Ngày nay Barista luôn là sự quan tâm hàng đầu và nắm một vai trò quan trọng trong các quán cafe, nhà hàng-khách sạn. Vậy Barista là gì? Cơ hội nào mở ra cho những ai đang theo học ngành pha chế? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để được bật mí nhé!
Theo một số tài liệu nghiên cứu của người phương Tây trong lịch sử hình thành nghề pha chế thức uống thì trong tiếng Anh, người pha chế đồ uống được gọi là Bartender, trong tiếng Ý là Barista. Dần về sau này, do tính chất công việc của một Bartender và một Barista hoàn toàn khác nhau nên hai khái niệm cũng được tách ra. Cùng theo dõi tiếp bài viết để tìm hiểu thêm về Barista là gì nhé!
I. Barista là gì?
Barista hay còn được gọi là người pha chế cafe. Họ là người thổi hồn vào các tách cafe bằng cách vẽ và trang trí đầy tính nghệ thuật. Barista thường pha chế những thức uống từ cafe như: Cappuccino, Macchiato, Latte macchiato, Latte, Mocha, cafe Americano…bên cạnh đó còn sáng tạo nên những thức uống đẹp mắt và ngon miệng được nhiều bạn trẻ yêu thích hiện nay như: Espresso đá, Espresso Shakerato, Mocha đá, Cappuccino đá, Freddo…
Barista là gì?
II. Công việc hàng ngày của nhân viên Barista
Barista giữ một vị trí quan trọng trong hoạt động kinh doanh của một nhà hàng, cửa hàng cafe. Bởi nếu được nhâm nhi một tách cafe ngon thì chắc chắn sẽ có rất nhiều khách hàng bị thu hút và đến uống cafe thường xuyên, từ đó giúp tăng doanh số bán hàng cho cửa hàng. Dưới đây là một số công việc cụ thể của Barista mà 123job muốn gửi đến bạn đọc:
- Kiểm tra chất lượng các nguyên vật liệu và chuẩn bị dụng cụ, máy móc thiết bị pha chế.
- Điều chỉnh các thông số trên máy xay, máy pha cà phê đạt chuẩn và kiểm tra nhiệt độ tủ lạnh, tủ đông.
- Cùng với nhân viên phục vụ thì Barista cũng có nhiệm vụ tư vấn đồ uống cho khách tùy theo sở thích
- Sáng tạo, pha chế ra những đồ uống ngon, mới lạ, góp phần tạo nên menu hấp dẫn với khách hàng.
- Thực hiện các thao tác và kỹ thuật chuyên môn của Barista như đánh sữa, xay, nén cà phê, tạo hình nghệ thuật để sản phẩm bắt mắt, ấn tượng và hấp dẫn.
- Đảm bảo vệ sinh khu vực quầy pha chế, các dụng cụ và thiết bị trong suốt quá trình sử dụng và sau khi sử dụng.
- Phối hợp cùng với quản lý nhà hàng để kiểm tra, bảo trì máy móc. Có trách nhiệm kiểm tra và lập hóa đơn nhập hàng hóa.
III. Những yêu cầu cơ bản để trở thành nhân viên Barista chuyên nghiệp
Để làm những công việc trên một cách thành tạo và chuyên nghiệp thì đòi hỏi Barista phải là một quyển từ điển sống về cafe. Lựa chọn cafe như thế nào, kết hợp cùng với những nguyên liệu gì hay rang xay như thế nào để tạo nên vị cafe thơm ngon, khó quên. Tất cả những điều đó đều bắt buộc mỗi nhân viên pha chế phải nắm được. Dưới đây là những yêu cầu cơ bản để trở thành một Barista chuyên nghiệp:
1. Tính cách tỉ mỉ và cẩn thận
Đây là kỹ năng đầu tiên và cũng vô cùng quan trọng mà một barista cần phải có. Bởi sự khác nhau của định lượng và nhiệt độ sẽ đem lại những hương vị hoàn toàn mới mẻ. Trong giai đoạn đánh sữa, Barista phải cẩn thận và thao tác thật chính xác bởi độ mịn và lớp bọt của sữa cũng sẽ khác nhau. Đôi khi đánh sữa quá tay, có thể sẽ phải đổ cả ly cafe đó đi. Đối với các loại cafe như Latte hay Capuchino… đều có những tiêu chuẩn riêng từ ngay chính trong lớp bọt sữa. Chính vì vậy yêu cầu đối với một nhân viên pha chế cần cẩn thận và tỉ mỉ để không làm hỏng đi hương vị của một ly cafe.
