Muốn thành công trong lĩnh vực kinh doanh cần chủ ý trang bị vững vàng kiến thức pháp lý, đặc biệt là về các loại thuế phải nộp. Thuế môn bài là khái niệm quan trọng nhưng không phải ai cũng hiểu đầy đủ về nó. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Trong nghiệp vụ kế toán có rất nhiều loại thuế mà kế toán viên cần hiểu và ghi nhớ, trong đó có thuế môn bài. Cùng tìm hiểu thuế môn bài là gì, các đối tượng phải nội thuế môn bài, mức nộp thuế môn bài,... trong bài viết dưới đây nhé!

I. Thuế môn bài là gì? 

Thuế môn bài có phải bài toán khó?
Thuế môn bài có phải bài toán khó cho các doanh nghiệp?

Theo Wikipedia:

“Thuế môn bài là một sắc thuế trực thu và thường là định ngạch đánh vào giấy phép kinh doanh (môn bài) của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh".

Để hiểu tường tận hơn về định nghĩa này, trước tiên phải hiểu được những khái niệm được nhắc tới ở đây:

Sắc thuế: Là một loại thuế nào đó doanh nghiệp cần phải đóng nếu muốn hoạt động kinh doanh. Một số sắc thuế đang hiện hành ở Việt Nam là: Thuế môn bài, Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Thuế nhà, đất ( Pháp lệnh thuế Nhà, đất), Lệ Phí trước bạ, Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, Thuế tài nguyên,... Trong bài viết này, chúng ta tìm hiểu về luật thuế môn bài mới nhất 2019.

Thuế trực thu (Direct Tax): Là loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập của doanh nghiệp hoặc chủ doanh nghiệp, vì vậy tất nhiên người nộp thuế chính là người chịu thuế. Bạn thu nhập được bao nhiêu, thì thuế sẽ được soi chiếu vào đó để tính. Một số loại thuế trực thu thường thấy là: Thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế tài sản, thuế thừa kế…

Thuế gián thu (Indirect Tax): Đây là thuế mà không chỉ doanh nghiệp, mà chính người tiêu dùng cũng được tiếp xúc hằng ngày. Loại thuế này được thu gián tiếp thông qua doanh nghiệp, bằng cách cộng luôn vào giá cả hàng hóa. Khi bạn mua hàng, bạn cũng đồng thời đóng thuê gián thu. Như vậy, người tiêu dùng là người chịu thuế, còn doanh nghiệp là người đóng thuế. Các loại thuế gián thu thường gặp là: thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt...

Thuế định ngạch: Là đánh một lượng cố định vào tất cả các đối tượng thu của sắc thuế. Thuế cầu đường, lệ phí sử dụng dịch vụ sân bay,… chính là thuế định ngạch. 

Như vậy, thuế môn bài được hiểu đơn giản là mức thuế một doanh nghiệp phải đóng dựa trên vốn đăng ký ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư. Thuế này có đặc điểm là đóng theo chu kì 12 tháng. Bạn có thể search cụm: “Thuế môn bài bằng tiếng Anh” nếu bạn là cá nhân hoặc người làm việc trong tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam để có thể tìm thông tin thông về loại thuế này. 

II. Các đối tượng phải nộp thuế môn bài và mức thuế phải nộp 

Đối tượng đóng thuê môn bài
Đối tượng đóng thuế và mức thuế môn bài

Bạn có ý định mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, vậy bạn có phải nộp thuế môn bài không? Bạn phải nộp bao nhiêu so với mức thu nhập trung bình hàng năm? Liệu luật thuế môn bài 2017 có thay đổi gì so với thuế môn bài 2018? 

Bên dưới là các đối tượng cần nộp thuế và mức thuế trong các năm trở lại đây

Bạn sẽ phải nộp thuế môn bài nếu bạn là: 

1. Các tổ chức kinh tế bao gồm:

- Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

- Tổ chức và cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

- Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn

- Các HTX

- Các cơ sở kinh doanh hoặc chi nhánh của doanh nghiệp (cửa hàng, cửa hiệu…)

2. Các đối tượng khác:

Các nhóm đối tượng này nộp thuế môn bài theo 6 mức

- Hộ sản xuất kinh doanh cá thể.

- Người lao động trong các Doanh nghiệp nhận khoán tự trang trải mọi khoản chi phí, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh.

