Mỗi doanh nghiệp khi thành lập và đi vào hoạt động đều cần có số vốn nhất định được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Vậy vốn chủ sở hữu là gì, vốn chủ sở hữu bao gồm những gì? Theo dõi bài viết dưới đây để được 123job bật mí nhé!
Cơ cấu vốn của doanh nghiệp gồm 2 loại: Vốn nợ và Vốn chủ sở hữu (Owner’s Equity). Hiểu biết về vốn chủ sở hữu là gì sẽ giúp những nhà đầu tư, doanh nghiệp có cái nhìn đúng nhất về tình hình tài chính của công ty, từ đó sẽ có những quyết định đầu tư và phát triển đúng hướng.
I. Định nghĩa đúng về vốn chủ sở hữu là gì?
1. Vốn chủ sở hữu là gì?
Định nghĩa đúng về vốn chủ sở hữu là gì?
Vốn chủ sở hữu (Owner’s Equity) là các nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp, có thể bao gồm một hoặc nhiều người. các chủ sở hữu cùng nhau hùn vốn sáng lập công ty; cùng nhau đầu tư, vận hành, phát triển công ty và cùng nhau chịu tổn thất nếu công ty gặp vấn đề.
Vốn chủ sở hữu là một trong những nguồn kinh phí thường xuyên của doanh nghiệp. Chỉ khi nào công ty giải thể hoặc phá sản số tiền còn lại sau thanh toán cho các chủ nợ sẽ được chia cho các chủ sở hữu theo tỷ lệ vốn góp của họ.
2. Công thức tính vốn chủ sở hữu là gì?
Để tính được vốn chủ sở hữu là gì bạn cần xác định được các tài sản sau:
Sau đó áp dụng công thức tính:
Công thức tính vốn chủ sở hữu = Tài sản - Nợ phải trả
Nói chung vốn chủ sở hữu sẽ bằng tổng tất cả tài sản của doanh nghiệp trừ đi số nợ phải trả.
Công thức tính vốn chủ sở hữu là gì?
II. Vốn chủ sở hữu bao gồm những gì?
1. Vốn đầu tư (hay vốn góp) của chủ sở hữu
Đây là vốn đóng góp của chủ sở hữu, các nhà đầu tư, nguồn vốn này có thể là cá nhân, tổ chức, là số vốn thực tế của cổ đông. Số vốn này được quy định theo điều lệ công ty, được góp và ghi nhận theo giá cổ phiếu.
Vốn đầu tư (hay vốn góp) của chủ sở hữu sẽ bao gồm những thành phần sau:
- Vốn góp chủ sở hữu (hay vốn cổ phần): Là số vốn góp thực tế của cổ đông, được quy định trong điều lệ công ty. Nếu đó là công ty cổ phần, vốn góp sẽ được tính giá theo giá cổ phiếu.
- Thặng dư vốn cổ phần: Là số tiền chênh lệch giữa giá phát hành cổ phiếu với mệnh giá thật của cổ phiếu.
Theo quy định của UBCKNN, mỗi cổ phiếu đều có một mệnh giá cố định là 10.000 đồng. Bất kể đó là cổ phiếu của công ty nào, đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán chưa. Mệnh giá cổ phiếu bán ra là 10.000 đồng, nhưng mức giá giao dịch trên thị trường có thể khác.
2. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh
Công ty kinh doanh có lợi nhuận thì một phần trong số tiền đó sẽ được thêm vào vốn chủ sở hữu của công ty theo các quy định hiện hành. Nếu lợi nhuận của công ty càng nhiều thì vốn chủ sở hữu càng tăng.
Lợi nhuận công ty có được từ hoạt động kinh doanh bao gồm:
- Các quỹ như quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư: Các công ty sẽ trích một phần từ lợi nhuận hàng năm để lập các quỹ với mục đích sử dụng khác nhau, chẳng hạn như để dự phòng hoặc có kế hoạch phát triển… Việc thành lập các quỹ và tỷ lệ trích các quỹ cần tuân thủ điều lệ công ty và quy định của pháp luật.
