Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong những ngôi trường chuyên đào tạo ngành kinh tế chất lượng hàng đầu cả nước. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về NEU và tìm hiểu xem có nên đăng ký nguyện vọng vào trường không nhé!

Nhắc tới NEU, người ta hay nhắc tới việc điểm chuẩn đại học kinh tế quốc dân luôn nằm trong Top đầu cả nước, cơ sở vật chất hiện đại, có nhiều hoạt động cho sinh viên, chất lượng đào tạo hàng đầu cả nước… Với hơn 60 năm hình thành và phát triển, trường đã đạt được rất nhiều những giải thưởng cao quý và ngày càng thu hút được nhiều sinh viên theo học. Cùng theo dõi tiếp bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về điểm chuẩn Đại học Kinh tế Quốc dân, thông tin tuyển sinh Đại học Kinh tế Quốc dân, cơ sở vật chất cũng như những điều thú vị về trường nhé!

I. Giới thiệu chung về Đại học Kinh tế Quốc dân

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được thành lập theo Nghị định số 678-TTg vào ngày 25/1/1956 với tên gọi ban đầu là Trường Kinh tế Tài chính. Vào ngày 22/5/1958, Thủ tướng Chính Phủ ra Nghị định số 252-TTg về việc đổi tên trường thành Trường Đại học Kinh tế Tài chính trực thuộc Bộ Giáo dục.

Vào tháng 1 năm 1965 Trường lại một lần nữa được đổi tên thành trường Đại học Kinh tế Kế hoạch. Ngày 22 tháng 10 năm 1985, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 1443/QĐ-KH về việc đổi tên Trường thành trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Giới thiệu chung về Đại học Kinh tế Quốc dân

Giới thiệu chung về Đại học Kinh tế Quốc dân

Xem thêm: Đại học Bách khoa Hà Nội - Chất lượng tạo dựng danh tiếng

II. Môi trường đào tạo của Đại học Kinh tế Quốc dân

1. Về chương trình giảng dạy

Theo thông tin tuyển sinh Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện nay trường đào tạo 33 ngành với 80 chương trình đào tạo khác nhau, trong đó có 08 chương trình đào tạo bằng Tiếng Anh, có 10 chương trình Chất lượng cao; 03 chương trình Tiên tiến, 05 chương trình định hướng ứng dụng (POHE) và có tới hơn 20 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Các ngành và các chương trình đào tạo của Trường bao trùm gần như toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế.

2. Về cơ sở vật chất

Nhắc đến NEU, bên cạnh việc nổi tiếng bởi điểm chuẩn Đại học Kinh tế Quốc dân luôn nằm trong Top đầu các trường đại học trên cả nước mà trường còn có cơ sở vật chất, hạ tầng hết sức khang trang và hiện đại.

Các phòng học đều có máy tính cho giáo viên, được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại như máy chiếu, âm thanh, điều hòa... Hệ thống đèn led hiện đại chạy dọc sảnh hành lang, có Wifi miễn phí phủ kín trong và ngoài tòa nhà giúp phục vụ cho công tác giảng dạy và việc học tập của sinh viên.

Một góc thư viện của trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Một góc thư viện của trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Không chỉ vậy, thư viện của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng thuộc hàng "xịn sò". Thư viện mang tên Phạm Văn Đồng - Được lấy tên theo tên vị hiệu trưởng đầu tiên của trường. Thư viện được thiết kế rất sáng tạo, hiện đại mang lại sự thoải mái cho sinh viên. Tại thư viện, có vô vàn đầu sách khác nhau đủ mọi lĩnh vực từ chuyên ngành đến khoa học, công nghệ, xã hội... Thậm chí, thư viện cũng là một background check-in siêu xịn sò cho các tín đồ mê "sống ảo" nữa đấy.

