Kế toán tổng hợp là phải làm những công việc gì và quy trình kế toán tổng hợp trong doanh nghiệp là như thế nào? Nếu chưa hiểu rõ, hiểu sâu thì hãy cùng 123job tìm hiểu trong bài viết sau đây

Kế toán tổng hợp là một bộ phận quan trọng và không thể thiếu trong các doanh nghiệp, dó đó nhu cầu về việc làm kế toán tổng hợp luôn mở rộng và nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh khi chọn ngành nghề, hướng đi của mình trong tương lai cũng như những người muốn chuyển hướng sang ngành kế toán. Trong bài viết dưới đây, 123job sẽ chia sẻ tới bạn đọc những kiến thức tổng hợp về nghề kế toán tổng hợp và phân tích về quy trình kế toán tổng hợp trong doanh nghiệp nhằm mang đến cho bạn những hiểu biết khái quát nhất và cô đọng nhất.

I. Kế toán tổng hợp là gì?

Kế toán tổng hợp là người phụ trách chung các mảng liên quan đến kế toán trong doanh nghiệp, ghi chép và phản ánh một cách tổng quát trên các tài khoản, sổ kế toán và các báo cáo tài chính theo các chỉ tiêu giá trị của doanh nghiệp.
Kế toán tổng hợp sẽ là người trực tiếp hướng dẫn cho các chuyên viên kế toán của doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ kế toán liên toan. Công việc chính cụ thể của kế toán tổng hợp chính là thu thập, xử lý dữ liệu, các chứng từ của công ty; hạch toán; theo dõi, quản lý công nợ, giá thành thu mua, xuất kho; kiểm tra và giám sát các số liệu kho vận.
Kế toán tổng hợp được xem là trợ lý đắc lực, cánh tay phải của Kế toán trưởng. Vị trí này sẽ trực tiếp giám sát, kiểm tra các công việc của phòng kế toán nhằm đảm bảo sao cho các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đúng với yêu cầu của công ty, doanh nghiệp, đúng với luật thuế hiện hành. Kế toán tổng hợp cũng sẽ chịu trách nhiệm về việc giải trình các số liệu mà mình đã lập trong báo cáo.

II. Công việc của một kế toán tổng hợp gồm những gì?

Công việc của một kế toán tổng hợp khá nhiều và đòi hỏi có trình độ chuyên môn cao để xử lý tốt nhất các đầu công việc của mình và các đầu công việc được cấp trên giao phó thêm. Cụ thể công việc của một kế toán tổng hợp bao gồm các mục như sau:

1. Nhóm công việc hàng ngày

- Kế toán tổng hợp sẽ hướng dẫn và hỗ trợ các nhân viên kế toán khác thông qua việc điều phối các hoạt động và giải đáp thắc mắc
- Tiến hành thu thập và xử lý các thông tin, số liệu kế toán, các chứng từ kế toán thông qua các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
- Thực hiện hạch toán thu nhập, khấu hao, chi phí, tài sản cố định (TSCĐ), công nợ, nghiệp vụ khác, thuế giá trị gia tăng.
- Theo dõi và quản lý các công nợ của doanh nghiệp.
-  Thực hiện tính toán giá thành sản xuất thực tế theo từng sản phẩm; tính tỉ lệ hao hụt nguyên vật liệu, phụ liệu đi kèm và chi phí sản xuất dở dang. 
- Kiểm tra và giám sát việc luân chuyển hàng tồn kho (nhập hàng, xuất hàng và số lượng hàng còn tồn kho), kiểm tra thời gian tồn kho thông qua báo cáo tổng hợp của kế toán kho.

kế toán tổng hợp

Kế toán tổng hợp có khối lượng công việc khá nhiều và cần có năng lực chuyên môn cao