Những yêu cầu cơ bản để trở thành nhân viên Barista chuyên nghiệp
2. Thật chăm chỉ và kiên nhẫn với nghề
Thực tế thì các công đoạn pha một tách cafe có hương vị đặc trưng không phải trong “một sớm một chiều” có thể thành thạo được ngay. Học pha chế là cả một quá trình rèn luyện và kiên nhẫn. Nếu ban đầu khi mới bước vào nghề, bạn chưa biết tạo hình cho tách cafe đẹp hay vị cafe làm ra không thực sự ngon. Đừng lo vì để thành công thì chúng ta cần nỗ lực, trong nghề pha chế cũng vậy. Hãy thật chăm chỉ học hỏi những điều mới mẻ nhé!
3. Có khả năng cảm vị tốt
Đây được xem là tiêu chuẩn nâng cao mà một Barista giỏi phải thành thạo. Barista phải có khả năng cảm vị tốt để đảm bảo tất cả các thức uống mà mình phục vụ khách hàng phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về hương vị – màu sắc – chất lượng. Bên cạnh đó, có khả năng cảm vị tốt sẽ giúp cho Barista liên tục sáng tạo ra được những công thức mới.
4. Năng khiếu là một lợi thế
Bên cạnh năng lực, kinh nghiệm và những kiến thức có được thì năng khiếu về nghệ thuật cũng là một lợi thế trên con đường sự nghiệp. Barista cần sáng tạo và có thiên hướng mỹ thuật để vẽ tạo hình cho tách café. Tách cafe được pha bởi một Barista chuyên nghiệp không chỉ ngon về chất lượng mà còn được trang trí đẹp, tạo được dấu ấn đối với thực khách.
Ví dụ như thay vì sáng tạo ra một tách latte được “vẽ” bình thường, Barista sẽ sáng tạo ra hình ảnh đặc biệt hơn để tạo sự ngạc nhiên, thú vị cho khách hàng.
IV. 5 quan điểm sai lầm về nghề Barista mà bạn cần nắm rõ
1. Barista và Bartender là một
Barista là người chịu trách nhiệm pha chế các loại cà phê như: Cappuccino, Americano, Mocha, Macchiato, Latte…và họ thường làm việc trong các quán Cafe, nhà hàng - khách sạn. Còn Bartender là nhân viên pha chế các loại thức uống chứa cồn, chủ yếu là cocktail và họ làm việc chủ yếu trong các quán bar hay tại quầy bar tại nhà hàng - khách sạn. Do đó, có thể thấy rằng Barista và Bartender là hai vị trí công việc hoàn toàn khác nhau cho nên bạn đừng nhầm lẫn nhé.
Barista và Bartender là một - Đây là quan điểm hoàn toàn sai
2. Barista cần phải có năng khiếu bẩm sinh
Năng khiếu bẩm sinh là điều ai cũng mong muốn sở hữu để có thể là chìa khóa mở ra nhiều thành công hơn trong bất kỳ ngành nghề nào. Đầu óc nghệ thuật, vị giác tốt hay khứu giác nhạy cảm… sẽ giúp các Barista dễ dàng pha chế được các loại cà phê ngon, đẹp mắt. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được những điều này.
Chính vì vậy nên năng khiếu bẩm sinh không phải là yếu tố quyết định bạn có làm Barista được hay không mà chính sự nỗ lực luyện tập của bản thân bạn mới là chìa khóa. Bởi nếu bạn là một người có năng khiếu nhưng không có đam mê, nỗ lực thì mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Vì vậy đừng tự ti khi bản thân không có năng khiếu để có thể thành công mà hãy dùng năng lực và trình độ của mình để chứng minh nhé!
Điển hình là những Barista nổi tiếng thế giới như: Hidenori Izaki, Sasa Sestic… cũng mất rất nhiều thời gian để luyện tập, nâng cao tay nghề, cũng như xây dựng phòng cách riêng cho bản thân.
3. Barista là nghề có thu nhập thấp
Theo khảo sát của 123job.vn, mức lương trung bình của Barista mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm thì dao động khoảng 3 – 4 triệu đồng/ tháng. Nếu bạn cố gắng trau dồi kỹ năng pha chế, khi được giao vai trò của một Barista chính thức thì mức lương của bạn sẽ cao hơn.
