Nhiều bạn trẻ đang cảm thấy mỏi mệt và muốn thoát ra, tuy nhiên để có thể áp dụng lối sống chậm giữa thế gian vội vã quả là một thử thách gian nan. Lý giải cụ thể cho cái định nghĩa sống chậm này là gì? Hãy theo dõi bài viết sau của 123job nhé

Nhịp sống hiện đại khiến mỗi người chúng ta có phong cách sống ngày càng gấp gáp hơn. Dường như mọi sự căng thẳng, áp lực trở thành những vấn đề không thể thiếu của một cuộc sống ý nghĩa giữa đời sống hỗn loạn. Trong khi người người đều đang nhanh nhẹn tiến về phía trước, thì chúng ta sợ mình sẽ bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, chúng ta lại cũng cố gắng đuổi theo phong cách sống của họ bằng tất cả nhiệt huyết và sức lực. Nhưng kết quả lại không như chúng ta mong muốn. Chúng ta cần phải có một lối sống lành mạnh hơn, nhịp nhàng hơn để hòa hợp với chính bản thân mình. Đó chính là sống chậm. 

I. Sống chậm nghĩa là gì?

Sống chậm là một phong cách sống có sự đề cao tập trung vào một việc, thay vì chuyển qua lại giữa nhiều việc cùng một lúc mà không thực sự tập trung cụ thể vào một việc nhất định. Cụ thể là bạn sẽ ưu tiên tập trung vào những khía cạnh mà cần có sự đầu tư suy nghĩ, bao gồm: cảm xúc, hành vi, tư duy, sự hưởng thụ những giá trị tinh thần (như văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc), và sự kết nối của chính bản thân bạn với vạn vật xung quanh. 

Ví dụ như khi tham dự buổi buổi diễn âm nhạc, bạn tập trung lắng nghe để tận hưởng vẻ đẹp của những giai điệu và hòa cùng không khí náo nhiệt, sôi động của khán giả. Điều này sẽ đem lại cho bạn cảm nhận sống động cùng với những kỉ niệm khó phai hơn nhiều so với việc bạn cắm cúi dùng điện thoại đăng story cập nhật. Lúc ấy bạn có thể tận hưởng trọn vẹn mọi tác phẩm của người nghệ sĩ, thay vì bị phân tâm rồi bỏ lỡ bất kỳ một khoảnh khắc nào đó khi đang nhấn “đăng tải”.

Khái niệm sống chậm là gì?

Khái niệm sống chậm là gì?

Sống chậm lại giúp bạn ưu tiên tập trung vào cảm xúc, hành vi, hưởng thụ những giá trị tinh thần, và sự kết nối của chính bản thân bạn với mọi vật ở xung quanh. Ban đầu nhiều người sẽ cảm thấy e dè vì thấy chữ “chậm” ở trong đó. “Liệu chậm lại như vậy có tốn thời gian hơn rồi tụt hậu đi không?” - tôi từng tự vấn bản thân, và sau này chính tôi cũng nhận được câu hỏi như vậy từ người khác khi nhắc đến chủ đề này. Câu trả lời cuối cùng sau một thời gian tìm hiểu, khai thác và trải nghiệm là “không”, bởi vì phong cách sống chậm không phải là lề mề. 

Lề mề là trạng thái hoạt động không hiệu quả gây lãng phí thời gian, làm gì cũng chậm, chậm vào những việc không cần thiết. Sống chậm, trái lại sẽ giúp bạn quản lý thời gian dễ hơn để tập trung hết sức vào những giá trị cốt lõi. Chẳng hạn, khi học bài thì việc sắp xếp bàn học gọn gàng, in tài liệu tham khảo cần được thực hiện nhanh chóng hơn để quản lý thời gian tập trung tiếp thu, giải quyết bài tập khác. Hay buổi sáng cần vệ sinh cá nhân nhanh gọn để quản lý thời gian cho một bữa sáng thư thả, ngon lành. 

