Các loại cafe đã dần trở thành thức uống quen thuộc và được ưu thích của người Việt Nam. Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn những loại cafe nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới. Hãy cùng theo dõi nhé!

Cà phê là một thức uống quen thuộc không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Dù uống nhiều nhưng có lẽ vẫn chưa hiểu rõ hết và phân biệt được các loại cafe nổi tiếng ở Việt Nam. Hãy cùng chuyên mục Mẹo vặt tìm hiểu qua các loại cà phê nổi tiếng ở Việt Nam cũng như trên thế giới, đặc biệt chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn quán cafe Trung Nguyên lâu đời nhất tại Việt Nam nhé!

I. Tổng quan về cà phê

1. Cà phê là gì?

Cà phê là loại thức uống được ủ từ hạt rang, lấy từ quả của cây cà phê. Các giống cây cà phê được bắt nguồn từ vùng nhiệt đới châu Phi và những vùng Madagascar, Comoros, Mauritius và Réunion trên các khu vực thuộc đường xích đạo. Giống cây này được xuất khẩu từ châu Phi tới nhiều nước trên thế giới và hiện nay đã được trồng tại hơn 70 quốc gia, chủ yếu là các khu vực nằm gần đường xích đạo thuộc châu Mỹ, Đông Nam Á, Ấn Độ và châu Phi. Các loại cà phê được trồng phổ biến nhất là cafe chè, và cafe vối. Sau khi chín, quả cà phê sẽ được hái, chế biến theo nhiều cách thức khác nhau, rang, xay và pha với nước. 

Cà phê là gì?

Cà phê là gì?

2. Lịch sử cà phê

a. Lịch sử cà phê Việt Nam

Cà phê Việt Nam được người Pháp mang sang bắt đầu từ những năm 1850. Vào những năm 1850, người Pháp đã mang cafe du nhập vào Việt Nam cho đến đầu 1900, giống cây cà phê Chè (hay hạt Arabica) đã được trồng ở các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Ninh Bình cũng như một số tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị.

Sau đó, xuất hiện thêm nhiều vườn trồng giống các loại cà phê nổi tiếng ở Việt Nam như cafe Mít (Coffea Exelsa). Và trong khoảng thời gian lâu sau đó, những người Pháp mới bắt đầu trồng những vườn cà phê ở khu vực Tây Nguyên ngày nay.

Thuở ban đầu, giống cây cà phê được trồng ở vùng Tây Nguyên là cafe Chè (hay cafe Arabica). Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, các giống cây Chè này bị thoái hóa do bị rỉ sắt nặng. Do đó, người ta mới bắt đầu thay thế cà phê Chè bằng cà phê Vối (cafe Robusta) và cà phê Mít cho đến tận ngày nay.

Cho đến những năm 1990, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu cafe lớn đứng đầu Đông Nam Á và là nhà sản xuất, xuất khẩu cafe xanh đứng thứ hai trên Thế giới chỉ ngay sau Brazil. Mặc dù vậy, sản lượng cà phê hầu hết chỉ tập trung phần lớn vào giống cà phê Robusta với tổng sản lượng chiếm gần 93%, trong khi đó giống Arabica được những quốc gia châu Âu ưa chuộng hơn lại chỉ chiếm chưa đến 5%.

Trong giai đoạn cải cách, ngành cafe đã phát triển mạnh mẽ ở khu vực Tây Nguyên, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng được quan tâm nhiều hơn, dẫn đến sự phát triển một cách rất nhanh của ngành công nghiệp chế biến các loại cà phê nổi tiếng ở Việt Nam lúc bấy giờ, phải kể đến các thương hiệu rất nổi tiếng như cafe Trung Nguyên năm 1996 và Highlands Coffee năm 1998 với sự thành công lớn trong việc kết nối người trồng cà phê, sản xuất và nhà nước, giúp gây dựng thương hiệu cafe trong nước lẫn trên thị trường quốc tế.