- Lợi nhuận chưa phân phối: Là khoản lợi nhuận chưa chia.
3. Chênh lệch đánh giá tài sản
Các trường hợp có sự chênh lệch về tài sản khi đánh giá bao gồm:
- Chênh lệch khi đánh giá lại tài sản: Trong khi đánh giá lại tài sản doanh nghiệp đang có, có những tài sản (chủ yếu là bất động sản, tài sản của cổ đông, cũng có thể là hàng tồn kho) sẽ xuất hiện sự chênh lệch.
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái: Có thể phát sinh chênh lệch tỷ giá hối đoái ở những trường hợp sau:
a. Khi công ty mua bán, trao đổi phải thanh toán bằng ngoại tệ.
b. Cần định giá lại các tài sản tiền tệ có gốc ngoại tệ;
c. Đổi tiền từ ngoại tệ sang mệnh giá Việt Nam đồng.
4. Nguồn khác
Ngoài những nguồn vốn chủ sở hữu trên thì nhiều công ty, doanh nghiệp còn có các hình thức kêu gọi vốn khác như:
- Cổ phiếu quỹ: giá trị cổ phiếu mà doanh nghiệp có, bao gồm toàn bộ chi phí mua bán và giá trị cổ phiếu tại thời điểm đó.
- Các nguồn vốn đầu tư xây dựng, kinh phí sự nghiệp…
III. Phân biệt vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ
Phân biệt vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ
Nhiều người vẫn thường hay nhầm lẫn giữa hai khái niệm vốn chủ sở hữu là gì và vốn điều lệ là gì là hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên nó lại hoàn toàn khác nhau. Vậy điểm khác nhau giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ là gì? Dưới đây là bảng phân biệt vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ mà 123job muốn chia sẻ tới bạn đọc:
Đặc điểm | Vốn điều lệ | Vốn chủ sở hữu |
Bản chất | Là tài sản ban đầu các thành viên bỏ ra để thành lập công ty đó. | Là tài sản thu được trong khi công ty hoạt động của các thành viên sau khi đã trở thành chủ sở hữu của công ty. |
Chủ sở hữu | Thuộc về cá nhân hoặc tổ chức góp (cam kết góp) để thành lập công ty. | Có thể thuộc về nhà nước, cá nhân, tổ chức đã góp vốn hoặc đang có cổ phiếu của công ty. |
Cơ chế hình thành | Hình thành chủ yếu dựa vào các cá nhân, tổ chức góp (cam kết góp) trong một thời gian nhất định. | Hình thành do các nguồn: Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân góp cổ phần; có sự thay đổi tăng lên hoặc giảm đi hàng năm dựa vào lợi nhuận của công ty. |
Nơi thể hiện | Điều lệ công ty. | Báo cáo kết quả kinh doanh từng thời kỳ. |
IV. Vốn chủ sở hữu tăng, giảm khi nào?
1. Vốn chủ sở hữu giảm
Vốn chủ sở hữu có thể nói là nguồn vốn của một doanh nghiệp. Nguồn vốn chủ sở hữu giảm có ảnh hưởng khá nhiều đến tình hình hoạt động của công ty. Khi vốn chủ sở hữu giảm sẽ dẫn đến số vốn đầu tư của doanh nghiệp giảm, khả năng quay vòng vốn và đầu tư của doanh nghiệp cho các hoạt động kinh doanh, mở rộng sản xuất cũng sẽ giảm. Nếu không khắc phục tình trạng thì doanh nghiệp sẽ nhanh chóng bị thu hẹp quy mô.
Trong trường hợp đó nếu doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường, đầu tư sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp bắt buộc phải đi vay nợ. Nếu vốn chủ sở hữu giảm liên tục mà doanh nghiệp không có cách khắc phục thì số nợ sẽ tăng dẫn đến mất cân đối tài chính và nguy cơ phá sản. Vốn chủ sở hữu giảm điều đó cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong kinh doanh.