3. Đời sống sinh viên

  • Sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân cực kỳ năng động với hàng chục những câu lạc bộ, các sự kiện ngoại khóa như: CLB Tiếng Anh Kinh Tế (EEC), CLB Du lịch, Hội sinh viên tình nguyện, CLB Nhà kinh tế trẻ (YEC)…
  • Nằm trong khối liên minh Bách – Kinh – Xây và là trường có nhiều nữ sinh nhất, Đại học Kinh tế Quốc dân lúc nào cũng được các anh hàng xóm là Bách Khoa, Xây dựng sang thăm và tất nhiên cũng có không ít những mối tình sớm nở tối tàn tại đây.
  • Đi dạo trong khuôn viên NEU, bạn sẽ ngỡ như đang đi lạc vào “Pari Fashion Week” và mỗi sinh viên của NEU trông như một Fashionista.
  • Tranh thủ dạo quanh sảnh G vào đầu năm học, vào những dịp tuyển sinh đại học Đại học Kinh tế Quốc dân bạn sẽ được thưởng thức đầy đủ các thể loại nghệ thuật khác nhau hát, múa, nhảy.. của các anh chị khóa trên dành cho sự kiện Tân sinh viên để chào đón các em đầu khóa.

Xem thêm: Đại học Thương mại tuyển sinh những ngành nào, điểm chuẩn, chỉ tiêu tuyển sinh?

III. Các chuyên ngành đào tạo của Đại học Kinh tế Quốc dân

1. Đại học Kinh tế Quốc dân đào tạo những ngành nghề gì?

Theo thông tin tuyển sinh Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2022 trường đào tạo các ngành như: Kinh tế quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế, Marketing, thương mại điện tử, quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, luật, luật kinh tế, quan hệ công chúng, bất động sản, kinh tế đầu tư….

2. Học ĐH Kinh tế Quốc dân ra trường làm gì?

Sau khi ra trường, bạn có thể tìm kiếm cho mình một chân kế toán tại các doanh nghiệp tư nhân thương mại, trong các trường học hoặc các cơ sở thuộc bộ máy chính quyền xã huyện. Ngoài ra với ngành học liên quan tới nhà hàng - khách sạn thì bạn cũng còn có thể xin ứng tuyển tại các nhà hàng khách sạn với vai trò quản lý. Bên cạnh đó những công việc như phiên dịch, biên dịch viên, kỹ sư phần mềm, lập trình viên cũng là một sự lựa chọn tốt dành cho bạn. 

Nếu không thích làm nhân viên thì bạn cũng có thể làm sếp bằng việc tự mở cho mình một công ty, doanh nghiệp để đầu tư kinh doanh. Mảng bất động sản cũng là một sự lựa chọn tốt trong những năm gần đây dành cho những ai muốn cạnh tranh.

Điểm chuẩn Đại học Kinh tế Quốc dân 2021 

Xem thêm: Khám phá những điều đặc biệt về trường Đại học Mỏ Địa chất

IV. Học Kinh tế Quốc dân dễ xin việc không? Mức lương cao không?

1. Tỷ lệ việc làm

Theo PGS-TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong đợt khảo sát được thực hiện vào tháng 12/2017 đối với hơn 1.600 sinh viên vừa tốt nghiệp trong vòng 1 năm trở lại (từ tháng 3 tới tháng 10 năm 2017), kết quả cho thấy có hơn 95% sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân đã có được việc làm sau khi tốt nghiệp, trong đó có nhiều ngành học tỉ lệ sinh viên có việc làm đạt 100%.

2. Nên chọn học ngành gì tốt nhất?

Cũng theo PGS-TS Bùi Đức Triệu thì trong tổng số 16 ngành học của nhà trường, hiện đang có 4 ngành học có tỉ lệ sinh viên có việc làm đạt 100% ngay sau khi tốt nghiệp là: Hệ thống thông tin quản lý, khoa học máy tính, kinh tế tài nguyên và chuyên ngành ngôn ngữ Anh. Chính vì vậy bạn có thể cân nhắc việc học 4 ngành này, ngoài ra thì các ngành đào tạo khác của NEU cũng vô cùng chất lượng nên nếu bạn có đam mê với ngành học nào thì cũng có thể lựa chọn nha. Cơ hội việc làm mở ra với bạn cũng vô cùng lớn.

3. Mức lương

Theo khảo sát, nếu bạn làm việc cho các công ty tư nhân thì mức lương khởi điểm khá cao. Trung bình mức lương của cử nhân mới ra trường sẽ dao động trong khoảng từ 9-10 triệu VNĐ/tháng. Không những vậy nếu hoàn thành tốt công việc được giao thì nhiều công ty sẽ thưởng thêm cho bạn.