Xem thêm: Thấu cảm là gì? Sự khác nhau giữa thấu cảm và cảm thông là gì?

II. Tại sao sống chậm lại khó?

Sống chậm được cho là “khó” vì hướng đi của nó trái ngược với đám đông. Tâm lý đám đông đó là dễ chỉ trích người khác khi nhìn thấy những gì không giống với những quan niệm của họ, vậy nên khi có một cá thể khác biệt nào đó, người đó phải nhận lấy sự tiêu cực mà mình không mong muốn. 

Mức độ thường thấy và dễ thấy nhất của những tiêu cực đó chính là những lời chê bai, đánh giá từ mọi người xung quanh, kể cả là người thân, bạn bè. Hiện tượng này xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi giới tính và đều để lại hậu quả chính là nỗi tự ti đến mức phát “sợ” khác biệt để được an toàn. Chính vì thế mà trong một nghiên cứu 1600 trẻ từ 8-16 tuổi, có 52% trẻ bày tỏ nỗi lo lắng trở nên khác biệt với cộng đồng vì sợ bắt nạt. 

Sống chậm được cho là “khó” vì hướng đi của nó trái ngược với đám đông. Nỗi sợ không bao giờ xấu nó được sinh ra để bảo vệ cảm xúc của con người. Nhưng sợ hãi vì tự ti thì hoàn toàn khác, vì nó cản trở sự phát triển của chính bạn. Bên cạnh yếu tố khách quan thì sự tự ti còn đến từ sức đề kháng tâm lý chưa tốt, khiến cho con người ta luôn so sánh mình cùng với người khác. Thế giới ảo, cụ thể ở đây là mạng xã hội với quá nhiều hình mẫu mà bạn đáng mơ ước là một chất xúc tác lớn làm cho sự tự ti trong giới trẻ ngày nay trở nên trầm trọng hơn. 

Để tự tin sống một lối sống khác với số đông theo yêu cầu về tâm lý cá nhân vững. Việc này ban đầu xuất phát từ ý chí cầu tiến và khả năng điều chỉnh tâm lý để đối mặt với những thiếu sót của bản thân. Có được hai điều ấy lại là một quá trình tự học hỏi bền bỉ, và chính điều này hình thành độ “khó” của sống chậm. 

Xem thêm: Chủ nghĩa khắc kỷ là gì? Có nên theo chủ nghĩa khắc kỷ hay không

III. Làm thế nào để sống chậm?

Tuy nhiên, lối sống này không khó tới mức không thể thực hiện được. Thực chất, sống chậm lại bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt khá đơn giản như sau.

1. Học cách phân phối thời gian

Một trong nhiều cách quan trọng nhất để quản lý thời gian một cách hiệu quả, đó là tạo thói quen liệt kê ra ghi chú những việc cần làm mỗi ngày sao cho phù hợp với khả năng và giới hạn của bạn. Bạn cần chọn lọc hợp lý để ưu tiên thực hiện những công việc quan trọng hơn theo mức độ từ cao tới thấp. Tạo thói quen liệt kê những việc cần làm mỗi ngày như vậy là bước đơn giản và cơ bản nhất trong quá trình tạo lập lối sống chậm. 

Ví dụ với một nhân viên đang đi làm bình thường, nếu tuần đó có tới 20 việc thì có thể lên lịch làm 3 việc mỗi ngày. Trong ngày đó, bạn dành thời gian nhiều nhất cho công việc, trung bình cho các mối quan hệ cá nhân và ít nhất là chơi thể thao. Một khi đã làm xong công việc được lên lịch cho một ngày, phần thời gian còn lại bạn có thể yên tâm nghỉ ngơi mà không cần phiền não vì mình chưa làm xong được việc gì, hay stress do phải làm quá nhiều. 

