Thông thường có một số điều khoản chưa cụ thể chi tiết hoặc một trong các bên muốn bổ sung thêm một vài nội dung thì các bên sẽ tiến hành lập một bản phụ lục hợp đồng kèm theo. Vậy cụ thể phụ lục gồm những gì và cách viết như thế nào mời bạn cùng tìm hiểu
Trong quá trình thực hiện Hợp đồng không tránh khỏi những lúc muốn bổ sung, thay đổi, sửa chữa Hợp đồng. Khi đó, chúng ta phải lập phụ lục Hợp đồng mới. Sau đây là mẫu phụ lục Hợp đồng cơ bản và mới nhất để mọi người tham khảo.
I. Phụ lục hợp đồng
1. Phụ lục hợp đồng là gì?
Về khái niệm phụ lục hợp đồng được quy định tại Điều 24 thuộc Bộ luật lao động 2012 như sau:
“1. Phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
2. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động dùng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung những điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.”
Ngoài ra, tại Điều 408 Bộ luật dân sự 2005 cũng quy định về phụ lục hợp đồng như sau:
"1. Kèm theo hợp đồng có thể có phụ lục để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
2. Trong trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi".
Vậy có thể hiểu đơn giản nhất phụ lục hợp đồng là văn bản quy định chi tiết một số điều khoản hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng.
2. Mối quan hệ giữa phụ lục và hợp đồng
Phụ lục hợp đồng và hợp đồng có mối quan hệ khăng khít, bổ sung và gắn bó mật thiết với nhau vì phụ lục hợp đồng quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng cho nên nội dung của phụ lục hợp đồng phải phụ thuộc và không được trái với nội dung của hợp đồng. Trừ khi có những thỏa thuận khác bên ngoài nếu không những điều khoản có trong phụ lục hợp đồng mà trái với các điều khoản trong hợp đồng lao động sẽ bị vô hiệu lực.Trong trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Nếu hợp đồng bị vô hiệu lực một phần hoặc toàn bộ thì phụ lục hợp đồng cũng sẽ bị vô hiệu ngay. Nhưng nếu trường hợp phụ lục hợp đồng bị vô hiệu thì hợp đồng vẫn có hiệu lực.
3. Phân loại phụ lục hợp đồng
Phụ lục hợp đồng được chia làm hai loại dựa trên khái niệm hợp đồng lao động:
- Loại 1: Phụ lục Hợp đồng như một phần bổ sung cho Hợp đồng chính và được lập đồng thời với Hợp đồng chính. Phụ lục loại này thường quy định cụ thể về công việc thực hiện, tiêu chuẩn, hàng hóa, số liệu, giai đoạn, ngày tháng…theo như Hợp đồng chính nhưng chi tiết và cụ thể hơn
- Loại 2: Phụ lục Hợp đồng để bổ sung hoặc sửa đổi một số quy định của Hợp đồng đã được lập trước đó. Phụ lục thương là thay đổi các nội dung của Hợp đồng đã lập như: gia hạn, rút ngắn thời hạn Hợp đồng, điều chỉnh tăng hoặc giảm giá trị theo Hợp đồng, sửa đổi hoặc bổ sung một số hạng mục công việc thực hiện…
Trên thực tế, ta thường gặp rất nhiều mẫu phụ lục hợp đồng lao đồng thuộc một trong hai loại trên. Có thể kể đến như:
- Mẫu phụ lục hợp đồng kinh tế
- Mẫu phụ lục hợp đồng xây dựng
- Mẫu phụ lục hợp đồng lao động
- Mẫu phụ lục hợp đồng mua bán
- Mẫu phụ lục hợp đồng thuê nhà
- Mẫu phụ lục hợp đồng gia hạn thanh toán
- Mẫu phụ lục hợp đồng thay đổi mức lương
- Mẫu phụ lục hợp đồng phát sinh khối lượng
- Mẫu phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá
- Mẫu phụ lục hợp đồng song ngữ anh việt
- Mẫu phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian
- Mẫu phụ lục hợp đồng kinh tế bổ sung
- Mẫu phụ lục hợp đồng phát sinh khối lượng thi công
- Mẫu phụ lục hợp đồng bằng tiếng anh
II. Lưu ý khi viết phụ lục hợp đồng
Khi soạn thảo hợp đồng, người soạn thảo cần phải lưu ý đảm bảo các yếu tố như:
Bảo đảm về mặt hình thức của phụ lục hợp đồng: Phụ lục hợp đồng có hình thức phải phù hợp với hình thức của hợp đồng. Trong trường hợp nào mà pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được lập thành văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phụ lục hợp đồng phải tuân theo các quy định đó.
