Bạn đang thắc mắc Game Designer là gì? Cơ hội và thách thức của Game Designer ra sao? Và cần những yếu tố nào để trở thành Game Designer chuyên nghiệp. Bài viết dưới đây, 123job sẽ giải đáp toàn bộ thắc mắc của bạn.
Game design là một công việc đòi hỏi nhiều kiến thức, trải dài từ lĩnh công nghệ thông tin, lập trình phần mềm, khả năng sáng tạo nội dung… tới lĩnh vực graphic design. Tiềm năng phát triển của một Game Designer cực kỳ rộng mở, cũng tương tự như chính ngành công nghiệp đặc biệt này.
I. Game design là gì?
Ngành công nghiệp game hiện nay đang phát triển lớn mạnh, đúng như những dự đoán của các nhà kinh tế về tiềm năng của nó. Số lượng những ngành nghề liên quan đến sáng tạo game điện tử cũng ngày càng tăng lên theo cấp số nhân. Dựa theo xu hướng đó, có rất nhiều bạn trẻ hiện nay quyết định dấn thân theo đam mê game để học hỏi và làm những ngành nghề liên quan đến game điện tử, đặc biệt là Game design.
Game designer là gì?
Game design là quá trình diễn ra xuyên suốt khi phát triển một trò chơi. Bắt đầu từ công đoạn ấp ủ ý tưởng, sáng tạo những mục tiêu, luật lệ và thử thách nhằm tạo dựng nền tảng cho các trò chơi như board game, card game, trò chơi online nhập vai, chiến thuật… với mục đích cuối cùng là sự tương tác giữa các người chơi và (có thể bao gồm) cả những khán giả đang dõi theo. Game Designer là một công việc mang tính nghệ thuật khi áp dụng những kiến thức của thiết kế và mỹ thuật nhằm tạo nên một sản phẩm trò chơi cho các mục đích khác nhau như: giải trí, giáo dục, tập luyện…
Được bắt tay thiết kế những trò chơi hấp dẫn là công việc mơ ước của rất nhiều game thủ. Không chỉ vậy, ngành công nghiệp game điện tử mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở, môi trường làm việc thoải mái và tràn cảm hứng. Điều quan trọng nhất đó là mức lương khởi điểm của các công việc này thường rất cao. Chính những lý do đó đã thôi thúc nhu cầu học về ngành Game Designer gia tăng.
Đương nhiên, không phải cứ là những game thủ thì sẽ hào hứng với quá trình sáng tạo ra game. Sáng tạo ra trò chơi là một quá trình dài, phức tạp với nhiều giai đoạn nối tiếp, những công việc thứ sinh không tên cần làm để hoàn thành một sản phẩm game đủ tiêu chuẩn để thử nghiệm. Để có thể trở thành một phần của quá trình này, các bạn cần phải xác định rõ ràng rằng quá trình học sẽ không chỉ có những niềm vui giống như khi bạn chơi game, mà còn bao gồm cả những thứ khô khan như là những cuộc thử nghiệm lặp lại liên tục cho đến khi sản phẩm cuối cùng được hoàn thiện.
II. Nghề Game Designer là gì?
Nghề Game Designer là gì? Nghề Game Designer là công việc của một Game Designer và là một phần của quá trình phát triển game. Game Designer là người mang sự sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú của họ và thổi hồn vào những câu chuyện dẫn dắt, những nhân vật ảo, những quy luật trò chơi và cả những yếu tố môi trường vào trong trò chơi. Người làm Game design dùng khả năng sáng tạo của mình giúp hình thành nền móng chung của một trò chơi. Nền móng này bao gồm: dàn ý câu chuyện, nội dung câu chuyện, những nhân vật, những mục tiêu, những quy luật và những thử thách. Nói theo cách bao quát hơn, Game Designer là những người sáng tạo ra cốt truyện mà sau này sẽ phát triển thành sản phẩm game cuối cùng.
Công việc của Game Designer là gì?
