Vốn lưu động là con số luôn nằm trong các Báo cáo tài chính thường niên của các doanh nghiệp, là điều kiện thiết yếu để mỗi doanh nghiệp có thể bắt đầu hoạt động và duy trì hoạt động. Hãy cùng tìm hiểu về vốn lưu động qua bài viết sau.

Vốn lưu động là một thuật ngữ quen thuộc đối với dân kế toán. Đây là con số quan trọng đối với các doanh nghiệp trong vấn đề vận hành, duy trì hoạt động kinh doanh của mình và đối với các nhà đầu tư trong việc đánh giá doanh nghiệp. Hãy cùng 123job tìm hiểu về Vốn lưu động là gì, vốn lưu động tính như nào và đặc điểm của nó.

I. Vốn lưu động là gì

Định nghĩa: Vốn lưu động, được dịch từ thuật ngữ tiếng Anh Working Capital (WC) là một thước đo tài chính đại diện cho thanh khoản vận hành có sẵn của một doanh nghiệp, tổ chức hoặc thực thể khác, bao gồm cả cơ quan chính phủ.

Vốn lưu động là gì? (Working Capital)

Vốn lưu động là gì? (Working Capital)

Đặc điểm: Ngoài tài sản cố định, như nhà máy và thiết bị, mỗi doanh nghiệp khi vận hành sẽ cần phải có các tài sản lưu động khác nhau. Cơ cấu của tài sản lưu động được chia tùy theo loại hình doanh nghiệp, nhưng nhìn chung có hai bộ phận chính: tài sản lưu động sản xuấttài sản lưu thông.

Để đảm bảo lượng tài sản lưu động ở một mức nhất định, giúp cho việc kinh doanh được tiến hành liên tục, doanh nghiệp sẽ ứng ra một số vốn kinh doanh vào loại tài sản này, chính là vốn lưu động.

Vậy, câu trả lời cho câu hỏi Vốn lưu động là gì?, theo một cách dễ hiểu hơn, cũng có thể là: số vốn mà doanh nghiệp phải ứng ra để tạo nên và duy trì ổn định tài sản lưu động. Do các tài sản lưu động tồn tại có thời hạn nên vốn lưu động cũng theo đó mà luân chuyển nhanh chóng, hình thái biểu hiện của nó cũng thay đổi trong mỗi quá trình sản xuất khác nhau.

Cùng với các tài sản cố định, vốn lưu động được coi là một phần của vốn hoạt động. Nguồn gốc của vốn lưu động là tài sản hiện tại trừ nợ ngắn hạn. Nếu tài sản hiện tại ít hơn nợ ngắn hạn, doanh nghiệp hoặc thực thể đó được coi là thiếu vốn lưu động, hay còn gọi là thâm hụt vốn lưu động.

II. Vai trò của vốn lưu động

Để hiểu về vai trò của vốn lưu động đối là gì đối với một doanh nghiệp, ta cần nắm được hai loại hình tài sản lưu động:

  • Tài sản lưu động sản xuất bao gồm: Các loại nhiên liệu, nguyên vật liệu, phụ tùng, chi tiết máy móc thay thế… để dự trữ sản xuất và các loại sản phẩm dở dang, bán thành phẩm đang trong quá trình sản xuất.
  • Tài sản lưu thông gồm: Các loại tài sản nằm trong quá trình lưu thông như hàng tồn kho chờ tiêu thụ, vốn trong thanh toán, vốn bằng tiền…

Như vậy, vốn lưu động, vốn để mua tài sản lưu động, chính là tiêu chí cần có đầu tiên để bắt đầu hoạt động của doanh nghiệp.

Vốn lưu động còn là nhân tố quyết định quy mô hoạt động. Các tổ chức và doanh nghiệp kinh doanh đều tự chủ trong việc sử dụng vốn nên khi muốn mở rộng quy mô hoạt động, sản xuất họ phải huy động một lượng vốn đầu tư nhất định. Vốn lưu động lớn sẽ trở thành công cụ hữu ích giúp nắm bắt thời cơ và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, vì vốn lưu động quyết định khá lớn đến chi phí đầu vào sản xuất nên nó cũng tác động đến giá thành của sản phẩm.