- Các cơ sở kinh doanh trên danh nghĩa là Doanh nghiệp nhà nước, Doanh nghiệp hoạt động theo Luật ĐTNN, các Công ty cổ phần, Công ty TNHH... nhưng từng thành viên của đơn vị vẫn kinh doanh độc lập, chỉ nộp một khoản theo quy định.

III. Mức đóng thuế môn bài và bậc thuế môn bài

Là loại thuế yêu cầu đóng hằng năm, nhưng các mức thuế môn bài không cố định mà khác nhau dựa trên thời gian thành lập của doanh nghiệp và số vốn điều lệ được ghi trên giấy phép kinh doanh. Nếu không nắm rõ những quy định này, doanh nghiệp rất dễ gặp phải những khúc mắc trong khâu đóng thuế, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh. Dưới đây là các bậc thuế môn bài 2019 và các năm về trước.

1. Thuế môn bài được áp dụng với những doanh nghiệp có thời điểm thành lập từ năm 2018 trở về và thành lập trong khoảng 01/01/2019 đến 30/06/2019 như sau:

  • Doanh nghiệp/ tổ chức có vốn điều lệ/tổng đầu tư trên 10 tỷ đồng phải đóng mức thuế môn bài: 3.000.000 đồng/năm
  • Doanh nghiệp/ tổ chức có vốn điều lệ/tổng đầu tư dưới 10 tỷ đồng phải đóng mức thuế môn bài: 2.000.000 đồng/năm
  • Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh, văn phòng đại diện, chi nhánh thuộc doanh nghiệp/tổ chức và các tổ chức kinh tế khác phải đóng: 1.000.000 đồng/năm cho mức thuế môn bài. 

2. Thuế môn bài được áp dụng với những doanh nghiệp có thời điểm thành lập từ 01/07/2019 đến 31/12/2019 như sau:

  • Doanh nghiệp/ tổ chức có vốn điều lệ/tổng đầu tư trên 10 tỷ đồng phải đóng mức thuế môn bài: 1.500.000 đồng/năm
  • Doanh nghiệp/ tổ chức có vốn điều lệ/tổng đầu tư dưới 10 tỷ đồng phải đóng mức thuế môn bài: 1.000.000 đồng/năm
  • Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh, văn phòng đại diện, chi nhánh thuộc doanh nghiệp/tổ chức và các tổ chức kinh tế khác phải đóng: 500.000 đồng/năm cho mức thuế môn bài. 

Mức thuế môn bài năm 2019 đã có sự thay đổi so với mức thuế môn bài năm 2017 và 2018 trở về trước. Doanh nghiệp nên nắm rõ những thông tin này để hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn do các vấn đề do thuế gây ra. 

Cách hoạch toán thuế môn bài

Cách hạch toán thuế môn bài: Chi phí thuế môn bài thường được hạch toán vào năm tài chính. Năm tài chính còn gọi là năm tài khóa, trong vòng 1 năm này, các doanh nghiệp/tổ chức sẽ lên kế hoạch ngân sách cho các hoạt động của công ty mình.  Có hai cách hạch toán thuế môn bài là hạch toán theo Thông tư 133 và Thông tư 200. Trước khi hạch toán, bạn nên kiểm tra lại xem doanh nghiệp có áp dụng chế độ kế toán theo hai thông tư này không, nếu hạch toán sai có thể bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Hạch toán thuế môn bài theo Thông tư 200:
Nợ 6425: Thuế, phí và lệ phí. Có TK 3338: Các loại thuế khác
Hạch toán thuế môn bài theo Thông tư 133:
Nợ 6422: Chi phí quản lý doanh nghiệp. Có TK 3338: Các loại thuế khác

IV. Nộp thuế môn bài

1. Thời gian nộp lệ phí môn bài

Các cá nhân, doanh nghiệp đều phải nộp phí môn bài hằng năm, cụ thể là nộp vào những khoảng thời gian nhất định trong năm. Hiểu rõ quy trình, thời gian nộp thuế cũng giúp bạn lập kế hoạch kinh doanh cụ thể và chọn thời điểm bắt đầu tốt hơn nếu có ý định mở doanh nghiệp hoặc chi nhánh mới. 