Các trường hợp khiến vốn chủ sở hữu giảm bao gồm:
- Doanh nghiệp cần hoàn trả vốn cho chủ sở hữu.
- Cổ phiếu bán ra thấp hơn mệnh giá thật.
- Doanh nghiệp ngừng hoạt động.
- Chi trả thất thoát cho hoạt động kinh doanh.
- (Đối với công ty cổ phần) Hủy bỏ cổ phiếu quỹ.
2. Vốn chủ sở hữu tăng
Một trong những trường hợp khiến vốn chủ sở hữu tăng đó là sử dụng nguồn lợi từ hoạt động kinh doanh để bổ sung. Doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu tăng để tái thiết trong việc đầu tư, phát triển và mở rộng công ty. Các cổ đông cũng yêu cầu doanh nghiệp trích một phần lợi nhuận từ kinh doanh để trả cổ tức.
Vốn chủ sở hữu tăng trong các trường hợp sau:
- Chủ sở hữu góp thêm vốn;
- Bổ sung vốn từ lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp, từ các quỹ thuộc vốn của chủ sở hữu;
- Cổ phiếu phát hành cao hơn mệnh giá;
- Giá trị của quà biếu, tài trợ, tặng trừ đi thuế phải nộp là số dương và được các cấp thẩm quyền cho phép ghi tăng vốn chủ sở hữu.
Vốn chủ sở hữu tăng, giảm khi nào?
V. So sánh vốn chủ sở hữu và giá trị vốn hóa
Trước hết cần hiểu được cách tính vốn chủ sở hữu để có được những số liệu tính toán cụ thể thì mới có thể so sánh được vốn chủ sở hữu với giá trị vốn hóa. Ngoài công thức đã giới thiệu ở trên vốn chủ sở hữu cũng có thể tính theo giá trị sổ sách và giá trị thị trường.
Trên thực tế vốn chủ sở hữu tính theo giá thị trường có thể sẽ cao hơn hoặc thấp hơn giá trị sổ sách. Nếu công ty, doanh nghiệp đó có niêm yết trên sàn chứng khoán thì việc tính toán sẽ dễ dàng hơn.
Ta có công thức tính như sau:
Giá trị thị trường = Tổng số phiếu lưu hành x giá cổ phiếu
Các trường hợp xảy ra bao gồm:
- Giá trị sổ sách lớn hơn giá thị trường: Khi một công ty chấp nhận giao dịch mà giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách có nghĩa là thị trường không còn ủng hộ công ty đó nữa. Chắc hẳn doanh nghiệp đó đang gặp phải rất nhiều khó khăn và điều này đã xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định.
- Giá thị trường lớn hơn giá trị sổ sách: Điều này cho thấy công ty đó đang trên đà phát triển, có tiềm năng. Điều này tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh của công ty, công ty cũng có thể từ nhiều nguồn khác nhau kêu gọi thêm được nhiều vốn đầu tư.
- Giá trị sổ sách bằng giá thị trường: Trường hợp này sẽ làm khó thị trường, không có căn cứ nào để xác định công ty đó là tốt hay xấu.
Có thể so sánh thông qua tỉ số sau đây: Tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách là P/B (P = giá trị sổ sách, B = giá trị cổ phiếu). So sánh tỷ số này với một để có được những nhận xét đúng đắn về tình hình tài chính của một công ty, từ đó có thể đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc phát triển và đầu tư vào công ty.
P/B > 1, P/B = 1, P/B
VI. Kết luận
Vốn chủ sở hữu là điều kiện tiên quyết để các công ty có thể đi vào hoạt động, vốn chủ sở hữu có thể thay đổi tăng lên hoặc giảm đi. Hiểu được định nghĩa của vốn chủ sở hữu và xác định chính xác giá trị của vốn chủ sở hữu sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Trên đây là toàn bộ thông tin về vốn chủ sở hữu là gì và bảng so sánh giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ mà 123job muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hy vọng với những thông tin ở bài viết thực sự giúp ích cho bạn!