b. Lịch sử cà phê thế giới

Không còn xa lạ với bất cứ ai, cái tên gọi cà phê dùng để chỉ một loại đồ uống được chế biến từ hạt cà phê rang, thu hoạch từ các cây cà phê. Khởi nguồn của các cây này xuất phát từ khu vực vùng nhiệt đới châu Phi và các vùng Madagascar, Mauritius, Comoros và Reunion thuộc Ấn Độ Dương. Cho đến nay các loại cafe đã được trồng tại hơn 70 quốc gia trên Thế giới, phân bổ tập trung ở các khu vực gần đường xích đạo ở châu Mỹ, châu Phi, Ấn Độ và cả Đông Nam Á.

Lịch sử cà phê xuất phát từ những năm 1671, khi những con người chăn dê ở Kaffa (Ethiopia) để ý thấy rằng những con dê sau khi ăn một loại cây có hoa màu trắng, quả đỏ đã chạy nhảy đến tận đêm mà không mệt mỏi.

Những câu chuyện này đã đến tai của những thầy tu ở tu viện gần đó, sau khi đến nơi và kiểm chứng bằng cách uống nước ép từ loại quả lạ lẫm này đã làm họ có thể tỉnh táo để cầu nguyện đến tận đêm khuya. Và như vậy cây cà phê đã được phát hiện ra bằng cách đó.
Cây cà phê thuở ban đầu thì chỉ được trồng ở khu vực châu Phi và Ả Rập nhưng sau đó được nhân giống rộng rãi trên toàn thế giới tại những nơi có điều kiện phong thổ phù hợp. Đến năm 1710, các thương gia từ châu  u đã mang giống cây cà phê về trồng thử tại những khu vườn Châu Âu và Amsterdam là khu vực đầu tiên mà giống cây cà phê nảy mầm.

Khi sự phổ biến và nhu cầu về loại đồ uống cafe này ngày càng gia tăng mạnh mẽ, những người Ả Rập đã mất đi vị trí độc tôn của mình khi các nhà truyền giáo, thương nhân hay du khách, người dẫn thuộc địa mang hạt cà phê đi khắp thế giới và được gieo trồng ở khắp mọi nơi.

Chính vì vậy mà chỉ trong vòng khoảng chừng 100 năm, đã xuất hiện thêm nhiều các loại cafe mới cũng như cafe đã trở thành một loại hàng hóa phổ biến nhất. Đến thế kỉ 18 thì cafe đã trở thành một giống cây trồng đem đi xuất khẩu có lợi nhuận cao nhất trên thế giới.

Xem thêm: Cold brew là gì? Cách pha Cold Brew coffee chuẩn vị barista cần biết

II. Các loại hạt cà phê phổ biến

1. Các loại hạt cà phê phổ biến tại Việt Nam

a. Robusta

Cafe Robusta hay còn được biết đến với tên cafe vối, xuất xứ tại những nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam với nhiệt độ trồng trọt thích hợp từ 25 độ C trở lên. Tại Việt Nam, vùng trồng Robusta nhiều nhất là khu vực Tây Nguyên như một số tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Đắk Lắk,…

Trái ngược với hạt Arabica thanh khiết nhẹ nhàng, Robusta mang vị chua rõ nét và vị đắng đậm đà hơn, đặc biệt hàm lượng caffeine có trong cafe Robusta khá cao, dao động từ 3 - 4%.

Cafe Robusta thích hợp dùng để pha phin cho những người đam mê vị cà phê truyền thống, hoặc có thể phối trộn giữa Robusta với Arabica để có một tách cafe chuẩn vị bản thân yêu thích nhé.

b. Arabica

Cafe Arabica còn được gọi là cafe chè, được trồng nhiều tại những nước có khí hậu ôn đới như khu vực Nam Mỹ, hay các vùng núi cao với nhiệt độ trồng thích hợp từ 15 - 25 độ C.