Không chỉ mang tới sự mơ mộng đến từ thế giới ảo, người thiết kế game cũng cần có cái đầu thực tế. Game Designer phải tính toán làm sao để những yếu tố trên ảnh hưởng lẫn nhau nhằm tạo ra sức hút đối với người chơi mà vẫn có thể mở rộng khai thác các tiềm năng khác của câu chuyện. Họ cần phải biết được rằng game sẽ được thiết kế như thế nào? trò chơi sẽ bao gồm những điều gì? khi nào thì một nhân vật, sự kiện cần xuất hiện? và tạo sao cần phải làm những điều đó? Hiểu rõ hệ thống phát triển của trò chơi là chưa đủ, Game Designer cần nắm rõ những nguyên lý về đặc điểm tính cách hay tâm lý học nhằm tạo ra điều gì đó mang tính giải trí, và đồng thời tìm ra cách để tất cả những điều phức tạp trên hoạt động trơn tru và ăn khớp với nhau.
Nói đơn giản thì Game Designer là một nghề sáng tạo tự do và ít giới hạn, nhưng để trở thành một nhà Game Designer kì thực phải hiểu biết về nhiều lĩnh vực. Những kỹ năng cần có của một Game Designer trải dài từ lĩnh vực công nghệ thông tin đến những khả năng sáng tạo nội dung và thiết kế đồ họa. Bên cạnh những kỹ năng cứng về công nghệ, Game Designer còn cần là một người kể chuyện tuyệt vời. Vậy nên mặc dù có tiềm năng rất lớn, ngành này vẫn khát nhân sự do những yêu cầu về một nhân sự chuyên nghiệp là rất cao. Đam mê, sáng tạo, kiên trì và bền bỉ là điều kiện tiên quyết để xác nhận lại rốt cuộc bạn có thực sự theo đuổi tới cùng với ngành này hay không.
III. Cơ hội và thách thức của Game Designer
1. Cơ hội
Cơ hội rộng mở là điều có thể nhìn thấy rõ ràng khi nhắc đến ngành nghề thuộc lĩnh vực game nói chung. Với xấp xỉ 2.5 tỷ gamer trên khắp thế giới và giá trị kì vọng thị trường của toàn ngành là 152.1 tỷ đô (theo báo cáo của Newzoo), nền công nghiệp game điện tử không hề có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn có xu hướng bùng nổ ngày càng mạnh mẽ.
Những năm gần đây lượt tìm kiếm của từ khóa “Game Designer” có xu hướng leo dốc thẳng đứng. Đồng hành cùng với xu hướng thế giới, những công ty game đã bắt đầu có dấu hiệu mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam có lẽ là một nguyên nhân khiến cho ngành nghề này được tìm hiểu nhiều như vậy. Sự phát triển của thị trường game đã giúp xã hội định nghĩa lại về tính nghiêm túc của những ngành nghề thuộc thị trường này. Theo đó, nguồn đầu tư đã đổ vào thị trường khiến việc phát triển game trở nên phổ biến hơn gấp nhiều lần so với những năm đầu khi trò chơi điện tử du nhập vào Việt Nam.
Niềm yêu thích game của những game thủ hiện không chỉ còn dừng lại ở việc chơi game mà còn hướng tới việc được làm trong ngành công nghiệp phát triển thần tốc này. Đặc thù của môi trường tự do sáng tạo cũng như niềm đam mê với các trò chơi đã khiến nhiều bạn trẻ đổ xô tìm thông tin về ngành nghề thuộc lĩnh vực này. Điều ấy đã gián tiếp giúp các công ty trò chơi “cần” thêm nhân sự mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ gen Z. Chúng ta có thể thấy rõ điều này thông qua sự phát triển của cộng đồng streamer trong chỉ vài năm trở lại đây.