2. Nhóm công việc hàng tháng

- Hàng tháng, kế toán tổng hợp sẽ theo dõi và nắm bắt tình hình số liệu báo cáo kho định kỳ hàng tháng và định mức sản phẩm.
- Thực hiện làm bảng chấm công, tính lương cho cán bộ nhân viên và thực hiện các khoản trích theo lương.
- Tạo bảng phân bổ các chi phí trả trước ngắn hạn, dài hạn, công cụ dụng cụ (CCDC) … và hạch toán các khoản chi phí đó.
- Tính/trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ), hạch toán khoản trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ).
- Kiểm kê tài sản cố định định kỳ 6 tháng/lần
- Đối chiếu và chỉ ra số liệu chi tiết các khoản phân bổ, trả trước, trích trước hàng tháng.
- Thực hiện bút toán phân bổ và kết chuyển.
- Lập Báo cáo thuế theo quy định…; theo dõi việc lập bảng kê hóa đơn GTGT đầu ra, đầu vào, thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
- Lập các Báo cáo Nội bộ theo yêu cầu của cấp quản lý, ví dụ: Báo cáo quản trị (Báo cáo tài chính, Báo cáo tổng hợp chi phí/ doanh thu…)

3. Nhóm công việc hàng quý

- Theo quý, kế toán tổng hợp sẽ lập tờ khai thuế GTGT, TNCN (nếu có).
- Tiến hành lập tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm tính theo quý.
- Thực hiện lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý; các báo cáo nội bộ (theo yêu cầu của quản lý); tổng hợp các số liệu hạch toán từ các phân hệ Phải thu/ Phải trả, Kế toán kho,...; lập bảng cân đối số phát sinh tài khoản.
- Kiểm tra đối chiếu số liệu chi tiết từng phần hành với sổ cái.

4. Nhóm công việc hàng năm

- Đầu năm: Kế toán tổng hợp sẽ nộp Thuế môn bài (với doanh nghiệp đã và đang hoạt động); Nộp tờ khai Thuế môn bài và tiền thuế môn bài (Đối với doanh nghiệp mới thành lập); Thực hiện các bút toán đầu năm tài chính mới như: kết chuyển lãi lỗ năm tài chính cũ và hạch toán chi phí thuế môn bài năm tài chính mới.
- Cuối năm: Kế toán tổng hợp sẽ kiểm tra sự cân đối giữa số liệu kế toán chi tiết và tổng hợp; Kiểm tra số dư cuối kỳ có hợp lý và khớp đúng với các báo cáo chi tiết; lập tờ khai quyết toán thuế TNDN và TNCN; lập Báo cáo tài chính/ Báo cáo quản trị và in sổ sách theo quy định…

III. Quy trình kế toán tổng hợp trong doanh nghiệp

1. Quy trình kế toán tổng hợp trong doanh nghiệp

Quy trìnhkế toán tổng hợp trong doanh nghiệp bao gồm các bước công việc kế toán kế tiếp nhau theo một trật tự nhất định trong thực tiễn nghiệp vụ làm kế toán.

Kế toán tổng hợp

Sơ đồ quy trình kế toán tổng hợp trong doanh nghiệp

* Phân tích cụ thể:

- Quá trình kinh doanh sẽ phát sinh ra các nghiệp vụ kinh tế - tài chính hay các giao dịch. Nhiệm vụ của kế toán tổng hợp chính là tạo ra các chứng từ kế toán (bằng chứng pháp lý) để chứng minh cho sự phát sinh và hoàn thành các giao dịch.
- Bước đầu tiên, kế toán tổng hợp sẽ lập hoặc thu nhận chứng từ gốc. Chứng từ kế toán được lập vào thời điểm phát sinh giao dịch là chứng từ gốc. Đây chính là bằng chứng và căn cứ pháp lý để bộ phận kế toán tiến hành ghi nhận các giao dịch vào những phương tiện nhất định sau khi đã kiểm tra chứng từ, xử lý và phân tích các giao dịch.
- Bước tiếp theo trong quy trình kế toán tổng hợp cho doanh nghiệp là tiến hành ghi chép các nghiệp vụ vào tài khoản và sổ sách kế toán.
- Đây chính là hai bước công việc bắt buộc người kế toán tổng hợp phải thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt kỳ kế toán. Lý do chính bởi vì trong suốt kỳ kế toán tại các đơn vị có hàng trăm hàng ngàn giao dịch xảy ra mà nhiệm vụ của người làm kế toán tổng hợp là phải nhận biết và ghi chép lại các giao dịch đó.
- Các bước tiếp theo trong chu trình kế toán chính là khoá sổ và lập báo cáo tài chính cuối kỳ. 