Cây cafe Arabica thường cao khoảng từ 4 - 6m, quả cà phê hình bầu dục, bên trong chứa hai hạt cà phê. Các nước xuất khẩu hạt Arabica với sản lượng nhiều nhất trên thế giới là Brazil và Columbia, ngoài ra còn có cả Peru, Mexico,…

Arabica có hai dòng chính là Moka và Catimor, được xem là 2 loại cafe thông dụng nhất với hơn 63% lượng sản phẩm chế biến cà phê trên thế giới. Vị của Arabica thì sau khi làm sạch và sấy khô có vị chua thanh pha lẫn chút đắng nhẹ, nước cà phê màu hổ phách trong trẻo.

Hương thơm từ hạt Arabica thanh tao, tùy vào từng vùng thổ nhưỡng mà mùi hương sẽ theo mỗi cung bậc khác nhau, có các loại cà phê mang mùi hương hoa trái kết hợp với mật ong, có loại mang mùi thơm của bánh mì nướng,… cực kì đa dạng và tinh tế.

Tại Việt Nam, hạt Moka có mùi thơm nhẹ nhàng, vị nhạt, còn hạt Catimor thì mùi thơm nồng hơn, vị hơi chua.

c. Culi

Cafe Culi còn có một tên khác là cafe Peaberry, hay đơn giản là cafe Bi. Giống cà phê này thực chất cùng chủng loại với Robusta và Arabica, nhưng điểm đặc biệt là nó chỉ có một hạt. Chính vì vậy, hàm lượng Caffeine có trong hạt cà phê Culi sẽ cao hơn nhiều so với các loại cà phê khác.

Cafe Culi được làm từ hạt cà phê đột biến một hạt được tuyển chọn từ những mẻ thu hoạch cà phê thông thường chứ con người không thể lai tạo được loại giống này, trải qua quá trình rang với công thức riêng biệt, hạt cafe Culi mang hương vị hảo hạng và có giá thành đắt đỏ.

Cafe culi có hương thơm nồng nàn hơn, đồng thời cũng có hàm lượng Caffeine cao hơn bởi cấu tạo đặc biệt.

Nếu hạt Culi của Robusta có độ lan tỏa mạnh, mùi thơm đậm hòa quyện giữa mùi ngọt của mạch nha, mùi của hoa trái, mùi cháy nhẹ,… rất độc đáo. Nếu hạt Culi của Arabica có vị đắng thanh hơn, kết hợp vị chua nhẹ vốn có và hương thơm nồng nàn đặc trưng của Arabica.

Hạt cà phê Culi

Hạt cafe Culi

d. Cherry

Cafe mít hay còn được gọi là cafe Cherry, cafe Libery, là loại cà phê xuất xứ chủ yếu tại các nước Tây Phi, một vài nước châu Á như Malaysia, Philipines,… với hai dòng chính Liberica và Exelsa. Loại cây cafe này có thân cao, lá to màu xanh bóng tương tự như cây mít, nhiệt độ trồng thích hợp khoảng 25 - 30 độ C.

Cafe mít mang hương vị độc đáo đặc trưng, mùi thơm thoảng dịu nhẹ tựa mùi mít, kết hợp vị chua thanh tạo điểm nhấn ngay từ lần đầu tiên.

Cafe mít được chị em phái nữ ưa chuộng nhờ hàm lượng caffeine vừa đủ và vị đắng nhẹ nhàng chứ không đậm chát, có thể phối trộn thêm với các loại cà phê khác để cho ra hương vị cà phê ngon đúng theo ý thích.

e. Moka

Moka là dòng cà phê thuộc cafe Arabica, xuất xứ từ Yemen từ rất lâu trước kia, sau đó dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Hạt Moka theo chân người Pháp du nhập đến với Việt Nam vào những năm cuối thế kỉ XIX và hiện nay được trồng rộng rãi tại Tây Nguyên và khu vực Cầu Đất, Đà Lạt.