Theo quy định, doanh nghiệp đang kinh doanh hoặc được cấp mã số thuế và đăng ký thuế vào khoảng thời gian 6 tháng đầu năm sẽ đóng mức thuế môn bài cả năm, những doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh và được cấp mã số thuế và đăng ký thuế vào khoảng thời gian 6 tháng cuối năm sẽ đóng mức phí môn bài bằng 50% phí cả năm. 

Đối với doanh nghiệp đã nộp tờ khai thuế môn bài, thời hạn nộp thuế môn bài là ngày 30/01 hằng năm. Đối với cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải nộp lệ phí muộn nhất là 30 ngày sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Cần phải lưu ý kỹ những thời điểm quan trọng này, vì nếu không nộp phí môn bài đúng thời hạn, doanh nghiệp có thể nhận mức phạt từ cảnh cáo, hoặc nộp tiền từ 400.000 đồng đến 5.000.000 đồng trở lên. 

2. Thời gian khai lệ phí môn bài

Thời gian khai lệ phí môn bài và nộp lệ phí môn bài là không giống nhau. 

Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trước năm 2018 không cần kê khai thuế môn bài.

Còn đối với bất kì doanh nghiệp/cá nhân/tổ chức nào thành lập và bắt đầu hoạt động từ năm 2018 phải nộp tờ khai lệ phí môn bài muộn nhất là 30 ngày sau đó. 

3. Tờ khai thuế môn bài 

Tờ khai thuế môn bài cần được nộp muộn nhất là 30 ngày sau khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động. Mẫu tờ khai thuế môn bài có nhiều chi tiết cần phải lưu ý để quá trình nộp diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.

Bạn có thể tìm thấy mẫu tờ khai thuế môn bài 2017 trên trang Nhantokhai.gdt.gov.vn. Để tải được mẫu tờ khai thuế môn bài, bạn đăng nhập bằng MST của doanh nghiệp (cần có Chữ ký số). Tiếp theo ấn chọn “kê khai trực tuyến” -> “Chọn loại tờ khai” -> “Tờ khai lệ phí môn bài”. 

Không cần trang web, phần mềm HTTK cũng cung cấp mẫu tờ khai thuế môn bài đầy đủ và chi tiết. Bạn chỉ cần đăng nhập vào phần mềm HTTK, ấn chọn “Phí-Lệ phí” -> “Tờ khai lệ phí môn bài - 01/MBAI (NĐ139/2016).

Mẫu khai thuê môn bài

Mẫu tờ khai lệ phí môn bài theo NĐ 139/2016

Khi đã có được mẫu tờ khai, bạn chỉ cần điền vào giấy và nộp cho Cơ quan Thuế. 

4. Thời gian khai lệ phí môn bài

Sau muộn nhất là 1 tháng kể từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, bạn cần lập tờ khai và nộp lên Cơ quan Thuế. Một số mức xử phạt đã được quy định đối với cá nhân/tổ chức không nộp tờ khai đúng hạn yêu cầu.

5. Hình thức và cách nộp thuế môn bài

Sau khi đã nộp tờ khai thuế môn bài, bạn nên tìm hiểu về hình thức và cách nộp thuế môn bài. Hạn cuối để nộp thuế là ngày 30/01 hằng năm. 

Hiện có 2 hình thức cơ bản để nộp lệ phí môn bài, một là nộp trực tiếp lên Cơ quan Thuế, hai là nộp qua mạng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lựa chọn cách thứ hai bởi tính tiện lợi, nhanh chóng và tính chính xác của nó. Nếu vẫn còn mông lung về cách nộp thuế qua mạng điện tử, bạn có thể tham khảo đoạn dưới đây. 

Để nộp thuế môn bài trực tuyến qua Internet:

  • Bước 1: Truy cập trang web nopthue.gdt.gov.vn. Để đăng nhập vào hệ thống nộp thuế điện tử, bạn cần mã số thuế (MST) và mật khẩu sau khi đăng ký nộp thuế điện tử. 
  • Bước 2: vào ô “NỘP THUẾ” trên thanh menu
  • Bước 3: điền đầy đủ thông tin theo mục “Lập giấy nộp tiền”. Các mục có đánh dấu “*” là những chỗ bắt buộc phải điền. Lưu ý điền đầy đủ và chính xác thông tin nhé!
  • Bước 4: Nhấp “HOÀN THÀNH”
  • Bước 5: Hệ thống sẽ cho bạn xem giấy nộp tiền đã lập. Kiểm tra lại thông tin đã điền một lần nữa, nếu đã đảm bảo chính xác, chọn “KÝ VÀ NỘP”
  • Bước 6: Nhấn “OK” để xác nhận lại.
  • Bước 7: Nhập mã PIN và ấn “XÁC NHẬN”. Hệ thống báo ký điện tử thành công và gửi Giấy Nộp Tiền tới Cơ quan thuế.