Như vậy, để thực hiện được các công việc kể ra ở trên trong quy trình kế toán tổng hợp cho doanh nghiệp, người làm kế toán tổng hợp phải am hiểu và vận dụng được các nguyên tắc, chuẩn mực, phương pháp và chế độ kế toán khi xử lý các công việc.

2. Sổ và phiếu kế toán tổng hợp

Sổ kế toán tổng hợp là gì?
Đây chính là một trong các loại sổ sách của kế toán, dùng để làm căn cứ cho việc hạch toán những nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong suốt kỳ kế toán theo nội dung kinh tế và trình tự thời gian có liên quan đến doanh nghiệp. 
Sổ kế toán tổng hợp bao gồm: Sổ nhật ký chung và sổ cái.
Sổ kế toán tổng hợp của các đơn vị công ty, doanh nghiệp bắt buộc phải khoa học, hợp lý và đảm bảo cho việc ghi chép, hệ thống hóa tập hợp các thông tin, phục vụ công tác quản lý kinh tế và tạo điều kiện cho việc kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước. 

Phiếu kế toán tổng hợp là gì?
Phiếu kế toán tổng hợp chính là chứng từ kế toán, do kế toán lập mà khi căn cứ vào đó, người lập phiếu kế toán tổng hợp hoặc kế toán phần hành khác nhận được hạch toán các nghiệp vụ vào sổ, vào nhật ký - chứng từ (NKCT).

IV. Mức lương của nghề kế toán tổng hợp

Ngành kế toán tổng hợp đảm nhận rất nhiều công việc tại các cơ quan và doanh nghiệp, do đó, mức lương của kế toán tổng hợp hiện nay cũng được xem là khá hấp dẫn với nhiều người. Mức lương của kế toán tổng hợp cũng phụ thuộc vào các yếu tố như năng lực, kinh nghiệm, tính chất công việc, quy mô của công ty và theo khu vực làm việc

- Năng lực, kinh nghiệm của người kế toán: Kế toán tổng hợp có năng lực chuyên môn cao, kinh nghiệm làm việc nhiều chắc chắn luôn nhận được mức lương phù hợp và hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, thái độ và tinh thần làm việc cộng với sự đam mê, nhiệt tình trong công việc cũng là yếu tố quyết định sếp có muốn đưa ra mức lương cao đối với bạn hay không. Bạn có năng lực, bạn có trách nhiệm thì không lý gì bạn không nhận được mức lương xứng đáng với mình cả.

- Tính chất, khối lượng công việc được giao: Kế toán tổng hợp với khối lượng công việc nhiều, phải kiêm nhiều công việc, chịu trách nhiệm cao hơn và tính chất công việc quan trọng sẽ nhận lại được mức lương xứng đáng với công sức mà bản thân đã bỏ ra. Không chỉ vậy, đây cũng là cơ hội để chứng tỏ bản thân và học hỏi được nhiều kinh nghiệm quản lý quý giá, tạo nền tảng để trở thành một kế toán trưởng trong tương lai.

- Quy mô, tình hình tài chính của công ty: Đây chính là một trong những yếu tố lớn ảnh hưởng đến mức lương của kế toán tổng hợp hiện nay. Khi bạn làm việc trong một doanh nghiệp lớn, hệ thống bộ máy nhân sự, hành chính, kế toán chuyên nghiệp thì điều hiển nhiên là mức lương sẽ khác với những công ty có quy mô vừa và nhỏ. Các công ty làm làm ăn phát đạt, thu về lợi nhuận cao thì khả năng chi trả lương cho nhân viên cũng tốt hơn.