Hương vị Moka từ lâu đã làm say lòng biết bao nhiêu người thưởng thức bởi sự khác biệt mà phải tinh tế lắm mới có thể cảm nhận được. Một tách Moka nguyên chất sẽ mang lại vị đắng nhẹ, hòa lẫn với vị chua thanh tao, dậy lên một mùi béo béo của tinh chất dầu có trong hạt.

Khi uống Moka, ban đầu người ta sẽ cảm nhận vị đắng trong vòm miệng, nhưng khi nuốt xuống thì lại để lại vị ngọt hậu và mùi hương cà phê lan tỏa.

2. Cách phân biệt hai loại hạt cà phê Arabica và Robusta

- Hình dáng hạt

Hạt cafe Arabica có hình dáng dài (hình elip), rãnh ở giữa hạt và có hình lượn sóng. Trong khi đó hạt cafe Robusta thì nhỏ hơn và hơi tròn, rãnh giữa thường hay có đường thẳng.

- Hàm lượng caffeine

Hạt cafe Arabica có hàm lượng caffeine trong khoảng 0.9 - 1.7%, trong khi hàm lượng này ở hạt Robusta rất cao: 2.5%. Người nước ngoài rất ưa chuộng hạt cafe Arabica, đặc biệt là những nước phương Tây.

Về hàm lượng chất béo, đường: hạt Arabica chứa hơn 60% là chất béo và gần như gấp đôi lượng đường so với Robusta. Yếu tố này chính là tác nhân lớn nhất ảnh hưởng đến sự khác biệt về hương vị của hai loại cà phê.

- Hương thơm và mùi vị

Hạt cafe Arabica có vị hơi chua, tuy nhiên vị của cafe Arabica không chua hẳn mà khi nuốt vào sẽ có vị đắng, đó được gọi là hậu vị của cà phê. Đặc biệt Arabica sau khi pha chế có mùi hương cực kỳ quyến rũ. Đây là loại cà phê rất được yêu thích ở châu  u với những món đặc trưng như: Espresso, Latte, Cappuccino, ...

Cafe Robusta có vị đắng đặc trưng, hương thơm nhẹ hơn hạt Arabica.

- Màu sắc

Khi rang cùng nhau ở cùng một nhiệt độ, Robusta luôn có màu đậm hơn Arabica và to hơn một ít so với ban đầu rang xay.

Xem thêm: Hạt Quinoa là gì? Có thể ăn hạt diêm mạch thay cơm không và cách chế biến?

III. Các loại cà phê phổ biến

1. Các loại cà phê phổ biến ở Việt Nam

a. Cà phê đen

Cà phê đen là một trong những loại thức uống rất quen thuộc của người dân Việt, vì thế một ly cafe đen đúng nghĩa thì sẽ là một ly cafe nguyên chất được pha từ hạt cà phê xay và không cho thêm sữa hoặc kem, từ đó mà người thưởng thức sẽ có thể hưởng trọn được những hương vị của cà phê mang lại.

b. Cà phê sữa

Cafe sữa đá là một loại thức uống thông dụng tại Việt Nam. Cafe sữa đá theo truyền thống được làm từ cà phê phin với sữa đặc có đường và bỏ đá vào trong một cái ly bằng thủy tinh .

Cà phê sữa đá pha theo phong cách Việt Nam gồm cafe rang xay được pha phin hay pha sẵn với sữa đặc có đường (thông dụng nhất là sữa Ông Thọ) theo tỷ lệ một phần nước cà phê,một hoặc hai phần sữa tùy theo khẩu vị của người uống. Cafe sữa này thường uống chung với nhiều đá. Món cà phê sữa đá cùng với cà phê đen đá là các loại cà phê nổi tiếng ở Việt Nam điển hình như các quán cafe cũng như ở toàn thể khắp đại gia đình Việt Nam.

c. Bạc xỉu

Bạc xỉu là một loại thức uống được làm từ cà phê có pha sữa nhưng phần sữa sẽ nhiều hơn so với phần cà phê. Từ “bạc xỉu” được xuất phát từ tiếng Quảng Đông và được người Hoa dùng phổ biến trong khu vực buôn bán ở Sài Gòn - Chợ lớn thời bấy giờ.

