng minh giao dịch là có thật hoặc các hình thức liên hệ với nhà cung cấp đều không rõ ràng.
Nhiều hóa đơn GTGT đầu vào có nội dung gần tương tự nhau với giá trị lên tới 20 - 30 triệu đồng.
Khi sử dụng các loại hóa đơn giả mạo với mục đích trục lợi nhằm trốn thuế và gian lận thuế với cơ quan Nhà nước thì cả bên cung cấp và bên sử dụng hóa đơn đều sẽ bị ngừng hoạt động để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra. Nếu không thể giải trình được các giấy tờ chứng minh có liên quan thì có thể sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn hoặc rủi ro hóa đơn sẽ chịu sự kiểm soát và giám sát rất chặt chẽ của cơ quan quản lý Thuế và các hoạt động tại ngân hàng. Do vậy, việc mua bán hóa đơn trái phép không khác gì việc doanh nghiệp bỏ tiền ra để mua rủi ro về mình.
Ngày nay, những quy định về thuế đối với doanh nghiệp đã được tối ưu hóa rất nhiều, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp được phép ghi nhận chi phí hợp lệ ngay cả khi không có hóa đơn. Ngoài ra các thủ tục đăng ký mua và sử dụng hóa đơn cũng đã được cắt giảm và tiến hành nhanh chóng nên các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đưa ra những phương án hợp pháp để ghi nhận đầy đủ các khoản chi phí tính thuế nhằm đảm bảo quyền lợi mà không cần phải mua hóa đơn đỏ đầy rủi ro.
VII. Kết luận
Trên đây là toàn bộ thông tin về vấn đề mua hóa đơn đỏ cũng như các thủ tục đăng ký mua và sử dụng hóa đơn đỏ do cơ quan Thuế phát hành. Hy vọng bài viết là lời cảnh tỉnh kịp thời dành cho những ai đang có dự định mua hóa đơn đỏ bất hợp pháp để trốn thuế hoặc gian lận thuế. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi bài viết và hẹn gặp lại trong những bản tin tiếp theo của 123job!