2. Luôn tin rằng bạn không bao giờ một mình

“Nếu chỉ có một mình tôi chậm lại trong cuộc sống vội vã thì sao?” Vốn dĩ rằng tâm lý đám đông có quán tính khá cao, vì vậy chúng ta dễ bị “nỗi sợ khác biệt” cuốn theo dòng chảy vội vã. Yêu thương bản thân, trong trường hợp này chính là gốc rễ tinh thần của sống chậm. Niềm tin thật vững chắc vào bản thân sẽ giúp cho bạn dũng cảm bước tiếp mà không dễ bị xao động từ các yếu tố gây nhiễu đến từ trong và ngoài. 

Giống như một con thuyền đang nằm giữa dòng nước xiết, nếu trọng tâm của nó không vững vàng thì sớm muộn sẽ bị dòng nước cuốn ra chỗ nguy hiểm, thậm chí là bị lật thuyền. Nội tại của con người cũng vậy, nó chính là trọng tâm giữ thăng bằng để bạn sống chậm.

Sống chậm không phải là lập dị, trái lại nó còn giúp bạn thu hút những người sống hướng đến phong cách sống tương tự. Khi bạn sống chậm, cuộc sống của bạn sẽ phát triển theo hướng tích cực hơn do có sự suy nghĩ thấu đáo trong hành động và cảm xúc. Nguồn năng lượng tích cực đó sẽ lan tỏa mạnh mẽ ra xung quanh, nó không chỉ giúp bạn tìm thấy sự kết nối nhanh chóng với những người có cùng phong cách, mà còn có thể nhân rộng lối sống tốt đẹp này với nhiều người hơn.

Xem thêm: Trầm cảm theo mùa là gì? Cách để vượt qua những rối loạn cảm xúc này

IV. 8 Bước sống chậm giữa cuộc đời hối hả

Cách để sống chậm giữa cuộc đời hối hả

Cách để sống chậm giữa cuộc đời hối hả

1. Xác định điều thực sự quan trọng đối với bản thân

Theo các chuyên gia thì bạn nên bắt đầu sống chậm lại bằng cách tìm ra những điều quan trọng hàng đầu trong chính cuộc sống của mình. Đâu là thứ khiến cho tâm hồn bạn hân hoan, hạnh phúc? Đâu là việc mà bạn luôn muốn dành toàn bộ cuộc đời để kiên trì theo đuổi nó? Nếu may mắn, một trong những điều này sẽ có thể thúc đẩy bạn thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp.

2. Khởi đầu nhỏ

Hãy bắt đầu với những thay đổi đơn giản, nhỏ nhặt như là lập kế hoạch công việc, theo dõi chi tiêu hay hạn chế mua sắm, tái chế rác thải, học thêm nấu nướng cuối tuần và tham gia các chương trình thiện nguyện… phù hợp với danh sách ưu tiên của bản thân bạn nhé!

3. Loại bỏ yếu tố gây nhiễu

Việc dọn dẹp nhà cửa hàng ngày sẽ khiến tâm trí của mọi người thêm phần thư thái và sáng suốt. Trong quá trình sắp xếp, dọn dẹp lại đồ đạc, thay vì vứt bỏ những món đồ mà bạn không dùng đến, chúng ta có thể đem nó quyên tặng cho các tổ chức từ thiện. Thêm nữa, bạn nên hạn chế tối đa cho việc sử dụng điện thoại di động cùng các thiết bị công nghệ khác nhé! Những ứng dụng giải trí không cần thiết sẽ làm tốn rất nhiều thời gian của bạn đấy.

4. Làm việc thông minh hơn

Để thực hành sống chậm một cách hiệu quả, chúng ta cần chọn lọc hợp lý các nhiệm vụ ưu tiên và tập trung giải quyết chúng thật tốt nhất có thể. Hãy chú tâm vào những vấn đề mà nó thực sự cần thiết, quan trọng đối với bản thân bạn. Làm việc liên tục trong nhiều giờ liền không thể phản ánh một cách đầy đủ nhất năng lực của bạn. Điều cốt lõi ở đây đó chính là chất lượng và hiệu quả công việc.