Nếu gọi đầy đủ, nó tên là bạc tẩy xíu phé, trong đó “bạc” có nghĩa là màu trắng, “tẩy” nghĩa là cái cốc không, “xỉu” có nghĩa là một chút và “phé” có nghĩa là cà phê. Nôm na là một loại đồ uống từ sữa nóng và pha thêm một chút cà phê.

2. Các loại cafe Ý nổi tiếng

a. Espresso

Epresso lần đầu xuất hiện tại Ý vào những năm đầu 1930, sau đó lan đến Tây Ban Nha và tạo nên cơn sốt khắp châu Âu, và trở thành một phần không thể thiếu của nền văn hóa cà phê nhân loại.

Là nền tảng cho nhiều loại đồ uống từ cà phê khác như cafe Latte, Mocha, Cappuccino, Americano,... Espresso có vị đậm đặc nhất và được pha chế với rất nhiều loại hạt cà phê, rang xay để tạo thành những thức uống cà phê hấp dẫn.

Một ly cafe Espresso truyền thống được pha bằng máy, sử dụng độ nóng của nước chảy qua cà phê bột được nén ở suất cao để cho ra từng giọt cà phê nguyên chất mà lại không có thêm bất kỳ hương liệu tẩm ướp nào.

b. Cappuccino

Cappuccino là một thức uống cà phê lâu đời nhất của người Ý, được sáng tạo từ cafe Espresso nguyên bản pha với sữa nóng. Cappuccino là một loại đồ uống rất được yêu thích bởi hương vị béo thơm của nó. Một ly cafe Cappuccino cơ bản gồm ba phần đều nhau: cafe Espresso pha loãng, sữa tươi và bọt sữa mịn, dày.

Cà phê phải nén vừa đủ để giữ được vị, cũng như sữa phải đánh ở nhiệt độ nóng theo tiêu chuẩn thì mới làm dậy được mùi thơm sữa tự nhiên và có một chút ngọt ngọt, cuối cùng là một lớp bọt sữa phải đánh nóng sao cho vừa sánh mịn và béo thơm thì mới đạt chất lượng.

Để tách cà phê thêm đẹp mắt và tròn vị hơn, người ta thường rải lên trên ly cafe Cappuccino là bột ca cao, bột quế, dùng kèm với đường hoặc uống chuẩn vị để cảm nhận vị thơm cũng là một sáng kiến hay.

c. Latte

Latte là một thức uống cà phê đến cùng quê hương với Cappuccino và có công thức tương tự nhau với thành phần bao gồm sữa tươi, cà phê và lớp bọt sữa, chỉ khác nhau về tỉ lệ bọt sữa và sữa tươi.

Nếu Cappuccino có lớp bọt sữa dày đầy sự quyến rũ, thì cafe Latte hấp dẫn bởi lớp bọt được tạo hình bắt mắt và tinh tế hơn như hình trái tim, chiếc lá,…

Ngay từ ngụm cà phê đầu tiên, ly Latte sẽ mang đến bạn sự trộn lẫn hài hòa giữa vị đắng thanh tao của Espresso, vị thơm ngọt của sữa và vị béo cuốn lưỡi của lớp bọt sữa, bạn sẽ hiểu được rằng vì sao loại thức uống này lại phổ biến và được ưa chuộng rộng rãi trên khắp thế giới như vậy.

Cà phê Latte là gì?

Cafe Latte là gì?