Vốn lưu động là điều kiện đầu tiên để doanh nghiệp bắt đầu hoạt động

Vốn lưu động là điều kiện đầu tiên để doanh nghiệp bắt đầu hoạt động

Đối với các nhà phân tích và các nhà đầu tư, bằng việc biết vốn lưu động tính như nào, bạn có thể xác định liệu một doanh nghiệp có khả năng đáp ứng những nghĩa vụ ngắn hạn của nó hay không và cần bao nhiêu thời gian để doanh nghiệp đó thực hiện những nghĩa vụ trên.

Vốn lưu động cũng vô cùng hữu ích trong việc xem xét hiệu quả sử dụng nguồn lực của một công ty, doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp không có hoặc có ít vốn lưu động, đó có thể là một doanh nghiệp trẻ hay một doanh nghiệp đang trên đà “tuột dốc”, có lẽ tương lai của nó sẽ không mấy tốt đẹp.

Tính Thay đổi Vốn lưu động: Với việc thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ đang được xếp vào hàng cận biên (Frontier Market), thì tính minh bạch là vấn đề làm đau đầu rất nhiều nhà đầu tư.

Các khoản thu hoặc lượng hàng tồn kho khó điểm định, rất dễ bị lợi dụng nhằm che mắt những nhà đầu tư non tay mà chỉ quan tâm tới doanh thu, lợi nhuận doanh nghiệp tạo ra. Khoản thay đổi Vốn lưu động được trình bày rõ ràng trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của mỗi công ty, doanh nghiệp.

Vì vậy, Thay đổi Vốn lưu động được coi chính là ứng dụng có ích nhất của Vốn lưu động trong đầu tư, phân tích. Đây là con số khá trực quan về quy mô doanh nghiệp, giúp các nhà đầu tư dù lớn hay nhỏ rất nhiều trong việc đánh giá và đưa quyết định.

III. Phân loại vốn lưu động

Tùy theo cơ cấu, loại hình mỗi công ty, doanh nghiệp mà Vốn lưu động sẽ được phân loại khác nhau:

1. Phân loại theo vai trò:

  • Vốn lưu động trong khâu dự trữ sản xuất: bao gồm giá trị các khoản nguyên vật liệu (chính và phụ), động lực, nhiên liệu, công cụ, dụng cụ cùng phụ tùng thay thế.
  • Vốn lưu động trong khâu sản xuất: bao gồm giá trị sản phẩm dở dang, bán thành phẩm hay các khoản chi phí đang chờ kết quả chuyển.
  • Vốn lưu động trong khâu lưu thông: bao gồm vốn bằng tiền, giá trị thành phẩm hoàn thành, vốn đầu tư ngắn hạn, các khoản thế chấp,…

2. Phân loại theo hình thức:

  • Vốn lưu động là vốn vật tư, hàng hóa: hình thái biểu hiện là hiện vật cụ thể như các sản phẩm dở dang, nguyên vật liệu hay nhiên vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm,…
  • Vốn lưu động là vốn bằng tiền: có hình thức là các khoản vốn tiền tệ như tiền gửi ngân hàng, tiền mặt tồn quỹ, các khoản đầu tư chứng khoán,…

3. Phân loại theo quan hệ sở hữu:

  • Vốn chủ sở hữu: là vốn lưu động thuộc phạm vi quyền sở hữu của doanh nghiệp và doanh nghiệp có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, chi phối, định đoạt với loại vốn này. Có nhiều vốn chủ sở hữu khác nhau (tùy cơ cấu doanh nghiệp) như: vốn tự thân doanh nghiệp tư nhân, vốn trong ngân sách nhà nước, vốn cổ phần trong các công ty cổ phần…
  • Các khoản nợ: là vốn lưu động được tạo nên do vay các tổ chức tài chính hoặc ngân hàng thương mại khác, vay thông qua hình thức trái phiếu doanh nghiệp, khoản nợ chưa thanh toán của khách hàng.