Xem thêm: Những điều kiện để học tập thuận lợi tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

V. Những điều khiến bạn bất ngờ tại Đại học Kinh tế Quốc dân

1. Đại cung điện – Tòa nhà thế kỷ

Chắc hẳn khi nhắc tới cơ sở vật chất của Đại học Kinh tế Quốc dân, các bạn từng nghe đến "Tòa nhà thế kỷ" - một biểu tượng của ngôi trường danh tiếng này. Tòa nhà được xây dựng vô cùng theo lối kiến trúc Pháp, được đưa vào sử dụng từ khóa 2017-2018. Đại cung điện có 10 tầng với 147 phòng chức năng khác nhau bao gồm phòng học, phòng bảo vệ luận văn tiến sĩ, thạc sĩ, phòng học nhóm… cùng với 6 thang máy vô cùng “xịn sò”.

Đại cung điện – Tòa nhà thế kỷ NEU

Đại cung điện – Tòa nhà thế kỷ NEU

2. Nhiều cựu sinh viên nổi tiếng

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có rất nhiều cựu sinh viên ưu tú, xuất sắc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điển hình như:

  • Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam - Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngô Văn Dụ nguyên Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII
  • Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank - Lê Đức Thọ
  • Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long
  • Nguyên Tổng giám đốc FPT - Trương Đình Anh
  • Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm TH True Milk
  • Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải Quan - Nguyễn Văn Cẩn
  • Trương Đình Anh, nguyên Tổng Giám đốc FPT, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Telecom
  • Á hậu Việt Nam năm 2018 - Bùi Phương Nga.

Xem thêm: Review nhanh về trường đại học Tôn Đức Thắng - Có đáng để lựa chọn?

VI. Điểm mới trong tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Có 3 điểm khác biệt trong tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Kinh tế quốc dân là thêm phương thức xét tuyển; tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm xuống còn 15%; các ngành nghề không thay đổi nhưng mã tuyển sinh các chương trình đã điều chỉnh là ghép một số ngành thành mã mới và tách một số ngành thêm mã mới so với năm 2021.

Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến sẽ tăng nhẹ so với năm 2021. Tuy nhiên, chỉ tiêu chỉ tăng cường thêm cho các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, tăng khoảng 3%. Tuy nhiên, nhà trường có thể điều chỉnh chỉ tiêu sau khi có kết quả tuyển sinh. 

Nguyên tắc chung xét tuyển

Trường dự kiến sẽ đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022) là 18 điểm, gồm điểm ưu tiên. Điểm này sau đây gọi chung là điểm sàn.

Điểm trúng tuyển xác định theo mã ngành/chương trình, xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu, không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển. Đặc biệt, trường sẽ không áp dụng thêm tiêu chí phụ trong xét tuyển, ngoài quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Nếu xét tuyển theo từng phương thức không đủ chỉ tiêu, chỉ tiêu còn lại được chuyển sang xét tuyển theo các phương thức khác.

Thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng theo mã tuyển sinh của trường và phải xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (NV1 là NV ưu tiên cao nhất); thí sinh chỉ trúng tuyển 1 NV ưu tiên cao nhất có thể trong các NV đã đăng ký.

5 đối tượng xét tuyển kết hợp

Với phương thức xét tuyển kết hợp, trường xét 5 đối tượng tuyển sinh, mỗi thí sinh được nộp hồ sơ dự tuyển theo tất cả các đối tượng nếu đủ điều kiện.

Đối tượng 1 là những thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT từ 1200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên. Chỉ tiêu dự kiến cho đối tượng này là từ 1 đến 3% theo mã tuyển sinh và theo tổng chỉ tiêu. Điểm xét tuyển (ĐXT) quy về thang 30 được xác định như sau:

ĐXT = điểm SAT *30/1600 + điểm ưu tiên (nếu có)

ĐXT = điểm ACT *30/36 + điểm ưu tiên (nếu có)