IV. Các chuỗi quán cafe nổi tiếng ở Việt Nam

1. Trung Nguyên Coffee

Năm 1998 hình thành lên quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên, đặt nền móng cho ngành kinh doanh chuỗi quán cà phê Việt Nam. Đến năm 2015 cà phê Trung Nguyên của Việt Nam trở thành thương hiệu có số lượng lớn nhất trong các chuỗi nhà hàng - cà phê Đông Nam Á với hơn 2.500 địa điểm và cung cấp các loại cà phê nổi tiếng ở Việt Nam. Đến nay, trên khắp các nẻo đường của Việt Nam không khó để bắt gặp tên thương hiệu cà phê Trung Nguyên này.

Năm 2016, cà phê Trung Nguyên thay đổi không gian tập trung vào sự sang trọng cao cấp và đổi tên thành Trung Nguyên Legend Café. Hiện nay có hơn 70 cửa hàng cà phê Trung Nguyên trên cả nước.

Cà phê Trung Nguyên

Cà phê Trung Nguyên

2. Highlands Coffee

Thành lập quán cà phê phê đầu tiên vào năm 2002, hiện nay Highlands coffee Việt Nam đã sở hữu hơn 180 cửa hàng trên cả nước và chiếm thị phần cao nhất theo thống kê vào năm 2015. Menu đồ uống ở đây khá đơn giản chủ yếu là các loại cà phê và thức uống đặc trưng. Giá thành giao động khoảng từ 39-59 nghìn đồng tập trung vào phân khúc khách hàng tầm trung bình cao. Highlands Coffee có không gian đơn giản và thường được đặt ở các trung tâm mua sắm, những góc đường đắc địa thuận tiện cho cả dân văn phòng tụ tập, dân làm ăn gặp gỡ, lẫn cả khách du lịch vãng lai.

3. The Coffee House

Ra mắt vào năm 2014 sau 5 năm hoạt động The Coffee House đã có hơn 100 cửa hàng tại Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Biên Hòa, Vũng Tàu. Quán được xây dựng với không gian rộng rãi, thoáng đãng và có nhiều cây xanh tạo một cảm giác vừa sang trọng vừa gần gũi. Menu đồ uống ngoài các loại cà phê nổi tiếng ở Việt Nam thì có nhiều loại thức uống đa dạng phù hợp với sở thích của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Ngoài ra, nhờ sự thân thiện, phục vụ chu đáo và nhiệt tình của nhân viên phục vụ cũng tạo nên sự thành công cho thương hiệu này.

4. Cộng Cà Phê

Cafe Việt Nam - Cộng cà phê bắt đầu từ năm 2007 là một quán nước giải khát tại hẻm nhỏ ở Hà Nội. Sau 12 năm hình thành và phát triển Cộng đã có hơn 60 cửa hàng trên khắp cả nước và 4 cửa hàng tại Hàn Quốc. Bước vào quán như đang bước vào thời gian những năm 80 đầy hoài niệm, thời kỳ bao cấp khó khăn với các vật dụng xưa cũ được trang trí trong quán. Nước uống đặc trưng và được ưu thích là món cà phê nước cốt dừa vừa thơm mùi cà phê vừa béo ngậy của vị dừa.

5. Starbucks

Đây là thương hiệu quán cà phê đến từ Mỹ, gia nhập vào năm 2013 nay chuỗi cà phê này đã có 34 cửa hàng tại Việt Nam. Định vị của Starbucks coffee là quán cà phê cao cấp tập trung vào tệp khách hàng ngoại quốc và nhân viên văn phòng với giá thành dao động từ 40-100 nghìn đồng mỗi ly.

Xem thêm: Bí quyết để kinh doanh cafe shop hút khách cho người mới bắt đầu

V. Kết luận 

Qua bài viết này, 123job đã mang đến cho bạn nhiều thông tin tổng hợp về các loại cà phê nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới cực kỳ hữu ích và đầy đủ rồi. Nếu có cơ hội, hãy đừng quên trải nghiệm thử nhé! Cảm ơn các độc giả đã theo dõi bài viết của chúng tôi.