Một số lưu ý khi nộp thuế môn bài qua mạng:

  • Đảm bảo đường truyền Internet nhanh chóng, đảm bảo có đủ tiền trong tài khoản ngân hàng mà bạn chọn rút tiền để nộp.
  • Điền đầy đủ và chính xác thông tin để đảm bảo hệ thống không gặp trở ngại khi làm việc
  • Sau khi được xác nhận “ký điện tử thành công”, vào kiểm tra lại một lần nữa kê khai thuế môn bài. Xem mình đã nộp tiền thành công hay chưa ở mục “Tra cứu giấy nộp tiền” trong phần “Tra cứu”. Nếu hệ thống hiện “Nộp thuế thành công” có nghĩa là tiền đã được gửi vào NSNN.
  • Hạn chậm nhất để nộp phí môn bài là ngày 30/01 hằng năm.

Chú ý các “Tiểu mục” trong quy định:

  • 2862: Lệ phí môn bài mức (bậc) 1
  • 2863: Lệ phí môn bài mức (bậc) 2
  • 2864: Lệ phí môn bài mức (bậc) 3

Các quy định xử phạt chậm nộp thuế môn bài và tờ khai thuế môn bài

Thông tư 166/2013/TT/BTC và Thông tư 130/2016/TT/BTC đã có quy định về mức xử phạt đối với cá nhân/tổ chức chậm nộp thuế môn bài và tờ khai thuế môn bài.

Đối với Tờ khai lệ phí môn bài, bạn có thể bị phạt dưới hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400.000 đến 5.000.000 nếu nộp muộn. Cụ thể như sau:

Mức phạt  Số ngày nộp chậm
Phạt cảnh cáo (Nếu có tình tiết giảm nhẹ) 01 đến 05 ngày
400.000-1.000.000    01 đến 10 ngày
800.000-2.000.000    10 đến 20 ngày
1.200.000-3.000.00020 đến 30 ngày
1.600.000-4.000.00030 đến 40 ngày
2.000.000-5.000.000    40 đến 90 ngày

Hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài chậm nhất là 1 tháng sau khi doanh nghiệp thành lập. Ngày chậm muộn sẽ được tính từ ngày đó. 

Mức phạt đối với doanh nghiệp nộp muộn tiền thuế môn bài tùy thuộc vào mức phí mà họ phải nộp, được tính theo công thức như sau:

Số tiền phạt = Số tiền thuế chậm nộp*0.03%*Số ngày chậm nộp

Ví dụ: Bạn là một doanh nghiệp có vốn điều lệ 12 tỷ đồng, mà theo quy định, doanh nghiệp/tổ chức có vốn điều lệ/tổng đầu tư trên 10 tỷ đồng sẽ đóng mức phí môn bài là 1.500.000 đồng/năm (đối với doanh nghiệp được thành lập trong khoảng thời gian 31/07/2019-31/12/2019). Vậy tiền thuế quy định của bạn là 1.500.000. Bạn nộp chậm 10 ngày, vậy số tiền phạt là: 1.500.000*0.03%*10=450.000 (đồng)

V. Kết luận

Thuế môn bài là khái niệm không thể thiếu khi doanh nghiệp có ý định bắt đầu hoạt động kinh doanh. Hiểu rõ về thuế môn bài, đối tượng đóng thuế và cách thức đóng thuế sẽ là những bước chuẩn bị đầu tiên trên con đường đi đến thành công của mỗi doanh nghiệp. Thuế môn bài sẽ không phải là bài toán khó nếu bạn nghiêm túc tìm hiểu và thực hiện. Bên cạnh đó, các kiến thức pháp lý khác cũng như chất lượng sản phẩm, thái độ chuyên nghiệp, khả năng lên kế hoạch kinh doanh cũng là hành trang bạn cần chuẩn bị và bổ sung khi bắt đầu phát triển con đường khởi nghiệp của mình. Chúc bạn thành công!