5. Sống chậm ở trong thời khắc hiện tại

Nếu cứ tiếp tục sống một cách gấp gáp, vội vã, chúng ta sẽ không thể dành trọn tâm tư bên trong mình cho cuộc sống hiện tại. Những lo lắng về tương lai hay là sự tiếc nuối quá khứ sẽ dai dẳng đeo bám lâu dài trong tâm trí của bạn. Vì vậy, hãy nhẹ nhàng hơn nữa với bản thân, tự dành riêng cho mình nhiều khoảng nghỉ ngắn trong hành trình dài trải nghiệm cuộc sống. Khi tập trung tận hưởng sự tồn tại giá trị của chính mình giữa thời khắc của cuộc sống, bạn sẽ cảm thấy tâm hồn cực kỳ tĩnh tại và thực sự bình yên.

6. Lắng nghe và kết nối một cách chân thành

Ngày nay, khi công nghệ hiện đại đang chiếm lĩnh mọi lĩnh vực cuộc sống, mạng xã hội dần dần từng bước từ thế giới ảo ra ngoài đời thực. Trong những buổi hẹn hò cà phê cùng đám bạn bè thân thiết, hầu hết mọi người sẽ khư khư chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại. Những cuộc hội thoại cũng vì thế trở nên vô cùng nhạt nhòa, rời rạc và thiếu chân thành. Sống chậm sẽ khuyến khích chúng ta ngắt kết nối với Internet để lắng nghe nhiều hơn, chia sẻ với những người thân thương bằng tất cả trái tim mình. Chỉ những cuộc chuyện trò có sự cởi mở, chân thành mới có thể nâng đỡ, hàn gắn và kết nối chúng ta lại gần với nhau.

7. Gần gũi với thiên nhiên

Giữa một thế giới với nhiều bộn bề lo toan, công việc, gia đình, bạn bè cùng hàng tỷ thứ nhỏ nhặt trên đời này khiến cho mọi người dần thờ ơ, xa cách với thiên nhiên. Khi đại dịch trôi qua, bạn hãy quản lý thời gian hợp lý để có thể tản bộ một chút để ngắm cảnh, tập thể dục, hít thở khí trời và tận hưởng bầu không khí bình yên, dịu dàng giữa lòng thiên nhiên tươi mát. Đó chính là những phút giây bạn có thể chữa lành tâm hồn vô giá.

8. Tìm kiếm các niềm vui trong mọi trải nghiệm

Với mục đích đó là hướng đến những giá trị bền vững có trong cuộc sống thực tại, sống chậm lại sẽ động viên mọi người khám phá và tận hưởng cuộc sống thường ngày từ những điều bình dị nhất. Trong một tâm thế vui vẻ, lạc quan, mọi công việc dẫu nhỏ bé ví dụ như ăn uống, hít thở, rửa bát, giặt giũ… đều có trong mình chất thơ độc đáo, mới lạ. Có lẽ, cuộc sống này sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu mỗi người trong chúng ta đều thấm nhuần và áp dụng phương châm sống giản đơn này.

Xem thêm: Gaslighting là gì? Cách để đối phó khi bị thao túng tâm lý

V. Kết luận

Ngày nay, có rất rất nhiều người đang phải đấu tranh với công việc hàng ngày cùng với niềm mong mỏi tha thiết về kỳ nghỉ hằng năm. Bởi đó chính là khoảng thời gian hiếm hoi có thể giúp họ giải phóng bản thân khỏi mọi sự căng thẳng để thực sự thư giãn cũng như tận hưởng cuộc sống. Khi đọc đến dòng này, nếu bạn cũng cảm thấy tương tự, rằng đây chưa phải là cuộc đời mà mình mong muốn thì có lẽ, đã đến lúc bạn cần hít thở sâu và sống chậm lại.