- Khu vực làm việc: Tùy thuộc vào mức sống ở các khu vực địa lý khác nhau mà khả năng chi trả lương cho nghề kế toán tổng hợp cũng khác nhau. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì mức lương kế toán tổng hợp sẽ cao hơn so với khu vực tỉnh lẻ, nông thôn. 

Bảng lương nghề kế toán tổng hợp theo kinh nghiệm và địa lý:

 2 - 5 năm> 5 năm
Hà Nội≈ 6 triệu≈ 9 triệu≈ 15 triệu
TP HCM ≈ 7,5 triệu≈ 10 triệu≈ 17 triệu
Đà Nẵng≈ 5,5 triệu≈ 7 triệu≈ 10 triệu

 

V. Quyền hạn, quan hệ và yêu cầu công việc đối với kế toán tổng hợp

1. Quyền hạn của kế toán tổng hợp:

- Có quyền trực tiếp yêu cầu các kế toán viên điều chỉnh nghiệp vụ khi phát sinh sai
- Có quyền yêu cầu trực tiếp các kế toán viên cung cấp các báo cáo kịp thời đầy đủ theo quy định

2. Quan hệ liên quan:

-  Nhân sự chỉ đạo và báo cáo phụ trách của phòng Kế toán - tài vụ
- Tiếp nhận thông tin và thông tin trực tiếp đến các kế toán viên
- Đảm bảo yêu cầu bảo mật thông tin kinh tế - tài chính
- Liên hệ tới các bộ phận khác thông qua phụ trách của phòng kế toán - tài vụ hoặc theo quy định kế toán của doanh nghiệp

3. Yêu cầu công việc kế toán tổng hợp

- Nắm vững chuyên môn nghiệp vụ kế toán, các quy định về thuế, có khả năng tổng hợp vấn đề và nắm vững các chế độ kế toán.
- Có năng lực hướng dẫn, tổ chức, sắp xếp và xây dựng kế hoạch để thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
- Khả năng tổng hợp và phân tích báo cáo tài chính, các chỉ tiêu tài chính. Thi hành các nhiệm vụ kế toán một cách chính xác và đúng quy định.
- Hiểu biết cơ bản về lĩnh vực kinh doanh, các quy trình sản xuất và mua bán sản phẩm trong công ty
- Thành thạo các kỹ năng tin học văn phòng, phần mềm kế toán

Ngoài một số yêu cầu về kỹ năng nói trên thì Kế toán tổng hợp cần phải có thêm một số yêu cầu về phẩm chất. Đặc trưng của công việc kế toán tổng hợp là làm việc chủ yếu với những con số. Vì vậy công việc kế toán nói chung gặp khá nhiều áp lực. Đặc biệt là vào các dịp cao điểm như cuối tháng, cuối năm, cuối kỳ kế toán, lễ tết. Đây cũng là lý do chính khiến các kế toán viên luôn là cái tên bị “réo gọi” mỗi kỳ lương thưởng. Chính vì vậy tố chất cần phải có mà nhà tuyển dụng kế toán tổng hợp yêu cầu đó chính là sự kiên nhẫn. Kế toán viên không những là người chịu được áp lực công việc cao mà còn phải vô cùng cẩn thận, kiên nhẫn. Do công việc liên quan trực tiếp tới tiền nên đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Chỉ một lỗi nhỏ như nhầm dấu chấm thành dấu phẩy cũng khiến nội dung sai lệch rất lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến doanh nghiệp. 

Ngoài ra, các kỹ năng cần có khác như quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng đàm phán thương lượng… sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều khi làm một kế toán tổng hợp. 

