Nếu bạn đang chuẩn bị học hoặc làm trong ngành kế toán, bạn thắc mắc về vị trí kiểm toán chi phí nội bộ doanh nghiệp làm gì thì hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé, chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin cần thiết cho bạn.
Kế toán được coi là “trái tim”, bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong bất cứ doanh nghiệp nào. Nhưng bạn có biết bộ phận kế toán có bao nhiêu vị trí không? Bạn có biết kiểm toán chi phí nội bộ doanh nghiệp có vai trò như thế nào? Chi phí trong doanh nghiệp gồm những loại nào? Tất cả những thông tin liên quan đến kiểm toán chi phí nội bộ doanh nghiệp sẽ được đề cập đến trong bài viết dưới đây.
I. Kiểm toán chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng
Kiểm toán chi phí nội bộ
1. Phân tích, đánh giá khái quát
a) Thu thập, kiểm tra và nhận xét tổng quát chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp
Kiểm toán viên sau khi thu thập đầy đủ thông tin hãy lập bảng so sánh báo cáo hoạt động kinh doanh giữa các kỳ trong năm, kết hợp so sánh với số liệu bình quân trong ngành. Từ đó rút ra nhận xét, đánh giá khái quát nhất về sự thay đổi, biến động của chi phí và tỷ trọng chi phí trên doanh thu để xem lợi nhuận của doanh nghiệp ra sao.
b) Đối chiếu chi phí thực tế với chi phí dự toán
Trong kế hoạch kinh doanh lúc nào cũng sẽ có chi phí dự toán, thông qua báo cáo này nhà quản lý có thể hoạch định mức chi phí dự kiến, so sánh với chi phí thực tế. Từ đó rút ra số liệu sai lệch và kinh nghiệm khi làm những dự án sau, cũng như có biện pháp xử lý các tình huống trục trặc.
Bên cạnh việc so sánh chi phí thực tế với dự toán thì việc so sánh số liệu chi phí năm ngoái với năm nay, tháng trước với tháng sau,... theo từng khoản mục cũng là một phương pháp tốt để quản lý, kiểm soát tài chính của công ty.
c) Kiểm tra sai lệch, khác biệt về con số
Là một kiểm toán viên bạn có trách nhiệm phải kiểm tra thật kỹ để tìm ra nguyên nhân những sai số chi phí. Bằng việc kiểm tra, đối chiếu sổ sách kế toán, từ những chứng từ gốc có liên quan với những chi phí được ghi chép để tìm ra sai số, những điểm khác biệt để tránh lãng phí và mất ngân sách của doanh nghiệp.
2. Kiểm toán chi phí đặc biệt.
Bên cạnh những sai số bên trên, sẽ có những chi phí đặc biệt, chiếm tỷ trọng không đáng kể, cũng có thể là những sai phạm khi quảng cáo, tiếp khách hay tiền hoa hồng,... Kiểm toán viên cần xác thực thông tin, kiểm tra kỹ, chi tiết những chi phí này.
3. Kiểm toán chi phí được giảm.
Một số khoản giảm phí trong tháng, quý cần được kiểm tra chi tiết, chính xác. Xác nhận độ chính xác của thông tin, được ghi chép ở đâu, có phù hợp với yêu cầu của quy chế kế toán hay không ?
II. Kiểm toán chi phí tiền lương
Kiểm toán chi phí tiền lương
1. Mục tiêu kiểm toán chi phí tiền lương
Bên cạnh những mục tiêu chung của kiểm toán chi phí tiền lương, kiểm toán viên cũng cần phải lưu ý một số điểm dưới đây:
- Xác định tính pháp lý trong hợp đồng lao động với mức tiền lương của nhân viên? Trong hợp đồng lao động cần xem xét việc chấp hành Luật Lao động, các quy định về thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn,...
- Đảm bảo tuân thủ điều lệ đã ký với nhân viên trong hợp đồng lao động
2. Kiểm soát chi phí nội bộ đối với tiền lương.
Để kiểm toán chi phí nội bộ hữu hiệu đối với tiền lương, cần lưu ý những điểm sau :
a) Kiểm soát chi phí tiền lương bằng dự toán:
Hoạch định và theo dõi việc thực hiện các bảng dự toán tiền lương là một cách dễ dàng, hữu hiệu để kiểm soát chi phí tiền lương, tránh gây lãng phí ngân sách doanh nghiệp. Nhiệm vụ của kế toán trưởng hàng tháng là tổng kết, đối chiếu, kiểm toán chi phí tiền lương thực tế với dự toán để báo cáo chính xác nhất với ban giám đốc quản lý. Kiểm soát chặt chẽ chi phí tiền lương để phát hiện kịp thời những sai lệch, khác biệt trong ngân sách chi tiêu của doanh nghiệp.
b) Báo cáo trung thực về quản lý lao động tiền lương cho cơ quan chức năng của Nhà nước:
Phòng kế toán của doanh nghiệp có trách nhiệm ghi chép, lưu trữ và báo cáo chính xác, trung thực, nghiêm túc các chi phí tiền lương của nhân viên theo đúng quy định cho các cơ quan chức năng của Nhà nước về quản lý lao động tiền lương.
c) Phân công trách nhiệm trong công tác lao động tiền lương :
Để giảm bớt khả năng sai phạm, quan liêu khi kiểm toán chi phí nội bộ doanh nghiệp phải phân chia trách nhiệm với từng chức năng riêng như:
- Chức năng quản lý nhân sự.
- Chức năng quản lý lao động.
- Chức năng tính và ghi chép lương.
- Chức năng phát lương
3. Kiểm toán chi phí tiền lương.
a ) Tìm hiểu về kiểm toán chi phí nội bộ đối với tiền lương.
b) Áp dụng các thủ tục phân tích kiểm toán chi phí nội bộ
Kiểm toán viên có thể áp dụng một số thủ tục phân tích kiểm toán chi phí sau đây :
- So sánh chi phí tiền lương kỳ này với các kỳ trước, kết hợp đối chiếu với sản lượng sản xuất hoặc tiêu thụ.
- Đối chiếu tỷ lệ chi phí nhân công trực tiếp trên giá vốn hàng bán theo từng kỳ
- So sánh bằng biểu đồ chi phí tiền lương giữa các tháng, kết hợp đối chiếu với sản lượng sản xuất hoặc tiêu thụ.
c) Thực hiện các thử nghiệm đối với một số thời kỳ được chọn trong năm :
- Kiểm tra, xác thực tên, mức lương trên bảng lương tương đương với hồ sơ nhân viên tại bộ phận nhân sự.
- Kiểm tra số giờ công, ngày công được tính trên bảng lương với thực tế các thẻ thời gian và bảng chấm công. Nếu nhân viên được tính dựa trên chỉ tiêu KPIs, kiểm toán viên đối chiếu số lượng sản phẩm nhân viên hoàn thành trên bảng lương với số lượng sản phẩm thực tế nhập kho, hoặc sổ sách theo dõi sản xuất.
- Kiểm tra, đối chiếu việc khấu trừ lương trên bảng lương.
- Kiểm tra, xác thực kết quả tính toán trên bảng lương.
- Đối chiếu tổng tiền tính trên bảng lương với thông tin số liệu trên phiếu chi trả lương.
- Kiểm soát chi phí chung khi phân bổ tiền lương.
- Kiểm tra, xử lý các khoản lương chưa lĩnh của nhân viên.
d) Theo dõi, kiểm tra việc chấm công hoặc dùng máy ghi giờ.
e) Theo dõi việc phát lương cho nhân viên.