Không chỉ vậy, là một ngành liên quan trực tiếp đến sự sáng tạo đòi hỏi nhiều chất xám, các công ty game luôn chiêu mộ những nhân tài trong lĩnh vực này với mức lương “hot”, thuộc hàng “khủng”. Chỉ cần bạn giỏi, luôn có một vị trí trong công ty game với mức lương nghìn đô đang chờ đợi bạn. Một chuyên gia Game Designer luôn không lo “bị thất nghiệp”, lại càng không sợ không tìm được một công việc với mức lương tốt.
Một điểm cộng khác cho người theo đuổi nghiệp thiết kế game là môi trường làm việc không chỉ mang tính sáng tạo đầy cảm hứng, mà những kiến thức ngành này mang đến còn giúp các bạn phát triển đa ngành. Nhìn nhận một cách tích cực thì học Game Designer không chỉ luôn “có việc” mà còn có “tiền đồ rộng mở” nữa.
Một số vị trí có thể tham khảo khi trở thành một Game Designer chuyên nghiệp:
+ Game writer
+ Storyline developer
+ Game artist
+ Content designer
+ Programmer/ System designer
+ Level designer
+ User interface designer
+ Lead designer
+ Creative director
2. Thách thức
Để nắm bắt được những cơ hội trên, các bạn cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trên chặng đường trở thành một Game Designer chuyên nghiệp. Như đã trình bày ở trên, nghề Game Designer bao gồm nhiều mảng như biên tập màn chơi (level editing), dựng chuyển động hoạt hình (animating), kỹ năng lập trình, kiến thức mỹ thuật, minh họa, kỹ thuật phần mềm và âm thanh… Và để trở thành một chuyên gia thì kiến thức về những lĩnh vực kể trên không chỉ dừng lại ở mức hiểu biết mà còn phải là những kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu. Đương nhiên một Game Designer không thực sự tham gia vào những công việc chi tiết như lập trình và tạo hình nhân vật như lập trình viên hay chuyên viên thiết kế đồ họa. Nhưng họ bao quát nó, tạo dựng nền tảng cho nó và đôi khi tham gia vào quá trình thiết kế đồ họa. Họ cần phải hiểu những kiến thức đó để có thể chắp nối về cùng một tụ điểm là câu chuyện được dẫn dắt trong trò chơi.
Làm một Game Designer bạn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức
Ở một góc nhìn khác, là Game Designer chuyên nghiệp cũng cần có tư duy lý trí và hiểu biết về kinh doanh vì cuối cùng thì sản phẩm cần tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Thách thức lớn nhất của họ chính là sự thay đổi liên tục của các nền tảng cũng như xu hướng về thể loại game hiện hành. Với mỗi loại hình trò chơi thì quy luật, điều kiện, ngôn ngữ game,thiết kế đồ họa… đều khác biệt.
Một cách thẳng thắn mà nói thì thách thức ngành game đều quy tụ tại một điều kiện: “chất lượng nhân sự”. Các tổ chức, doanh nghiệp mở rộng cửa “chào” bạn, nhưng không phải ai họ cũng “đón” vào. Người làm kinh doanh game luôn có sự hào phóng và những hoài bão lớn, vậy nên họ luôn có những đãi ngộ tốt cho nhân tài không thua kém gì những nhân sự lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy vậy, trước khi đi ứng tuyển bất cứ đâu bạn cần vượt qua thách thức “yêu cầu về kiến thức và kỹ năng”. Trước khi nộp đơn vào bất kỳ một công ty game nào, bạn cần giải quyết bài toán “kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm” cái đã.
IV. Mức lương nghề Game Designer
Và bởi “cần” nhân tài, các doanh nghiệp ngành game với mức lợi nhuận cao sẽ không tiếc đồng lương cho nhân sự, đặc biệt là nhân sự ngành Game Designer. Theo thống kê của Payscale, mức lương trung bình của một Game Designer chuyên nghiệp rơi vào khoảng 63.838 USD. Trong khi thu nhập của một Game Designer khởi điểm từ2200 USD – 3350 USD.