VI. Để thành công trong nghề kế toán

1. Năng lực chuyên môn cao

Một kế toán tổng hợp nắm vững năng lực chuyên môn cao và không ngừng trau dồi kinh nghiệm nghiệp vụ sẽ dễ dàng có thể ứng tuyển vào những vị trí công việc cao tại các doanh nghiệp lớn, ngân hàng hay các tổ chức tài chính. Và để đạt được năng lực chuyên môn cao thì ngay từ khi còn học trên ghế nhà trường, bạn phải chuyên cần học tập thật tốt kiến thức chuyên ngành được giảng dạy, đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm và luyện tập thói quen quan sát các vấn đề kinh tế, tài chính đang diễn ra.

2. Cẩn thận, tỉ mỉ và trung thực

Kế toán tổng hợp nói riêng và kế toán nói chung là người làm việc trực tiếp với con số liên quan đến tiền bạc và chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho doanh nghiệp của bạn và có thể là cho chính bạn. Vì vậy khi làm việc, bạn phải hết sức cẩn thận và chú ý tỉ mỉ trong toàn bộ quá trình làm việc từ tính toán các con số đến cách diễn giải, trình bày sao cho rõ ràng, dễ đọc nhất. Và quan trọng hơn cả, hãy là một người kế toán trung thực, vì chỉ có trung thực thì mới nhận được sự tín nhiệm của người khác và chỉ có trung thực mới có thể phát triển một cách chính đáng nhất trong nghề kế toán

kế toán tổng hợp

Trung thực là yếu tố hàng đầu một kế toán tổng hợp cần có để thành công trong công việc

3. Khả năng tư duy, logic

Công việc của một kế toán tổng hợp chính là làm việc với các con số, bảng biểu, cho nên bạn cần phải có một khả năng tư duy toán học và logic tốt để có thể hiểu hết các vấn đề, sau đó lập báo cáo và giải trình một cách lưu loát, thành thục.

4. Thành thạo kỹ năng tin học và ngoại ngữ

Không chỉ riêng ngành kế toán tổng hợp mà tất cả mọi ngành nghề đều có yêu cầu về tin học và ngoại ngữ. Đây chính là hai yếu tố quan trọng, bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng khi đi phỏng vấn và còn là công cụ đắc lực hỗ trợ cho công việc của bạn. Kỹ năng tin học văn phòng dành cho kế toán tổng hợp chủ yếu chính là thành thạo Excel và các phần mềm kế toán. Kỹ năng ngoại ngữ sẽ giúp bạn tự tin giao tiếp với các đối tác hay khi đọc hiểu các tài liệu, báo cáo bằng ngôn ngữ nước ngoài. Hãy nhớ rằng, chúng ta đang sống trong nền kinh tế hội nhập, bạn muốn tiến xa hơn trong công việc, có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài thì ngay từ bây giờ hãy trau dồi kỹ năng tin học và ngoại ngữ cho mình. Đây chính là chìa khóa mở ra những cơ hội mới, hấp dẫn hơn và nhiều trải nghiệm hơn.

5.  Có kiến thức về pháp luật

Không chỉ riêng kế toán tổng hợp mà tất cả những ai làm trong ngành kế toán cũng cần phải có hiểu biết về pháp luật, các quy định, luật doanh nghiệp, luật thương mại; các luật về thuế, đất đai, hóa đơn, lao động, bảo hiểm, chứng khoán, … Việc nắm rõ các kiến thức về luật sẽ giúp các kế toán tránh các rủi ro trong nghề cũng như rủi ro cho doanh nghiệp.

VII. Kết luận

Kế toán tổng hợp là một vị trí không thể nào thiếu được trong doanh nghiệp và nhu cầu tuyển dụng luôn lớn, đồng thời cũng là một công việc có yêu cầu cao. Theo đuổi nghề kế toán tổng hợp đòi hỏi bạn cần có sự kiên trì và sự nỗ lực rất lớn. Đổi lại nghề kế toán tổng hợp cũng mang lại cho bạn những trải nghiệm và cơ hội việc làm tốt nhất với mức lương hấp dẫn nhất. Nếu đã đủ đam mê công việc này thì còn ngần ngại gì mà không tạo ngay CV xin việc kế toán tổng hợpvà ứng tuyển đi làm luôn thôi nào.