Đối tượng 2 gồm những thí sinh thỏa cùng lúc 2 điều kiện: đã tham gia vòng thi tuần cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trên Đài truyền hình Việt Nam; đạt điểm sàn (với tổ hợp bất kỳ) vào trường. Chỉ tiêu dự kiến cho đối tượng này là 1 đến 2% theo mã tuyển sinh và theo tổng chỉ tiêu. ĐXT theo thang 30 được xác định như sau:

ĐXT = điểm tổ hợp xét tuyển + điểm thưởng vòng thi + điểm ưu tiên (nếu có)

rong đó, điểm tổ hợp xét tuyển là điểm tổ hợp kết quả thi THPT năm 2022 cao nhất của thí sinh, tương ứng với 4 tổ hợp xét tuyển của mã ngành/chương trình theo nguyện vọng thí sinh đã đăng ký. Điểm thưởng vòng thi: vòng thi năm 2,5 điểm; vòng thi quý 2,0 điểm; vòng thi tháng 1,5 điểm, vòng thi tuần 1,0 điểm.

Đối tượng 3 gồm những thí sinh thỏa mãn cùng lúc 2 điều kiện: có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS 5.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 500 trở lên hoặc TOEFL iBT 46 trở lên; đạt điểm sàn (với tổ hợp bất kỳ). ĐXT theo thang 30 được xác định như sau:

ĐXT = điểm quy đổi + tổng điểm 2 môn xét tuyển + điểm ưu tiên (nếu có).

Đối tượng 4 gồm những thí sinh thỏa mãn cùng lúc 2 điều kiện: đạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương hoặc đạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; đạt điểm sàn với tổ hợp bất kỳ. Chỉ tiêu dự kiến 5% theo mã tuyển sinh và theo tổng chỉ tiêu. ĐXT theo thang 30 được xác định như sau:

ĐXT = điểm tổ hợp xét tuyển + điểm thưởng giải HSG + điểm ưu tiên (nếu có).

Trong đó, điểm tổ hợp xét tuyển là điểm tổ hợp kết quả thi THPT năm 2022 cao nhất của thí sinh tương ứng với 4 tổ hợp xét tuyển của mã ngành/chương trình theo nguyện vọng thí sinh đã đăng ký. Điểm thưởng giải học sinh giỏi: giải khuyến khích quốc gia và giải nhất cấp tỉnh/thành phố: 0,5 điểm; giải nhì cấp tỉnh/thành phố: 0,25 điểm.

Đối tượng 5 gồm những thí sinh thỏa mãn cùng lúc 3 điều kiện: là học sinh hệ chuyên các trường THPT chuyên toàn quốc, học sinh hệ chuyên các trường THPT trọng điểm quốc gia; có điểm trung bình chung học tập từ 8,0 điểm trở lên của 5 học kỳ bất kỳ cao nhất của lớp 10, 11,12 (điểm trung bình 01 học kỳ nào đó có thể nhỏ hơn 8,0); đạt điểm sàn với tổ hợp bất kỳ.

Chỉ tiêu dự kiến 15-20% theo mã tuyển sinh và theo tổng chỉ tiêu. ĐXT theo thang 30 được xác định như sau:

ĐXT = điểm trung bình chung học tập 5 học kỳ + tổng điểm 2 môn xét tuyển + điểm ưu tiên (nếu có).

Tổng điểm 2 môn xét tuyển = tổng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của môn toán và 1 môn bất kỳ cao nhất khác của thí sinh thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân lưu ý: "Xét tuyển kết hợp không phải là tuyển thẳng, thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển được xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu bằng phần mềm tuyển sinh của trường tương tự như xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT theo phần mềm tuyển sinh của Bộ GD-ĐT“.

 

Xem thêm: Đại học ngoại ngữ hà nội - Trường đào tạo ngoại ngữ hàng đầu cả nước
 

VII. Kết luận

Trên đây là toàn bộ thông tin về cơ sở vật chất, điểm chuẩn Đại học Kinh tế Quốc dân, thông tin tuyển sinh Đại học Kinh tế Quốc dân mà 123job muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hy vọng với những thông tin tuyển sinh đại học Kinh tế Quốc dân ở bài viết giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về NEU cũng như giúp bạn có thêm được một gợi ý mới trong hành trình lựa chọn về ngôi trường Đại học, Cao đẳng của riêng mình!