Bảo đảm về mặt nội dung của phụ lục hợp đồng:
- Về nguyên tắc, nội dung của phụ lục hợp đồng có các bên tự thoả thuận theo nguyên tắc tự do ý chí, bình đẳng và thiện chí với nhau. Tuy nhiên, pháp luật cũng yêu cầu nội dung của phụ lục hợp đồng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
- Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
- Đảm bảo đối tượng của phụ lục hợp đồng là những hàng hoá mà pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội.
- Đảm bảo người tham gia giao dịch phải hoàn toàn tự nguyện
- Đảm bảo người tham gia phụ lục hợp đồng có năng lực hành vi dân sự.
Khi tham gia soạn thảo, ký kết hợp đồng, các bên trong phụ lục hợp đồng phải hết sức lưu ý đến địa vị pháp lý của người được đại diện uỷ quyền, phạm vi được uỷ quyền giúp cả hai bên tránh khỏi tình trạng có tranh chấp sau này do việc ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền hoặc vượt quá phạm vi đại diện uỷ quyền.
III. Nội dung cơ bản và điều kiện có hiệu lực của phụ lục hợp đồng
1. Nội dung cơ bản của phụ lục hợp đồng
Từ khái niệm: Phụ lục hợp đồng là văn bản được lập ra để thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ghi nhận các thỏa thuận của các bên trong hợp đồng chính về việc triển khai hợp đồng, có thể thấy những thông tin cơ bản bắt buộc phải có trong hợp đồng là:
- Nội dung được thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ghi nhận các thỏa thuận lại của hợp đồng chính
- Lý do thay đổi, trường hợp phụ lục hợp đồng chỉ nhằm diễn giải các khái niệm có trong hợp đồng chính hoặc bổ sung thêm một điều khoản mới chưa có trong hợp đồng chính thì nội dung này không bắt buộc phải thể hiện
- Thời điểm áp dụng
- Cách áp dụng phụ lục hợp đồng trong thực tế
2. Điều kiện có hiệu lực của phụ lục hợp đồng
a. Điều kiện về nội dung
Theo Điều 403 của Bộ luật dân sự 2015 có quy định về nội dung của phụ lục hợp đồng như sau:
“1. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
2. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.”
b. Điều kiện về hình thức
Về hình thức, phụ lục hợp đồng phải được lập thành văn bản và phải đảm bảo hai yếu tố sau:
- Đánh số thứ tự tăng dần theo mốc thời gian ký kết hoặc phát sinh hiệu lực nếu hợp đồng có nhiều phụ lục.
- Việc công chứng, chứng thực phụ lục hợp đồng phải tuân theo quy trình ký kết hợp đồng chính.
3. Số lượng phụ lục hợp đồng được phép ký kết để sửa đổi, bổ sung hợp đồng chính
Ở cả hai Bộ luật dân sự và luật thương mại đều không quy định số lượng phụ lục hợp đồng được phép ký kết để sửa đổi, bổ sung hợp đồng chính. Tuy nhiên đối với từng loại hợp đồng trong từng nội dung công việc khác nhau sẽ chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành liên quan. Vậy nên hiện tại chỉ có phụ lục hợp đồng lao động bị giới hạn về số lần ký kết phụ lục điều chỉnh thời hạn của hợp đồng lao động, còn lại các loại hợp đồng khác các bên được tự do thỏa thuận số lượng và nội dung phụ lục hợp đồng.
IV. Một số mẫu phụ lục hợp đồng thường gặp
1. Mẫu phụ lục hợp đồng
2. Mẫu phụ lục hợp đồng kinh tế
3. Mẫu phụ lục hợp đồng lao động mới nhất
4. Mẫu phụ lục hợp đồng xây dựng
5. Mẫu phụ lục hợp đồng mua bán hàng hóa
6. Mẫu phụ lục hợp đồng thuê nhà
7. Mẫu phụ lục hợp đồng song ngữ Anh - Việt
V. Kết luận
Trên đây là một số mẫu phụ lục hợp đồng thường gặp trong thực tế mà nhiều người tìm kiếm. Bài viết không chỉ cung cấp cho bạn những mẫu phụ lục mà còn mang đến những kiến thức cơ bản về phụ lục hợp đồng cho bạn như lưu ý khi viết phụ lục hợp đồng, nội dung cơ bản và điều kiện có hiệu lực của phụ lục hợp đồng hay mối quan hệ giữa phụ lục hợp đồng và hợp đồng… Cuối cùng bạn có thấy bài viết hữu ích không? Cảm ơn và hẹn gặp lại trong bài viết tới!