Cách phân loại vốn lưu động

Cách phân loại vốn lưu động

4. Phân loại theo nguồn hình thành:

  • Vốn lưu động điều lệ: là vốn lưu động được tạo nên từ nguồn vốn điều lệ ban đầu hoặc nguồn vốn điều lệ bổ sung trong quá trình sản xuất kinh doanh.
  • Vốn lưu động tự bổ sung: là vốn lưu động do doanh nghiệp bổ sung thêm trong quá trình sản xuất, kinh doanh hay tái đầu tư lợi nhuận.
  • Vốn lưu động liên doanh, liên kết: là vốn lưu động từ vốn góp liên doanh của các bên tham gia tổ chức doanh nghiệp liên doanh.
  • Vốn đi vay: vốn lưu động được tạo nên từ việc vay các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng…
  • Vốn lưu động huy động được từ thị trường thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu.

5. Phân loại theo thời gian huy động và sử dụng vốn:

  • Vốn lưu động tạm thời: vốn lưu động có tính chất đáp ứng nhu cầu tạm thời, phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh (ví dụ: khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng).
  • Vốn lưu động thường xuyên: vốn lưu động có tính ổn định để tạo nên tài sản lưu động thường xuyên, dài hạn.

IV. Cách tính vốn lưu động chuẩn xác nhất

Trước khi đến với công thức tính vốn lưu động, ta cần biết cách tính các thành phần của nó:

Tính giá trị tài sản ngắn hạn

Tài sản ngắn hạn là những tài sản mà doanh nghiệp có thể chuyển đổi sang tiền mặt trong vòng khoảng một năm. Loại tài sản này bao gồm tiền mặt và các tài khoản ngắn hạn khác, ví dụ: các khoản phải thu, chi phí trả trước, hàng tồn kho.

Thông thường, bạn sẽ tìm thấy thông tin về tài sản ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán của công ty qua mục tổng tài sản ngắn hạn.

Nếu bảng cân đối kế toán không bao gồm mục tổng tài sản ngắn hạn, bạn phải rà soát từng dòng của bảng cân đối, tìm tất cả tài khoản đáp ứng định nghĩa tài sản ngắn hạn như trên để tính toán.

Ví dụ, bạn phải tìm các đầu mục "khoản phải thu", "tồn kho", "tiền mặt và các khoản tương đương". Sau cùng cộng hết tất cả giá trị các mục đó để được tổng tài sản ngắn hạn.

Tính nợ ngắn hạn

Nợ ngắn hạn thường là những khoản cần thanh toán trong thời hạn một năm của một công ty, bao gồm chi phí phải trả, nợ dồn tích và các khoản vay ngắn hạn.

Giống như tài sản ngắn hạn bên trên, bạn cần tìm mục tổng nợ ngắn hạn trong bảng cân đối kế toán thường niên của công ty, hoặc các đầu mục liên quan đến nợ ngắn hạn nếu trong bảng không có tổng nợ ngắn hạn (sau cùng cộng tất cả giá trị của các mục đó).

Vốn lưu động tính như thế nào?

Công thức tính vốn lưu động vô cùng đơn giản:

Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn - Nợ ngắn hạn

Vốn lưu động tính như thế nào

Vốn lưu động tính như thế nào

Ví dụ minh họa:

Giả sử, một công ty có:

Tài sản ngắn hạn = 2 tỷ đồng

Nợ ngắn hạn = 800 triệu đồng. Suy ra, vốn lưu động của công ty sẽ bằng 1,2 tỉ đồng.

Với vốn lưu động như trên cùng lượng tài sản ngắn hạn, công ty có thể thanh toán hết các khoản ngắn hạn, đáp ứng hoạt động trong ngắn hạn và vẫn còn tiền mặt để thực hiện các dự tính sắp tới.

Công ty có thể dùng lượng tiền mặt đó cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán nợ dài hạn hoặc để trả lợi tức cho cổ đông ...

Nếu tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn, kết quả sẽ cho ra vốn lưu động âm hay vốn lưu động bị thiếu hụt. Đây là dấu hiệu cảnh báo rằng công ty đang trong nguy cơ vỡ nợ. Đặt vào tình huống này, công ty có thể sẽ cần bán bớt tài sản dài hạn để trả nợ hoặc tìm nguồn tài chính dài hạn khác. Đó có thể là dấu hiệu công ty, doanh nghiệp đó sắp phá sản hoặc phải thu hẹp quy mô trong tương lai.

Ví dụ:

Giả sử một công ty có:

Giá trị tài sản ngắn hạn = 1 tỷ đồng

Nợ ngắn hạn: 1,3 tỷ đồng. Suy ra, Vốn lưu động của công ty bằng: – 300 triệu đồng.