Còn đối với những Barista có tay nghề khá, đã có từ 1-2 năm kinh nghiệm và làm việc trong các nhà hàng – khách sạn thì sẽ có mức lương dao động từ 5 – 8 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên đây chỉ mới được xem là mức lương cơ bản bởi lương của Barista nhận được còn phụ thuộc nhiều vào năng lực, kinh nghiệm và nơi làm việc, ngoài ra họ còn nhận được thêm tiền Service charge. Chính vì vậy có thể nói so với các nhiều ngành nghề khác, mức lương của nhân viên pha chế cafe hiện nay không phải là thấp.
4. Cơ hội thăng tiến trong nghề không cao
Nhiều người khi bắt đầu theo đuổi ngành pha chế đều giữ trong mình suy nghĩ Barista thì chỉ mãi làm chức vụ đó. Thực tế thì tất cả mọi ngành nghề đều sẽ có lộ trình thăng tiến riêng, quan trọng là bạn có nhận ra được con đường đó hay không mà thôi. Nếu làm việc trong các nhà hàng- khách sạn lớn thì lộ trình thăng tiến của Barista sẽ gồm các cấp bậc sau:
- Phụ Bar có mức lương trung bình từ 3-5 triệu đồng/tháng.
- Bartender Barista có mức lương trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng.
- Bar trưởng có mức lương trung bình từ 7-10 triệu đồng/tháng.
- Giám sát thức uống có mức lương trung bình từ 10-14 triệu đồng/tháng.
- Quản lý thức uống có mức lương trung bình từ 14-20 triệu đồng/tháng.
- Và cuối cùng là vị trí quản lý nhà hàng-Bar có mức lương trên 20 triệu đồng/tháng.
Nếu là người có niềm đam mê với việc kinh doanh, khi tay nghề đã cứng và có vốn thì việc tự mở quán cà phê mang thương hiệu của riêng mình cũng là một ý tưởng kinh doanh mới mẻ. Đây cũng là một hướng đi mà nhiều Barista lựa chọn.
5. Học barista rất khó xin việc
Hiện nay, Barista được đánh giá là một trong những công việc có nhu cầu tuyển dụng cao nên quan điểm học Barista khó xin việc là hoàn toàn không chính xác. Sau khi học xong khóa học pha chế cà phê thì bạn hoàn toàn có thể làm việc trong các quán cà phê, các hệ thống các cửa hàng của các thương hiệu lớn như Highland Coffee, Starbucks, The Coffee House… hay trong các khách sạn – nhà hàng.
Tùy thuộc vào các kỹ năng hiện có và trình độ tay nghề mà bạn lựa chọn môi trường làm việc cho phù hợp. Nếu chưa có bất kỳ kinh nghiệm gì về công việc pha chế cà phê thì bạn hoàn toàn có thể bắt đầu với vị trí phụ bar. Sau đó khi đã trang bị được cho bản thân tay nghề pha chế tốt, kỹ năng giao tiếp tiếng Anh thành thạo thì làm việc tại các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao là sự lựa chọn phù hợp cho bạn.
Quan điểm sai về ngề Barista- Học barista rất khó xin việc
V. Cơ hội việc làm của nghề Barista hiện nay
Nếu trước đây, khi nhắc tới Barista nhiều người sẽ rất ngạc nhiên và đặt ra câu hỏi đây là ngành nghề gì? Nhưng ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, hàng ngàn những nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ uống mọc lên làm cho Barista trở thành ngành nghề “hot” và được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Trong đời sống hiện đại, ngoài tách cafe truyền thống thì vô số các loại thức uống khác lại được nhiều người quan tâm và mong muốn được thưởng thức hơn. Bên cạnh đó, cùng với sự xuất hiện dày đặc của các mô hình cafe công nghiệp như Highlands Coffee, The Coffee House, The Coffee Bean and Tea Leaf, Starbucks… đã khiến cho nghề Barista trở nên “đắt giá” hơn.
Nhu cầu tuyển dụng Barista cao, môi trường làm việc hấp dẫn, linh hoạt, cơ hội việc làm rộng mở… Với những lý do đó, cũng đủ để Barista trở thành con đường lý tưởng dành cho những ai có niềm đam mê đặc biệt với nghề pha chế.
VI. Kết luận
Với những cơ hội việc làm cũng như những lộ trình thăng tiến đã được 123job nêu ở trên thì có thể nói Barista là một lựa chọn thông minh dành cho bạn. Để hoàn thành tốt công việc này thì đừng quên trau dồi cho bản thân những kỹ năng cần thiết đồng thời luôn giữ thái độ làm việc tích cực, chăm chỉ và cố gắng nhé! Chúc bạn thành công!