Thu nhập hàng tháng của Game Designer chuyên nghiệp là con số đáng mơ ước
Một Fresher cần phải đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản như biết lên ý tưởng, thiết kế chi tiết kịch bản theo từng cấp level… để có thể nhận được mức lương hơn 2000 USD.
Dù khó nhằn nhưng rõ ràng mức lương ngất ngưởng mà các nhà tuyển dụng đặt ra luôn là chiếc bánh quá hấp dẫn đối với các bạn trẻ có niềm đam mê với game. Vừa được làm việc với điều mình thích lại có mức lương nghìn đô thì công việc này thực sự rất đáng để đánh đổi bạn phải không.
V. Các yếu tố cần có để trở thành Game Designer?
Vậy những yếu tố nào bạn có thể rèn luyện để thử sức với ngành nghề thú vị này?
1. Sáng tạo – Phong cách
Một trong những yêu cầu quan trọng nhất mà các nhà tuyển dụng nhìn vào khi thuê một Game Designer chính là sự sáng tạo mang phong cách riêng. Trong bối cảnh thị trường game bão hòa, làm thế nào để thu hút người dùng chơi game của bạn là câu hỏi lớn nhất mà mỗi doanh nghiệp đều cần có cách giải khác biệt. Để đảm bảo cho sự khác biệt đó được nổi bật trong mắt người chơi, yếu tố đầu tiên chính là sự sáng tạo khi Game Designer. Một trí tưởng tượng sáng tạo “vô cực” là điều kiện khiến trò chơi và chính bạn trở nên đặc biệt. Những trò chơi hiện nay đều có những sự sáng tạo hay ho nhằm thu hút đối tượng người dùng khác nhau. Trong khi Liên minh huyền thoại sở hữu cốt truyện với số lượng nhân vật đồ sộ cùng thiết kế cách chơi chiến lược đầy chất xám thì PUBG lại đem đến sự hài hước cùng khả năng kết nối với đồng đội “xuyên biên giới”. Mỗi game đều cần có một điểm đặc trưng đặc biệt như vậy nên sự sáng tạo như một điều kiện tiên quyết quyết định bạn có phù hợp với vị trí Game Designer hay không.
Sự thú vị tạo nên sức hấp dẫn là điều mà các nhà tuyển dụng luôn kì vọng vào những nhân sựGame Designer. Bạn có thấy bản thân mình sáng tạo và thú vị không? (Nếu không, yên tâm là yếu tố này cũng có thể học và trau dồi như những kiến thức khác)
2. Quan sát tỉ mỉ từng chi tiết
Có một sự thật rằng cùng với sự phát triển về công nghệ thì người chơi càng ngày càng khó tính. Họ cần những game được trau chuốt và tỉ mỉ đến từng chi tiết và càng ngày càng bị thu hút bởi những game có thiết kế sống động và chân thật. Điều này đòi hỏi các Game Designer có tiêu chuẩn cao trong việc thiết kế để phân tích những tiểu tiết và loại bỏ cả những lỗi nhỏ nhặt nhất.
Công việc của một Game Designer đòi hỏi tính tỉ mỉ rất cao
3. Kiến thức cơ bản
Bằng cách học hỏi những công cụ cũng như hiểu về toàn bộ quá trình và có tầm nhìn mở rộng, Game Designer mới có thể xây dựng một bức tranh lớn cho game. Kiến thức cơ bản là cực kì cần thiết cho việc xác lập nền tảng này. Bạn cần am hiểu những kiến thức khác nhau về quá trình xây dựng trò chơi, những giai đoạn khác nhau. Với phần nền móng này thì học càng nhiều càng tốt cho quá trình phát triển sau này.
4. Kỹ năng
Kỹ năng là điều kiện đảm bảo bạn có thể trở thành một Game Designer và cũng là phần bạn có thể luyện tập để thành tài. Những nhóm kỹ năng cần thiết để trở thành một Game Designer bao gồm:
4.1. UI Designers
UI Designer đảm nhận công việc thiết kế giao diện người dùng, đảm bảo sự tương tác diễn ra trong game được dễ dàng. Một UI Designer cần hiểu sâu về những thói quen, tâm lý của người chơi trong những tình huống khác biệt nhằm xây dựng giao diện thân thiện, khiến người dùng tiếp cận với trò chơi một cách hiệu quả.