Công ty này sẽ không thể đáp ứng được các nghĩa vụ ngắn hạn và phải bán đi lượng tài sản dài hạn tương đương 300 triệu đồng hoặc tìm những nguồn tài chính khác.

Tính tỷ lệ vốn lưu động:

Một công ty, doanh nghiệp có Vốn lưu động dương là chưa đủ để khẳng định tình trạng hoạt động của công ty, doanh nghiệp đó là tốt (ví dụ: Vốn lưu động = 3 tỷ (tài sản ngắn hạn) – 2,8 tỷ (nợ ngắn hạn) = 200 triệu đồng; là một con số quá ít so với quy mô 3 tỷ của công ty, doanh nghiệp). Vì vậy, hệ số tỷ lệ Vốn lưu động (Working capital ratio) sẽ cho ra đánh ra thiết thực hơn.

Vậy Tỷ lệ Vốn lưu động tính như nào? Công thức:

Tỷ lệ VLĐ (WCR) = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn phải trả.

Tỷ lệ vốn lưu động

Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp

Doanh nghiệp có khả năng phá sản cao nếu không đủ khả năng thanh toán khi nợ đến hạn.

1

Tài sản ngắn hạn > nợ phải trả ngắn hạn.

Doanh nghiệp vận hành tương đối ổn định ít nhất là về mặt tài chính, có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.

Tỷ lệ vốn lưu động > 2.0:

Tài sản ngắn hạn lớn hơn nhiều lần nợ ngắn hạn phải trả.

Doanh nghiệp loại này có lợi thế cạnh tranh nhất định trên thị trường, dòng tiền kinh doanh khỏe và rất ít nợ vay.

Tùy vào loại doanh nghiệp và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mà WCR khác nhau, thông thường, WCR > 1 là có thể chấp nhận doanh nghiệp đó ổn định.

Vốn lưu động ròng:

Trong thập kỷ qua, định nghĩa vốn lưu động ròng trở nên nổi bật đối với các công ty và doanh nghiệp bên cạnh hoặc thậm chí là thay thế vốn lưu động. Bản chất và ý nghĩa của hai thuật ngữ này hoàn toàn khác nhau hoặc có thể nói là trái ngược nhau. Vì vậy việc phân biệt vốn lưu động và vốn lưu động ròng là rất quan trọng.

Theo quan điểm kế toán, vốn lưu động = tài sản lưu động (tiền mặt, hàng tồn kho, a / r) - các khoản nợ hiện tại (a / p, nợ ngắn hạn). Vốn lưu động về cơ bản thể hiện tính thanh khoản hoặc khả năng đáp ứng nhu cầu ngắn hạn của công ty. Vốn lưu động càng lớn, tính thanh khoản càng cao, càng tốt.

Vốn lưu động ròng tương tự nhưng đơn giản hóa công thức, vốn lưu động ròng = a / r và hàng tồn kho - a / p. Vốn lưu động ròng ngược lại, lại thể hiện cần bao nhiêu vốn để duy trì hoạt động của công ty, doanh nghiệp.

Trong trường hợp của VLĐ ròng, kết quả càng thấp càng tốt vì điều đó cho thấy công ty cần ít vốn (tiền) hơn để điều hành và duy trì các hoạt động ngắn hạn, đồng nghĩa với công ty đang hoạt động hiệu quả. Ít vốn cần dùng = ít cổ đông và chủ nợ, nói dễ hiểu hơn là công ty, doanh nghiệp cần ít chi phí đầu vào hơn mà vẫn giữ nguyên kết quả đầu ra. 

V. Kết luận:

Việc bắt đầu và duy trì hoạt động của một doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào lượng tài sản của doanh nghiệp đó. Nói cách khác, vốn hoạt động là vô cùng quan trọng. Vốn lưu động là một yếu tố cấu tạo nên vốn hoạt động, là “nguồn” để duy trì sản xuất, kinh doanh. Qua bài viết này, hy vọng bạn đã có thể hiểu được khái niệm Vốn lưu động, hiểu được vốn lưu động tính như nào và tầm quan trọng của thước đo thanh khoản này trong quản lý hoặc đánh giá doanh nghiệp. Chúc các bạn thành công!