4.2. Lập trình
Là kỹ năng không thể thiếu nếu bạn muốn trở thành một Game Designer, bạn cần học về lập trình đủ để có thể sáng tạo ra nền móng và các chất liệu cơ bản nhằm minh họa cho ý tưởng và xa hơn là những bản demo hoàn chỉnh nhằm giới thiệu trò chơi của mình. Hiểu biết về lập trình cũng giúp bạn dẫn dắt và trao đổi với các lập trình viên, giúp họ hiểu và hoàn thành những ý tưởng trò chơi một cách trơn tru nhất.
4.3. Đồ họa
Là kỹ năng dựa nhiều vào tài năng, rõ ràng bạn không cần phải đặt nặng vấn đề mỹ thuật khi so sánh với các chuyên viên đồ họa. Nhưng cũng như lập trình, bạn cần có kỹ năng này để phác thảo ý tưởng và giúp quá trình giao tiếp với team Art trở nên trơn tru, tránh tình trạng không hiểu rõ ý do có góc nhìn khác nhau về nghệ thuật.
Kỹ năng thiết kế đồ họa rất quan trọng với một Game Designer
4.4. Làm việc nhóm
Hiển nhiên, khi nói đến Game Designer thì cần có cả một đội ngũ. Việc học cách làm việc nhóm là điều vô cùng cần thiết. Các thành viên cần làm việc chung một mục tiêu, lối suy nghĩ và ý tưởng thì trò chơi mới có thể có được sự thống nhất. Trao đổi ý tưởng, hỗ trợ lẫn nhau cũng là một cách để sáng tạo. Vậy nên cần rèn luyện kỹ năng team-work nếu muốn xin vào một đội ngũ Game Designer.
VI. Làm thế nào để trở thành một Game Designer
Không phải tự nhiên mà thị trường game Việt Nam lại khát nhân sự chất lượng cao làm về Game Designer. Tại Việt Nam hiện nay chưa có một trường lớp chính quy nào tổ chức đào tạo ngành học liên quan đến lĩnh vực này. Hầu hết các nhân sự đều được học ở nước ngoài hoặc thuê ở nước ngoài. Các bạn trẻ đam mê với ngành chủ yếu tìm hiểu về Game Designer thông qua mạng internet. Để trở thành một Game Designer, rõ ràng ràng bạn cần có kiến thức cứng về nhiều lĩnh vực. Nếu như không có khả năng đi du học, bạn có thể nghiên cứu các khóa học online của các trường nước ngoài hay những blog, hội thảo, triển lãm của các nhà thiết kế game. Mày mò và học hỏi bằng cách thực tập tại những công ty chuyên về game cũng là một cách để tiếp cận với ngành nghề này tại Việt Nam.
VII. Kết luận
Là một ngành nghề đầy triển vọng, Game Designer có lẽ sẽ còn trở nên “hot” hơn trong những năm tới đây. Mặc dù chưa có một trường lớp nào tại Việt Nam dạy về nghề nghiệp thú vị và tràn đầy sức sáng tạo này, nhưng vẫn còn có nhiều con đường theo đuổi niềm đam mê. Dự kiến tiềm năng phát triển của thị trường game trong nước sẽ chỉ có dấu hiệu sôi động hơn chứ không hề hạ nhiệt, bạn hãy cứ theo đuổi ngành này bởi còn nhiều cơ hội rộng mở hơn ở phía trước. Biết đâu bạn lại trở thành người đặt nền móng cho việc giảng dạy của lĩnh vực game trong tương lai?
Xem thêm:
Designer là gì? Cơ hội nghề nghiệp của Designer như thế nào?